Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:02 (GMT +7)
Vũ điệu hành quang của đồng bào Sán Dìu
Chủ nhật, 31/03/2024 | 10:51:16 [GMT +7] A A
Trong mùa xuân, các đám hát càng sôi nổi, trai gái khắp các bản làng đi hội chơi xuân, đến với lễ đại phan (mừng cơm mới, cơm to), lễ hội lớn nhất của người Sán Dìu và để được xem vũ khúc hành quang.
Múa hành quang (người Sán Dìu phát âm là háng cong) với ý nghĩa là hành quang tiếp sứ, mở đường nghênh tiếp thần và tống thần là vũ điệu chủ đạo trong lễ hội đại phan. Múa hành quang còn thể hiện vui chơi và lao động sản xuất như: Hoàng mẫu giã gạo, xay thóc, trồng cây, chải đầu và thủy ngưu vọng nguyệt, hoàng mẫu xây đập, đào kênh…
Điệu múa trong lễ đại phan hay lễ cấp sắc kèm theo câu hát thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Múa hành quang do các phan sư (thầy cúng) biểu diễn chứa đựng kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, là một điểm nhấn văn hóa độc đáo, phản ánh đậm nét tín ngưỡng của đồng bào Sán Dìu.
Khi mời các vị thánh thần đến thì các thầy giúp việc và đệ tử nhảy các vũ điệu hành quang với ý nghĩa là phát quang dọn đường để nghênh tiếp các thần, thể hiện sự vui mừng chào đón và kính trọng. Đồng bào Sán Dìu tin rằng, vũ điệu hành quang phản ánh đời sống tín ngưỡng về các vị thần linh, đem lại sự bình yên, mạnh khỏe, muôn vật phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu, bình yên hạnh phúc cho người dân bản làng. Đây được coi là điệu múa thiêng thể hiện quan niệm về ngũ hành, nhân sinh quan của người Sán Dìu. Điệu nhảy có ý nghĩa về sự khai sáng, mô phỏng thần linh ban cho chúng sinh ánh hào quang có sức mạnh thần kỳ để cho chúng sinh được bình yên, mạnh khỏe, muôn vật phát triển tốt tươi, con người có được mùa màng bội thu, bình yên hạnh phúc.
Tuy nhiên, do nhiều năm không tổ chức được lễ hội đại phan, đồng nghĩa với vũ điệu hành quang không có cơ hội để tổ chức thực hiện. Các loại nhạc cụ, khí cụ, cùng trang phục và các điệu dân vũ cũng ngày càng bị mai một, có nguy cơ thất truyền. Những năm gần đây, kể từ khi các lễ hội đại phan, lễ cấp sắc, lễ hội văn hóa dân tộc Sán Dìu được phục dựng ở Vân Đồn, Tiên Yên, Cẩm Phả và Hạ Long đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Sán Dìu. Đồng thời, vũ điệu hành quang được chọn tham gia Liên hoan văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 2009 đã được đánh giá là tiết mục đặc sắc, do đó được chọn là tiết mục đặc biệt tham gia vào trình diễn bản sắc các dân tộc Quảng Ninh tại Carnaval Hạ Long.
Tại các lễ hội của đồng bào Sán Dìu ở Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên, Vân Đồn hiện nay, sau vũ điệu hành quang, các phan sư sẽ thực hiện nghi thức leo dao. Thầy cúng chuẩn bị hai cây dao mô phỏng hình bông lúa, gọi là cây dương và cây âm. Tất cả các lưỡi dao được gắn vào thân cây đều quay lưỡi lên trên, chỉ có một lưỡi gắn trên cùng của cây âm là quay xuống đất. Các lưỡi dao buộc chặt vào thân cây theo dạng một chiếc thang.
Theo truyền thuyết của người Sán Dìu, xưa kia vua Cóc phải bò qua 12 nấc thang để cầu ông trời đổ mưa. Thầy cúng sẽ làm lễ leo lên các nấc thang tái hiện truyền thuyết vua Cóc. Leo qua 12 nấc đến nấc thang cao nhất, thầy cúng sẽ vẩy thóc gạo ra mọi phía cho mọi người ở dưới đón lấy, tượng trưng cho sự ban ơn của trời cho dân bản được no ấm, mùa màng bội thu. Trong suốt quá trình đó, những phan sư còn lại ở dưới thang vẫn duy trì âm thanh của các loại nhạc cụ.
Vũ điệu hành quang về mặt bản chất là diễn xướng dân gian tổng hợp sự tích hợp giữa âm nhạc, vũ đạo với các nghi lễ và nghi thức xuyên suốt phục vụ các nội dung chạy đàn, cúng tế, cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh trong lễ hội.
Trong một chỉnh thể âm nhạc diễn xướng, cầu khấn hòa quyện với nhau, vũ điệu hành quang tạo nên một không gian vừa tôn vinh những giá trị nghi lễ, vừa lan tỏa lay động thổi bùng lên ngọn lửa sôi nổi, nhiệt tình cho phần hội. Vì thế, vũ điệu hành quang của người Sán Dìu, hoạt động tiêu biểu phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa truyền thống của người Sán Dìu, cần tiếp tục được nghiên cứu, gìn giữ, phát huy để góp phần làm phong phú và đa dạng bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()