Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 08:17 (GMT +7)
Vay lãi suất cao, doanh nghiệp nhỏ đối mặt rủi ro lớn
Thứ 5, 23/03/2023 | 15:44:29 [GMT +7] A A
Không còn tài sản thế chấp, không thể tiếp cận được tín dụng ưu đãi từ các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ nên nhiều doanh nghiệp phải vay vốn bên ngoài bất chấp lãi suất cao.
Tại khu vực sản xuất kim chi MR LEE của Công ty TNHH NPFood Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM), hàng chục công nhân khẩn trương hoàn thiện, kiểm tra cẩn thận từng sản phẩm trước khi giao đến các siêu thị. Ông Nguyễn Trọng Phát, Giám đốc Công ty NPFood Việt Nam bộc bạch, sau dịch bệnh COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều lúc muốn đóng cửa nhà máy vì hết vốn, không thể tiếp tục vay nhưng nhìn những công nhân gắn bó với DN, phía sau họ còn có gia đình nên ông Phát lại tiếp tục xoay xở, lèo lái với quyết tâm để công ty sáng đèn, tiếp tục giữ mạch sản xuất.
“Chúng tôi là DN nhỏ nên luôn thiếu vốn. Trước đây tôi có vay ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng (lãi suất 13%/năm) để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và phải thế chấp nhà cửa mới được vay. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo, nên công ty vô cùng khó khăn”, ông Phát nói.
Để tiếp tục hoạt động, ông Phát tìm đến các tổ chức tài chính phi ngân hàng, chấp nhận lãi suất 15-16%/năm vì họ không yêu cầu bắt buộc người vay phải có tài sản thế chấp. Đơn vị cho vay chỉ duyệt hồ sơ thông qua các báo cáo tài chính, các khoản báo cáo thuế, doanh thu hằng năm… và được duyệt vay rất nhanh. “Rào cản lớn nhất của DN nhỏ và vừa (DNNVV) là không có tài sản thế chấp. Các ngân hàng đều yêu cầu DN phải thế chấp tài sản chứ không đồng ý cho vay tín chấp” - ông Phát nói thêm.
Báo cáo từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 19.700 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164.700 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 119.600 lao động. Có 18.200 DN quay trở lại hoạt động (giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022); số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 38.800 DN (tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước). Có 9.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 5,8%); 3.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 1,6%). Bình quân một tháng có 25.700 DN rút khỏi thị trường.
Lãnh đạo một DN cơ khí chính xác ở huyện Bình Chánh than thở, hai năm qua, dù Chính phủ có nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất, cho vay ưu đãi… để DN phục hồi sản xuất sau dịch, nhưng ông chưa bao giờ được “chạm tay” vào bất cứ gói hỗ trợ nào. “Gõ cửa ngân hàng nào cũng đều nhận được câu trả lời chung chung rằng DN của ông chưa đủ điều kiện. Mà, một trong những điều kiện đó là không có phương thức kinh doanh hiệu quả, DN không sinh lợi” - vị này nói.
Bà Trần Diệu Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại cơ khí Tân Thanh cho rằng, vốn là một trong những vấn đề luôn khó và cần thiết với DN nhỏ và vừa. Ngay khi nghe có chính sách hỗ trợ giảm 2% lãi suất cho vay với một số đối tượng DN, bà Thanh liền liên hệ các ngân hàng thương mại hỏi về thủ tục.
“Chúng tôi là DN sản xuất cơ khí, đang gặp khó khăn về vốn nên rất trông đợi. Có hội nghị triển khai nào liên quan gói hỗ trợ này, chúng tôi cũng cử người tham gia nhưng đến giờ vẫn chưa tiếp cận được vì cán bộ ngân hàng nói nhiều tiêu chí không dễ đáp ứng. DN rất mong tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất giảm 2% so với lãi suất hiện hành” - bà Thanh bày tỏ.
Rủi ro tăng theo lãi suất cao
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho rằng, dù Chính phủ đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ cho DN trong năm qua như gói hỗ trợ 2% lãi suất; gói cho vay phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, hạ lãi suất vay… nhưng thực tế nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận. Để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, các DNNVV có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Ông Anh cũng cho biết, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang tìm những giải pháp như đứng ra bảo lãnh để DNNVV được vay vốn; tổ chức tập huấn giúp DN chuyển đổi số; giới thiệu những nguồn vốn vay hiệu quả, uy tín cho DN…
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính kinh tế cho rằng, DN vay vốn lưu động thì gặp ngân hàng, vay vốn đầu tư thì có thể gặp ngân hàng hoặc công ty thuê mua tài chính. Khi DN vay vốn phải đọc kỹ hợp đồng, các điều khoản quy định, xem khả năng DN có đáp ứng được không mới đặt bút ký. “Đôi khi trong việc kinh doanh của mình, các DN phải vay vốn với lãi suất cao, nhưng đó là để giải quyết việc cấp thiết với số tiền ít. Vay ngắn hạn nên phải chấp nhận lãi suất cao” - ông Hiển nói.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - chuyên gia chương trình tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam cho rằng, DN luôn cần nguồn vốn lưu động nhưng có tới 70% DN khó hoặc không có khả năng tiếp cận nguồn tài chính chính thức. Lý do thường thấy là thiếu tài sản bảo đảm, DN thiếu minh bạch về tài chính kế toán; chưa có phương án kinh doanh; DN còn non trẻ… “Chúng tôi vẫn khuyến nghị các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam hãy tận dụng tài sản là hàng hóa và các khoản phải thu của DN làm tài sản bảo đảm. Đó chính là cách ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa và giảm thiểu rủi ro lớn nhất khi cho vay” - bà Phạm Thanh Huyền nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()