Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 02:24 (GMT +7)
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nền kinh tế số
Thứ 3, 14/12/2021 | 18:33:32 [GMT +7] A A
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng kinh tế số của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020.
Thời gian qua, kinh tế số trên thế giới tăng trưởng rất nhanh, trở thành “chìa khoá” cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu, tại Việt Nam, xu hướng này cũng không ngoại lệ. Theo đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn trực tuyến “Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G” diễn ra vào sáng ngày 14/12, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện rất tốt để xây dựng nền kinh tế số. Những điều kiện này bên cạnh đến từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan, thì còn đến từ môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, về cơ chế, chính sách, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.
Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Võ Thành Thống cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo, cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định, việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
“Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch Covid-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi để thích ứng” – Thứ trưởng Võ Thành Thống thông tin.
Về môi trường đầu tư, Việt Nam hiện là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới như: Apple, Samsung, Ericsson, ABB… trong đó, có những tập đoàn cam kết đầu tư lâu dài và coi Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất toàn cầu của họ. Bên cạnh các tập đoàn nước ngoài, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ và vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, điển hình như: Tập đoàn FPT, Viettel…
Ở góc độ bộ, ngành, Bộ KH&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Thông tin và truyền (TT&TT) thời gian qua cũng có nhiều chính sách phát triển kinh tế số. Trong đó, Bộ KH&ĐT đã có 3 chương trình hành động phát triển kinh tế số, bao gồm: Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế số; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Với Bộ TT&TT, nhận thức được rằng, để tận dụng được cơ hội phát triển kinh tế số thì 5G được xem là một nền tảng không thể thiếu, bởi đó là nền hạ tầng số, dữ liệu vô hạn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra quá trình phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đồng thời thực hiện mục tiêu, viễn thông Việt Nam phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nhất là hạ tầng băng thông rộng, trong đó có mạng di động 5G.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT): Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Đồng thời, đã ban hành các quy chuẩn về 5G, đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao; khu vực có nhu cầu, đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G… Đây được đánh giá là những yếu tố quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế số của Việt Nam phát triển.
Thừa nhận Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nền kinh tế số, đồng thời khẳng định, kinh tế số sẽ giúp sản sinh ra những loại hình doanh nghiệp và mô hình kinh doanh mới, mang lại cơ hội và tạo ra giá trị mới trong các lĩnh vực sản xuất, giao thông vận tải, chăm sóc sức khoẻ, năng lượng và các lĩnh vực khác. Trong đó, 5G sẽ mở ra những tiềm năng lớn cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar – cho rằng: Để phát triển kinh tế số Việt Nam cần cải thiện vùng phủ sóng ở nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển công nghiệp theo hướng 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP.
Với bà Mary Hallward-Driemeier - Cố vấn kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện là thời điểm lý tưởng để Việt Nam thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, nhằm hướng tới khả năng cạnh tranh, phục hồi sau Covid-19, đồng thời đạt mục tiêu tham vọng cho nền kinh tế số đạt 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tuy vậy, để phát triển kinh tế số, Việt Nam vẫn cần một khung khổ về chính sách cạnh tranh và sáng tạo để thúc đẩy mô hình kinh doanh, chuyển đổi số.
Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số không chỉ là định hướng mà còn là đích đến của Việt Nam trong tương lai gần. Chuyển đổi số được cho là sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam hậu Covid-19. |
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()