Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:01 (GMT +7)
Viêm phổi: Dùng thuốc và cách phòng ngừa hiệu quả
Thứ 5, 11/11/2021 | 21:45:00 [GMT +7] A A
Hiện tại nước ta đang trong thời điểm giao mùa. Thời tiết lạnh dễ tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lưu hành. Trong đó, viêm phổi là bệnh lý thường gặp và có thể kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Nguyên nhân gây viêm phổi
Nguyên nhân gây viêm phổi thường do vi khuẩn (S. pneumoniae, H. influenzae, S. aureus...), trực khuẩn gram âm (P. aeruginosae, E. coli…), virus (cúm gia cầm, SARS – corona virus), nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao. Bệnh thường xảy ra về mùa đông hoặc khi tiếp xúc với lạnh.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm tuổi cao, suy giảm miễn dịch, nghiện rượu bia, hút thuốc hay có các bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, đái tháo đường...
Viêm phổi do các virus (nhất là virus cúm) chiếm khoảng 10% các bệnh nhân (BN). Các bệnh nhân viêm phổi virus nặng thường bị bội nhiễm vi khuẩn.
2. Triệu chứng của viêm phổi
Trên lâm sàng, bệnh thường xuất hiện cấp tính trong vài ngày. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt cao, khát nước, môi khô, lưỡi bẩn, rét run, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi. Người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói như bị dao đâm ở bất cứ vị trí nào trên thành ngực, cơn đau thường tăng lên khi thở hoặc ho vì khi đó 2 lá của màng phổi bị viêm sẽ cọ xát lên nhau.
Tuy nhiên, ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân suy giảm miễn dịch các biểu hiện ban đầu của viêm phổi có thể không rầm rộ.
3. Biến chứng có thể gặp
Viêm phổi có thể gây các biến chứng tại phổi, trong lồng ngực và biến chứng xa. Tại phổi, bệnh có thể lan rộng ra hai hoặc nhiều thùy phổi. Viêm phổi khiến bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi, mạch nhanh. Thậm chí, bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy hô hấp, xẹp phổi, sốc nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, áp xe phổi cũng là biến chứng hay gặp khi điều trị không dứt điểm. Biến chứng trong lồng ngực bao gồm tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm màng ngoài tim. Biến chứng xa như viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm màng não… Đây đều là những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong.
4. Các thuốc điều trị viêm phổi
Mục tiêu điều trị chủ yếu của viêm phổi nhằm giảm các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân và giải quyết nguyên nhân của bệnh. Quan trọng hơn, điều trị đúng sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong gây ra bởi các biến chứng cũng như giảm nguy cơ đề kháng thuốc kháng sinh sau này.
Trong các nhóm thuốc điều trị viêm phổi, kháng sinh là nhân tố quan trọng nhất vì nó giải quyết được căn nguyên gây bệnh. Trong nhiều hướng dẫn điều trị viêm phổi trên thế giới, bệnh nhân thường được phân tầng dựa vào yếu tố nguy cơ mắc vi khuẩn kháng thuốc, bệnh đồng mắc, khả năng vi khuẩn gây bệnh và mức độ nặng của bệnh.
4.1 Thuốc kháng sinh và những bất lợi cần lưu ý
Đối với bệnh ở mức độ nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, thường sử dụng một số nhóm kháng sinh sau:
- Nhóm beta-lactam
Điển hình như amoxicilin, ceftriaxon, cefpodoxim, cefuroxim, penicilin G...
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm dị ứng với các biểu hiện ngoài da như: Mày đay, ban đỏ, mẩn ngứa, phù Quincke gặp với tỷ lệ cao. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh với biểu hiện kích thích, khó ngủ...
Bên cạnh đó, thuốc có thể gây rối loạn tiêu hoá do loạn khuẩn ruột. Nghiêm trọng hơn là bệnh não cấp (rối loạn tâm thần, nói sảng, co giật, hôn mê), tuy nhiên tai biến này thường chỉ gặp ở liều rất cao hoặc ở người bệnh suy thận do ứ trệ thuốc gây quá liều.
Đặc biệt chú ý đến trường hợp các bệnh nhân có tiền sử dị ứng mạnh với nhóm kháng sinh này. Sốc phản vệ là tác phụ phụ nghiêm trọng nhất và có thể dẫn đến tử vong.
- Nhóm macrolis
Các thuốc trong nhóm náy như: Erythromycin, clarithromycin.
Nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn hẹp, chủ yếu tập trung vào một số chủng vi khuẩn Gram-dương và một số vi khuẩn không điển hình.
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là ở hệ thống tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy (gặp khi dùng đường uống), viêm tĩnh mạch huyết khối (khi tiêm tĩnh mạch). Thuốc bị chuyển hoá mạnh khi qua gan nên có thể gây viêm gan hoặc ứ mật; có thể gây điếc, loạn nhịp tim nhưng với tỷ lệ thấp.
- Nhóm cyclin
Nhóm này có doxycyclin được đề cập trong các phác đồ điều trị. Đây là thuốc có phổ kháng khuẩn rộng và vẫn có tác dụng trên một số chủng vi khuẩn gây bệnh không điển hình .
Do đã được đưa vào điều trị từ rất lâu, hiện nay tỷ lệ kháng tetracyclin của vi khuẩn gây bệnh cũng rất cao. Tác dụng phụ đặc trưng của nhóm là gắn mạnh vào xương và răng, gây chậm phát triển ở trẻ em, hỏng răng, biến màu răng; thường gặp với trẻ dưới 8 tuổi hoặc do người mẹ dùng trong thời kỳ mang thai.
Tác dụng phụ trên đường tiêu hoá gây kích ứng, loét thực quản (nếu bị đọng thuốc tại đây), đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… hay gặp khi dùng đường uống. Độc tính trên thận hoặc trên gan, gây suy thận hoặc viêm gan, ứ mật. Tăng áp lực nội sọ có thể gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt nếu dùng phối hợp với vitamin A liều cao. Mẫn cảm với ánh sáng tuy hiếm gặp nhưng cũng phải lưu ý.
- Nhóm quinolon
Bao gồm: Moxifloxacin, gemifloxacin, levofloxacin. Các thuốc này có tác dụng trên phế cầu/Streptococcus pneumoniae và một số chủng vi khuẩn Gram-dương, vì vậy đôi khi còn được gọi là các quinolon hô hấp.
Tác dụng phụ đặc trưng của nhóm là viêm gân, đứt gân Asin. Hơn nữa, tỷ lệ gặp tai biến tăng nếu sử dụng nhóm này trên người bệnh suy gan và/hoặc suy thận, người cao tuổi hoặc dùng cùng corticosteroid.
Các dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như gây nhức đầu, kích động, co giật, rối loạn tâm thần, hoang tưởng. Ngoài ra, tương tự như trên nhóm cyclin, nhóm này cũng có một số biểu hiện trên hệ tiêu hoá như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc gây suy gan, suy thận, mẫn cảm với ánh sáng. Đối với bệnh nhân có mức độ nặng hơn cần nhập viện điều trị với các loại kháng sinh mạnh hơn và đặc trị theo nguyên nhân.
4.2 Thuốc hạ sốt/giảm đau
Bệnh nhân viêm phổi khi có sốt cao có thể dùng những loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Có thể dùng ibuprofen hoặc acetaminophen (paracetamol). Liều dùng của acetaminophen đường uống cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và người lớn là 500 - 1000 mg/lần, cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ, tối đa 4g/ngày. Liều dùng ibuprofen để giảm sốt là 200 – 400 mg/lần, cách nhau 4-6h, tối đa 1,2 g/ngày.
Tuy nhiên, cần uống thuốc đúng chỉ định. Việc uống thuốc quá liều, kéo dài có thể gây ngộ độc, tổn thương gan thận. Do đó, cần cẩn trọng với các bệnh nhân suy gan, suy thận.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Chỉ sử dụng thuốc khi được chẩn đoán và kê đơn từ bác sĩ.
- Bắt đầu điều trị với kháng sinh càng sớm càng tốt. Có thể dùng ngay sau khi được chẩn đoán viêm phổi (chắc chắn dùng trong vòng 4 giờ).
- Lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp với từng căn nguyên gây bệnh từ vi khuẩn, virus, nấm...
Ngoài ra, có thể cân nhắc sử dụng phối hợp kháng sinh tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Hoặc điều trị triệu chứng nếu cần (dùng các thuốc giảm đau hạ sốt, bồi phụ nước điện giải, giảm ho, long đờm, kết hợp vỗ rung, dẫn lưu đờm theo tư thế).
- Bệnh nhân viêm phổi được điều trị ngoại trú (điều trị tại nhà) khi không có các dấu hiệu nặng của bệnh. Tuy nhiên, cần đưa bệnh nhận tới viện khi có một trong các dấu hiệu: Thở nhanh > 25 lần/phút, có tím môi, đầu ngón chân, ngón tay; mạch nhanh > 100 lần/phút, huyết áp thấp; rối loạn ý thức (lú lẫn, nói lảm nhảm, la hét, co giật); sốt cao > 40 độ C hoặc nhiệt độ cơ thể hạ quá thấp < 35 độ C.
- Đối với những bệnh nhân suy thận, suy gan... cần được theo dõi liên tục và điều trị tại bệnh viện.
Chỉ sử dụng kháng sinh khi được chẩn đoán và kê đơn từ bác sĩ. Ngoài ra, có thể cân nhắc sử dụng phối hợp kháng sinh tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
6. Phòng bệnh viêm phổi thế nào?
Để tránh mắc viêm phổi, nên thực hiện những điều sau:
- Dự phòng hoặc điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, đồng thời quản lý tốt các bệnh lý nền kèm theo.
- Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh. Ngoài ra cần bỏ các chất kích thích có hại như rượu bia, thuốc lá.
- Tiêm phòng cúm 1 năm/lần ở người > 50 tuổi, chỉ định ở người mắc bệnh lý tim phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch.
- Tiêm phòng phế cầu: 5 năm/lần khi tiêm lần đầu dưới 65 tuổi, nếu lần đầu tiêm > 65 tuổi thì không cần nhắc lại. Chỉ định ở người mắc bệnh tim phổi mạn, đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan mạn tính, dò dịch não tủy, cắt lách, suy giảm miễn dịch.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()