Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 18:42 (GMT +7)
Về nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
Thứ 6, 11/08/2017 | 06:20:23 [GMT +7] A A
Nội dung chất vấn: Hiện nay nguồn thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp triệt để cho các địa phương theo Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 7-12-2016 của HĐND tỉnh quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu, giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020...
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 39 về dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương có 2 vấn đề liên quan đến việc phân bổ và sử dụng nguồn thu này, cụ thể:
- Các địa phương có nguồn thu phí BVMT từ khai thác than, sau khi ưu tiên dành nguồn thu này để cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên về môi trường mà còn nguồn thì được bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển của địa phương để đầu tư các dự án về môi trường.
- Đối với nhiệm vụ chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường được giao năm 2017, cần chú ý gắn với triển khai quy hoạch môi trường, đề án cải thiện môi trường và nhất là đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn.
Qua theo dõi thực tế thời gian qua một số địa phương phân khai và sử dụng nguồn thu này chưa sát đúng với mục đích, yêu cầu. Đề nghị Sở Tài chính cho biết cụ thể tình hình và biện pháp khắc phục?
Trả lời của Sở Tài chính:
Tại khoản 2, khoản 8, Điều 3 Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND về dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2017 có quy định về 2 vấn đề quan tâm. Quy định nêu trên nhằm đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho các địa phương, gắn trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí, đồng thời tạo thêm nguồn lực và sự chủ động cho các địa phương thực hiện các nhiệm vụ chi về môi trường theo phân cấp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 địa phương có số thu phí BVMT từ hoạt động khai thác than là: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều và Hoành Bồ, cụ thể:
1. Số thu từ phí BVMT năm 2016, 2017 của các địa phương:
- Năm 2016: Tổng thu đạt 465,4 tỷ đồng, trong đó Hạ Long là 82,6 tỷ đồng, Cẩm Phả 270 tỷ đồng, Uông Bí 61,6 tỷ đồng, Đông Triều 44,8 tỷ đồng, Hoành Bồ 6,4 tỷ đồng;
- Năm 2017:
+ Dự toán giao đầu năm: 423,5 tỷ đồng (Hạ Long 113 tỷ đồng, Cẩm Phả 225 tỷ đồng, Uông Bí 32 tỷ đồng, Đông Triều 50 tỷ đồng, Hoành Bồ 3,5 tỷ đồng);
+ Thực hiện thu 6 tháng đầu năm: 240,2 tỷ đồng, đạt 57% dự toán; trong đó Hạ Long thu 55,3 tỷ đồng, đạt 49%; Cẩm Phả thu 126 tỷ đồng, đạt 56%; Uông Bí thu 36,2 tỷ đồng, đạt 114%; Đông Triều thu 20,3 tỷ đồng, đạt 41% và Hoành Bồ thu 2,4 tỷ đồng, đạt 69%.
2. Dự toán chi thường xuyên sự nghiệp môi trường năm 2017 giao cho các địa phương là 453,2 tỷ đồng, trong đó: Hạ Long 167,6 tỷ đồng, Cẩm Phả 125,6 tỷ đồng, Uông Bí 66,7 tỷ đồng, Đông Triều 70,7 tỷ đồng, Hoành Bồ 22,5 tỷ đồng.
Như vậy, cân đối giữa sổ giao dự toán thu phí BVMT từ hoạt động khai thác than với dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực môi trường 2017 của các địa phương, thì chỉ có TP Cẩm Phả có số thu từ khoản phí này sau khi đã cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên về môi trường còn dư 99,4 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển đầu tư các dự án về môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 39.
3. Về tình hình phân khai và giao dự toán chi ngân sách cho lĩnh vực môi trường năm 2017 của 5 địa phương (chiếm 85% tổng chi của cả tỉnh):
- Dự toán tỉnh giao (theo định mức phân bổ quy định tại Nghị quyết 38) cho các địa phương: 486,9 tỷ đồng; trong đó: Hạ Long 201,8 tỷ đồng, Cẩm Phả 138,2 tỷ đồng, Uông Bí 66,7 tỷ đồng, Đông Triều 67,7 tỷ đồng và Hoành Bồ 12,5 tỷ đồng.
Kinh phí phân bổ theo định mức này chủ yếu để các địa phương chi cho các hoạt động: Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tưới nước rửa đường; thu gom xử lý nước thải; nạo vét bùn cống, hố ga, rãnh thoát nước; xử lý, di dời các điểm gây ô nhiễm; duy trì chăm sóc công viên, cây xanh...
- Dự toán các địa phương giao: 817,4 tỷ đồng (trong đó Hạ Long 377 tỷ đồng, Cẩm Phả 248,9 tỷ đồng, Uông Bí 75,3 tỷ đồng, Đông Triều 93,8 tỷ đồng, Hoành Bồ 22,5 tỷ đồng).
+ Dự toán chi thường xuyên: 453,1 tỷ đồng (Hạ Long 167,6 tỷ đồng, Cẩm Phả 125,6 tỷ đồng, Uông Bí 66,7 tỷ đồng, Đông Triều 70,7 tỷ đồng, Hoành Bồ 22,5 tỷ đồng).
+ Dự toán chi đầu tư: 364,3 tỷ đồng (Hạ Long 209,4 tỷ đồng, Cẩm Phả 123,3 tỷ đồng, Uông Bí 8,6 tỷ đồng, Đông Triều 23 tỷ đồng).
Qua kiểm tra, rà soát việc phân bổ và bố trí dự toán chi ngân sách cho các nhiệm vụ, dự án môi trường của 5 địa phương năm 2017 cho thấy: Nhìn chung các nội dung phân bổ đều đảm bảo quy định, phù hợp với tính chất của nguồn kinh phí, gắn với việc triển khai quy hoạch môi trường, đề án cải thiện môi trường và đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn. Tổng kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ, dự án môi trường đều cao hơn số dự toán chi tỉnh giao và cao hơn số thu phí BVMT từ khai thác khoáng sản, từ nước thải sinh hoạt trên địa bàn địa phương được điều tiết (trừ huyện Hoành Bồ, trong dự toán tỉnh giao có cân đối một phần nguồn thu này để địa phương thực hiện cân đối cho các nhiệm vụ chi thường xuyên ngoài sự nghiệp môi trường).
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương phân bổ, bố trí kinh phí nội dung chưa phù hợp với tính chất của nguồn kinh phí này, như: Chi tiền điện chiếu sáng; chi chỉnh trang, duy tu, cải tạo vỉa hè, tuyến phố, đường điện...
Để khắc phục sai sót nêu trên, trong thời gian tới Sở Tài chính sẽ có văn bản đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm và nếu có nguồn tăng thu trong năm 2017 phải thực hiện điều chỉnh nguồn vốn năm 2017 đã bố trí cho các dự án, nội dung chưa phù hợp; đồng thời Sở Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với địa phương trong việc phân bổ, bố trí, quản lý và sử dụng đối với nguồn kinh phí này, trên cơ sở đó sẽ kịp thời tham mưu báo cáo UBND tỉnh chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Liên kết website
Ý kiến ()