Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:17 (GMT +7)
Vì sao Anh trai vượt ngàn chông gai giảm sức hút?
Thứ 4, 18/09/2024 | 13:59:46 [GMT +7] A A
Thành tích và chỉ số lượt xem của "Anh trai vượt ngàn chông gai" giảm sút qua từng tập dù nội dung được đánh giá đặc sắc, nhân văn.
"Anh trai vượt ngàn chông gai" đã đi qua 10 tập, nói lời chia tay với 9 "anh tài".
Dù vậy, trên các diễn đàn, khán giả đặt câu hỏi về thành tích đi xuống của show sau mỗi tập phát sóng.
Hiện tại, trên bảng xếp hạng YouTube thịnh hành mảng âm nhạc, màn trình diễn có thứ hạng cao nhất là "Chiếc khăn Piêu", xếp thứ 11.
Trong khi đó, "đối thủ" của họ là "Anh trai say hi" chiếm 9/10 vị trí trong top 10, dù có những sân khấu đã phát sóng từ 3 tuần trước.
Lượt xem trên YouTube tập 10 cũng có sự giảm sút so với những tập trước, dù chương trình mời nhiều nghệ sĩ giàu kinh nghiệm trợ diễn.
Khi phát sóng trên truyền hình, "Anh trai vượt ngàn chông gai" từng liên tiếp đứng hạng 1 về rating (tỉ suất người xem). Nhưng vài tập gần đây, họ tụt xuống hạng 2, bị một chương trình về âm nhạc khác vượt mặt.
Nhìn lại giai đoạn mới phát sóng, các sân khấu "Giá như", "Nước Hoa", "Trống Cơm" từng gây sốt mạng xã hội, leo hạng trên các bảng xếp hạng.
Giờ đây, công diễn 4 với các tiết mục đặc sắc, hòa trộn giữa văn hóa truyền thống và màu sắc hiện đại lại chưa thực sự tạo hiệu ứng bùng nổ.
Tuy nhiên, "Anh trai vượt ngàn chông gai" hướng đến khán giả ở nhiều lứa tuổi, với format làm mới những ca khúc đã quen thuộc với khán giả.
Đa số các nghệ sĩ tham gia chương trình không có fandom (hội người hâm mộ) hoạt động bài bản, lâu năm, quảng bá tên tuổi bằng cách đẩy view, tăng thành tích.
Vì vậy, giữa các tiết mục và các nhà không có cuộc chạy đua thành tích gắt gao như "Anh trai say hi". Ở đó, lượt xem YouTube hay top thịnh hành không phải mục đích cao nhất, mà là khát khao lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Có lẽ chính Binz cũng không thể nghĩ đến một ngày có cơ hội thử sức hát chèo trên sân khấu. Chỉ mấy công diễn trước, anh vẫn còn say sưa với những bản rap về tình yêu vốn là thế mạnh.
Tiết mục "Đào liễu" được dàn dựng công phu, kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật chèo với hip hop. Không gian hội làng ngập sắc đỏ và sự góp mặt của NSND Thu Huyền mang đến một sân khấu ấn tượng.
Công diễn 4 là một đêm diễn đầy cảm xúc khi 4 bài hát đại diện cho 4 nét văn hóa khác nhau. "Chiếc khăn Piêu" là văn hóa của dân tộc vùng Tây Bắc, "Đào liễu" là chất liệu chèo, "Mưa trên phố Huế" mang phong vị nhã nhạc cung đình, còn "Dạ cổ hoài lang" là giai điệu quen thuộc của âm nhạc truyền thống Nam Bộ.
Các thí sinh xuất thân từ nhiều vùng miền, có sở trường riêng, nhưng đều nỗ lực xây dựng một bối cảnh văn hóa đậm bản sắc, chỉn chu.
Hình ảnh khèn, đàn môi, sáo mèo, những điệu chèo ngọt ngào, màn múa chén đặc sắc và tà áo dài thướt tha cho thấy chất liệu văn hóa âm nhạc dân gian được khai thác đầy sáng tạo trong "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Để hóa thân, để trở thành một phần trong không gian văn hóa đó, Binz, Tăng Phúc, Bằng Kiều... thay đổi hoàn toàn cách hát trước đây của mình, hay các thí sinh phải học múa chén, thổi sáo, học các điệu nhảy truyền thống.
Thế nhưng, thành tích của các tiết mục lại chưa có được sự bùng nổ như Anh trai say hi. Trên các diễn đàn âm nhạc, khán giả cho rằng, hội nhóm fan của dàn "anh tài" cần tích cực, nỗ lực hơn để đưa những tiết mục của Anh trai vượt ngàn chông gai có thứ hạng tốt hơn trên top âm nhạc thịnh hành, từ đó cũng lan tỏa hơn những nỗ lực âm nhạc của họ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()