Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:56 (GMT +7)
Viên ngọc sáng Minh Châu
Thứ 5, 12/09/2013 | 06:48:34 [GMT +7] A A
Ngày nay, nếu ai đó đến xã Minh Châu (Vân Đồn), nhất là vào mùa hè đều rất ấn tượng vì xã có bãi biển Chương Nẹp dài khoảng 2km còn đầy vẻ hoang sơ, cát trắng mịn uốn cong hình trăng lưỡi liềm, tựa mình vào rừng trâm nguyên sinh khoảng 300 năm tuổi mênh mông tới 140ha. Suốt bao năm người dân Minh Châu đoàn kết giữ rừng, giữ biển, rồi giờ đây chính rừng, biển đã đem lại cuộc sống tốt hơn cho họ cùng với sự phát triển của du lịch nơi đây.
Mảnh đất kiên cường
Từ năm 2006 trở về trước, Minh Châu là một xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 30%. Con số này cứ giảm dần cho đến khi bước sang năm 2013, Minh Châu là xã đầu tiên của Vân Đồn được công nhận là xã không còn hộ nghèo. Nói về sự phát triển kinh tế của xã gắn với công tác xoá đói giảm nghèo, ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cái đem lại thành công cho Minh Châu là tinh thần đoàn kết của bà con. Thể hiện rõ nhất là bà con biết truyền đời gìn giữ những báu vật của thiên nhiên, đến nay khi du lịch phát triển, chính những tiềm năng thiên nhiên đó đã giúp họ xoá nghèo, vươn lên làm giàu”.
Một trong những “báu vật” mà ông Sang nhắc đến chính là rừng trâm Minh Châu, khu rừng nguyên sinh nằm trong quần thể khu dân cư, điều ít thấy ở các địa phương khác. Ông Vương Văn Tý, 87 tuổi, là người dân gốc đã mấy chục năm sống bên rừng trâm này cho hay: “Rừng trâm giống như báu vật và là vị cứu tinh của Minh Châu. Người dân xã đã từng ăn quả trâm để sống qua trận đói khủng khiếp năm 1945. Cũng trong thời gian này, người dân Minh Châu đã đoàn kết cùng nhau đấu tranh quyết bảo vệ bãi biển Chương Nẹp và rừng trâm khỏi bị cày xới lên bởi kế hoạch khai thác quặng ti-tan tại khu vực này của thực dân Pháp”. Cho đến nay, rừng trâm với người dân Minh Châu vẫn giống như 2 quần thể không thể tách rời, con người bảo vệ rừng, rừng bảo vệ con người chống lại những cơn bão dữ dội tàn phá xóm làng. Rừng trâm cũng giống như “của chìm” cha ông để lại, tạo ra nét riêng cho du lịch Minh Châu, giúp người dân phát triển kinh tế.
Rừng trâm tạo ra nét riêng cho du lịch và là biểu tượng đoàn kết giữ rừng của người dân Minh Châu. |
Không chỉ đoàn kết, kiên cường cùng nhau xoá nghèo, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của người dân Minh Châu càng thể hiện rõ nét. Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Minh Châu (1945-2009)” của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vân Đồn có kể rằng: “Từ năm 1945, Minh Châu đã có đội tự vệ do chính người dân trong xã tự thành lập, coi giữ một vùng rộng lớn từ Cửa Đối (xã Minh Châu) đến Bắc Ba Mùn (thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long ngày nay). Đội tự vệ Minh Châu hoạt động trong thời gian khoảng 6-7 năm, đã có nhiều cuộc chiến đấu rất dũng cảm chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai đến đàn áp xóm làng. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Minh Châu lại lần nữa thể hiện là xã đảo kiên cường bất khuất. Tháng 10-1963, Tiểu đội 3 dân quân xã Minh Châu đi tuần tra trên biển, đã phát hiện và bắt gọn 1 toán biệt kích Mỹ - Tưởng gồm 7 tên xâm nhập vào địa bàn xã. Sau chiến công này, đã có 2 chiến sĩ dân quân xã Minh Châu được tặng thưởng Huân chương Chiến Công hạng Ba. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Minh Châu đã tiễn đưa hàng trăm người con lên đường đóng góp vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước. Toàn xã có 6 đồng chí được phong là dũng sĩ diệt Mỹ, 13 người là sĩ quan cấp tá trong các đơn vị quân đội…
Giàu từ du lịch
Gần chục năm trở về trước, Minh Châu chỉ có những ngôi nhà nhỏ bé, lưa thưa lấp ló sau những rặng cây, rất ít nhà mang dáng dấp hiện đại. Vậy mà ngày nay, thôn xóm đã thay đổi nhiều, vóc dáng đô thị hiện dần trên những con đường, len cả vào ngõ xóm. Toàn xã có 14 nhà nghỉ và khách sạn với hơn 300 phòng phục vụ khách du lịch. Ông Nguyễn Thành Sang cho chúng tôi biết thêm: “Những ngày cao điểm, khách du lịch đến Minh Châu có thể đạt tới 3.000 người. Vào kỳ nghỉ dài ngày như dịp 30-4 và 1-5, các nhà nghỉ trên địa bàn không có phòng trống. Năm 2012, lượng khách du lịch tăng gấp đôi so với năm trước, toàn xã đã đón ước tính khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách lưu trú, nghỉ dưỡng qua đêm. Năm 2013, tuy kinh tế thế giới có nhiều khó khăn nhưng Minh Châu vẫn là điểm đến của nhiều người…”.
Du lịch đưa vào xã đã tạo một làn gió mới cho Minh Châu. Hầu hết người dân nơi đây đều có việc làm từ phục vụ du lịch. Nhiều người trước đây chỉ quanh năm chài lưới, ruộng vườn giờ đây đã mạnh dạn chuyển sang xây nhà nghỉ để kinh doanh, hay làm các dịch vụ phục vụ du lịch như bán hàng, chạy xe đưa đón khách, nấu ăn, tiếp tân trong các nhà nghỉ, khách sạn… Cùng với các loài hải sản khác, một điều hấp dẫn nữa ở Minh Châu là đặc sản sá sùng, khai thác từ bãi sá sùng tự nhiên của xã rộng tới 100ha. Du khách đến đây không chỉ ấn tượng về bãi biển hay rừng trâm, mà còn thích vị ngọt pha lẫn sự mặn mòi biển cả rất đậm, rất riêng của sá sùng Minh Châu.
Với rất nhiều nét độc đáo như thế, khi rời xa mảnh đất này hẳn không mấy ai dễ quên những ấn tượng đọng lại trong mình về mảnh đất rất xứng đáng với cái tên của nó Minh Châu - viên ngọc sáng.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()