Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:11 (GMT +7)
"Vịnh Hạ Long đã làm say lòng du khách mọi thời đại..."
Chủ nhật, 10/08/2014 | 14:13:28 [GMT +7] A A
“Men say Hạ Long” là tên cuộc triển lãm 100 tấm ảnh cổ chụp Vịnh Hạ Long mà nhà giáo Đoàn Thịnh và con trai mình là kiến trúc sư Đoàn Bắc đã sưu tầm được. Một số bức ảnh trong cuộc triển lãm còn được Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng in độc bản trên các chai vang Đà Lạt để bán đấu giá ủng hộ trẻ em nghèo Quảng Ninh...
Nhà sưu tầm Đoàn Thịnh giới thiệu những bức ảnh Hạ Long xưa với người xem. |
Trò chuyện với chúng tôi, nhà giáo Đoàn Thịnh, cho biết:
+ Tôi là người có nhiều duyên nợ với Quảng Ninh. Tôi đã làm cán bộ địa chất ở huyện Hoành Bồ trong những năm từ 1964 đến 1968. Sau đó, tôi chuyển lên Hà Nội làm giáo viên dạy Sử. Và đến khi nghỉ hưu thì tôi cùng con trai hợp sức đi sưu tầm ảnh về Hà Nội xưa. Được cái con trai tôi có điều kiện đi đây đi đó, nó có những người bạn ở Pháp, họ biết tôi gắn bó với Quảng Ninh, lại đang sưu tầm ảnh cổ, nên đã trao tặng những bức ảnh quý giá về Hạ Long này. Chuyện sưu tầm ảnh cổ về Hạ Long đến với chúng tôi chỉ tình cờ như thế thôi. Quả thực tôi cũng không có ý đồ từ trước…
Bức ảnh thuyền đánh cá được Pierre Dieulefils (1862-1937) chụp năm 1906. |
- Vậy đến thời điểm này, ông và con trai mình, kiến trúc sư Đoàn Bắc, đã có trong tay bao nhiêu bức ảnh cổ về Hạ Long?
+ Bước đầu chúng tôi đã sưu tầm được trên 150 ảnh chụp Hạ Long từ năm 1885 đến 1953. Đó là những bức ảnh mà chúng tôi được gia đình, người thân của các tác giả, cũng như các thư viện lưu trữ của Pháp cung cấp. Điển hình là gia đình cụ Louis Sandout (1860-1915). Lúc còn sống, cụ là một bác sĩ quân y đồng thời là nhà báo, là một học giả. Khi đến Việt Nam, cụ đã chụp được rất nhiều ảnh về Vịnh Hạ Long. Cháu nội của cụ năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi rồi. Ông ấy rất sẵn lòng trao tặng lại những bức ảnh này. Tôi nghĩ là ảnh về Hạ Long xưa vẫn còn, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm...
- Những bức ảnh nói ở trên là bản gốc hay chỉ là phiên bản? Và để đưa vào triển lãm này, chúng có phải qua nhiều bước chỉnh sửa, phục chế gì không, thưa ông?
+ Nói chung, ảnh gốc thì khó giữ lắm! Những bức ảnh chụp phần lớn đều gắn liền với nhật ký của các tác giả nên có hoàn cảnh ra đời cụ thể. Trong bản gốc, đều là ảnh đen trắng đã mờ. Chúng tôi đã phải gia công chỉnh sửa sao cho rõ nét hơn nhưng vẫn đảm bảo trung thành với nguyên bản. Cũng mừng là những người Pháp nay đang sở hữu những bức ảnh này không đòi tiền tác quyền mà trao tặng chúng tôi rất vô tư. Anh biết đấy, tiền tác quyền trong những trường hợp cụ thể này không ít đâu. Mà nếu vậy thì với khả năng tài chính của mình, chúng tôi cũng hơi khó khăn để có được ảnh. Chúng tôi rất biết ơn họ…
- Là một nhà sưu tầm ảnh, ông và con trai mình đã phân loại các tác phẩm ảnh cổ về Hạ Long như thế nào?
+ Mỗi bức ảnh chúng tôi đều ghi “lý lịch” rõ ràng. Trên các bức ảnh đều có tên tác phẩm, người chụp, năm chụp. Chúng tôi tạm chia 150 bức này ra làm 3 cụm ảnh: Ảnh chụp Hạ Long từ trên cao (có thể người chụp đứng núi nọ chụp núi kia hay là chụp từ khinh khí cầu); ảnh chụp từ dưới thấp (người chụp đứng chụp từ trên thuyền hay là đi bộ trên bãi biển) và ảnh sinh hoạt đời sống trên Vịnh Hạ Long xưa…
- Ngắm Hạ Long cách đây hơn một thế kỷ và Hạ Long hôm nay, nếu so sánh, ông thấy thế nào?
+ Nhìn những bức ảnh đó, tôi nghĩ người chụp đã bị mê hoặc trước cảnh đẹp kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long. Chính vì thế mà họ đã say sưa gửi gắm tình cảm đó vào từng góc độ khác nhau của những bức ảnh. Thêm nữa, có một thực tế mà chúng ta đều thấy là đa phần những di tích lịch sử ở địa phương khác đều không còn nguyên vẹn trước thời gian. Nhưng Hạ Long thì hầu như không khác xưa nhiều lắm. Chỉ có cái khác là cảnh xưa hoang sơ hơn. Ngày nay, cảnh Hạ Long được chỉnh chu lại, đẹp đẽ hơn. Đó là những giá trị đã vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Đó là một sự lý giải cho câu hỏi không phải tự nhiên mà Vịnh Hạ Long lại được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Bạn thấy đấy, Vịnh Hạ Long đã làm say lòng bao nhiêu thế hệ du khách, đúng như tên gọi của triển lãm ảnh chúng tôi đã thực hiện ở Hạ Long vừa qua: “Men say Hạ Long”…
- Ông đã có trong tay kho ảnh cổ về Vịnh Hạ Long từ khá lâu rồi. Vậy tại sao lại không tổ chức triển lãm sớm hơn, thưa ông?
+ Thú thực là chúng tôi đã định làm triển lãm này từ lần vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long mấy năm trước cơ. Nhưng tiếc là điều kiện chưa cho phép nên chưa làm được. Lần này, tôi đã thoả nguyện. Vì thế, tôi rất biết ơn Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng, đơn vị sản xuất rượu vang Đà Lạt đã có ý tưởng rất hay là đưa những hình ảnh này về nơi đã sinh ra nó để tổ chức triển lãm…
- Cám ơn nhà giáo Đoàn Thịnh về cuộc trò chuyện này.
Phạm Học (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()