4
18
/
1100220
Vượt nắng, thắng mưa tạo “lá chắn” an toàn cho cộng đồng
longform
Vượt nắng, thắng mưa tạo “lá chắn” an toàn cho cộng đồng

Đó là những chuỗi ngày không thể quên của họ - đội ngũ nhân viên y tế từ các bệnh viện tuyến tỉnh đến cơ sở, đã làm việc quên cả thời gian, bất chấp thời tiết mưa nắng, chạy đua từng ngày, từng giờ để mang đến những mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn cho người dân. Mục tiêu cao nhất là nhanh chóng thiết lập được miễn dịch cộng đồng, tạo “lá chắn” an toàn cho để mọi người chống lại đại dịch.


“Với tôi, gia đình luôn là tài sản quý giá nhất cần được bảo vệ. Nhưng mấy tháng nay, tài sản này đành phải lui về vị trí thứ hai để ưu tiên cho “kho báu” khác, quan trọng hơn - đó là vắc xin phòng dịch Covid-19” - Chị Lương Thị Duyên, nhân viên Khoa Dược, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ vui khi nói về nhiệm vụ của mình.

Bất kể ngày hay đêm, từ giữa trưa, sáng sớm, thậm chí 12 giờ đêm, 3 giờ sáng, mỗi khi một lô vắc xin phòng Covid-19 mới được chuyển về CDC Quảng Ninh, chị Duyên lại cùng đồng nghiệp trong Khoa Dược có mặt, sẵn sàng để vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản. Lúc cao điểm, lượng vắc xin về nhiều, cả khuôn viên CDC Quảng Ninh rộn ràng như ngày hội. Phần vì gần như các thành viên Khoa Dược đều có mặt làm việc, phần vì tâm trạng phấn khởi bởi sẽ có thêm nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được tiêm phòng.

Chị Lương Thị Duyên cẩn thận kiểm tra từng lô vắc xin.

Chị Duyên chia sẻ: Dù những ngày đó rất mệt, quay cuồng với bốc xếp, tính toán, kiểm kê, sắp xếp, bảo quản vắc xin, nhưng tinh thần anh em trong Trung tâm rất hào hứng. Tôi nghĩ chắc hẳn nhiều người dân cũng phấn khởi, vui mừng như thế khi sắp có vắc xin để tiêm.

Gần 3 tháng nay, chị Duyên chưa nấu một bữa cơm tối nào cho chồng và 2 con nhỏ. Chồng chị cũng đã phải điều chỉnh lại công việc để chia sẻ, đỡ đần vợ. Gần như toàn bộ thời gian trong ngày, chị Duyên có mặt ở các kho lạnh, kiểm đếm, kiểm soát, bảo quản các loại vắc xin được tiếp nhận. Hiện, tại CDC Quảng Ninh đang có 2 phòng lạnh và 1 container lạnh để bảo quản các loại vắc xin với số lượng lên đến hàng triệu liều. Để đảm bảo chất lượng của vắc xin, nhiệt độ tại các kho lạnh này luôn được thiết lập ở trạng thái từ 4-5 độ C.

“Tôi được trang bị áo ấm để làm việc trong kho lạnh nhưng gần như không dùng đến..." - Chị Duyên chia sẻ.

“Tôi được trang bị áo ấm để làm việc trong kho lạnh nhưng gần như không dùng đến. Ngồi yên thì mới thấy lạnh, chứ cứ quay đi quay lại như con thoi, chẳng còn thấy lạnh nữa. Hoặc có khi cơ thể tôi đã quen với môi trường ấy rồi cũng nên… Bây giờ, tôi mong nhất là vắc xin phòng Covid-19 về nhiều, người dân trong tỉnh sớm được tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, chúng ta sẽ an toàn hơn trước đại dịch. Tôi cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm lo cho gia đình. Các con tôi nhớ bữa cơm chiều của mẹ lâu rồi!” – Chị Duyên tâm sự.

Giọng khản đặc sau 3 ngày tham gia chiến dịch tiêm chủng mở rộng tại điểm tiêm chủng Covid-19 xã Vạn Yên, bác sĩ Vũ Đình Tuyến, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, vẫn không ngừng lặp lại những câu hỏi mỗi khi người dân đến bàn khám sàng lọc: “Bác/anh/chị có tiền sử bệnh nền không? Có đang điều trị dị ứng hay uống thuốc gì không? Có cao huyết áp không?... Nhiều lúc, có lẽ vì quá rát họng, người bác sĩ tuổi ngoài 50 ấy lại cất tiếng “xin lỗi” đến người đối diện và uống vội ngụm nước để lấy lại giọng và tiếp tục công việc hỏi, tư vấn, hướng dẫn người dân về tiền sử bệnh tật, quy trình tiêm vắc xin, những phản ứng gặp phải sau tiêm và cách xử lý…

Mỗi ca làm việc của bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến kéo dài 8-10 tiếng liên tục, tư vấn cho 400-500 người.

“Từ ngày 14/4/2021 tôi bắt đầu tham gia vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho các đối tượng ưu tiên của huyện Vân Đồn. Mới đây nhất là tăng cường nhân lực cho các điểm tiêm của TP Hạ Long và TX Quảng Yên. Đây có lẽ là đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất, khẩn trương nhất mà tôi được tham gia trong suốt 21 năm làm công tác kiểm soát dịch bệnh của mình. Công việc chính của tôi ở các điểm tiêm chủng là tư vấn, giải đáp và hướng dẫn người dân trước khi tiêm. Mỗi ngày, chúng tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng và kết thúc sau 8-10 tiếng đồng hồ làm việc liên tục. Với tôi, từng ấy thời gian là hỏi, trao đổi, hướng dẫn và cả động viên, khích lệ tinh thần người dân đến tiêm chủng. Trung bình mỗi ngày, tôi tư vấn cho từ 400-500 người, như hôm nay là khoảng 800 người…” – Bác sĩ Vũ Đình Tuyến chia sẻ.

Có trường hợp vì tâm lý lo sợ những phản ứng phụ sau tiêm bác sĩ Tuyến phải mất đến cả giờ đồng hồ để trấn an, động viên. Rồi có cả những ca đã được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn kỹ càng nhưng vẫn băn khoăn ra về, sau đó lại quay trở lại tiếp tục trao đổi kỹ càng, chi tiết hơn, đến khi thực sự thấy yên tâm mới bước sang bàn tiêm chủng… Đó hầu hết là những người già, có bệnh lý nền và một số người dân chưa nhận thức đầy đủ giá trị của vắc xin phòng Covid-19. “Như điểm tiêm hôm nay, có một số bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tư vấn trước, trong và sau tiêm tôi phải nhờ cán bộ phiên dịch để bà con nắm rõ, hiểu hết được quy trình, cách xử lý khi gặp phản ứng…” – Bác sĩ Tuyến kể.

Bác sĩ Khổng Thế Lực (Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả) tư vấn cho người dân đến tiêm chủng.

Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi kế hoạch sau khi kết thúc đợt tiêm chủng diện rộng mũi 1 cho toàn dân này, bác sĩ Tuyến khẳng định chắc nịch: Chúng tôi lại chuẩn bị tinh thần tốt nhất để quay vòng tiêm mũi nhắc lại lần 2. Tinh thần là “hỏa tốc”, do vậy, bất cứ khi nào tỉnh có vắc xin, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhân dân, nhanh chóng nhất để giúp bà con có miễn dịch cộng đồng.

Giống như bác sĩ Tuyến, tại điểm tiêm vắc xin Nhà thi đấu Công ty Than Đèo Nai (TP Cẩm Phả), bác sĩ Khổng Thế Lực (Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả) cũng mải miết tư vấn, ghi chép, hướng dẫn cho người dân đến tiêm chủng. Hơn chục chiếc quạt trong hội trường không xua bớt cái nóng đầu giờ chiều và sức nóng của người dân đến tiêm chủng.

“Lúc nào tôi cũng thấy khô cổ, khát nước! Dù mỗi bàn đều để sữa, bánh ngọt và nước lọc cho đội ngũ phục vụ nhưng chúng tôi không có thời gian để uống nước nữa. Điểm tiêm này chủ yếu là người dân các phường trung tâm của TP Cẩm Phả nên rất đông. Do vậy, anh em phải làm việc hết công suất, nhanh chóng nhất có thể để hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch. Trung bình mỗi ngày, tại điểm tiêm này có trên 3.000 người dân các phường Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Thành (TP Cẩm Phả) đến tiêm chủng - một lượng người khá lớn so với 70 cán bộ, nhân viên, lực lượng y tế, phục vụ tiêm chủng” – bác sĩ Khổng Thế Lực cho biết.

Tham gia tăng cường cho chiến dịch tiêm chủng tại phường Hùng Thắng (TP Hạ Long) cách đây 2 tuần, anh Nguyễn Đức Tuyến, 43 tuổi, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, vẫn nhớ như in cường độ làm việc như thoi đưa của đội ngũ nhân viên y tế lúc ấy. Anh nói: Chưa từng có đợt tiêm chủng nào có quy mô lớn, tốc độ khẩn trương, cấp bách như chiến dịch tiêm chủng vắc xin diện rộng lần này. Gần 800 mũi tiêm trong một ngày khiến tay tôi mỏi nhừ, rã rời. Miệng nói không ngừng nghỉ…

Những y, bác sĩ trên toàn tỉnh đã có những ngày làm việc cật lực, khẩn trương, trách nhiệm và sát sao đến từng mũi tiêm để mỗi một liều vắc xin được tiêm cho người dân đều an toàn, phát huy tối đa hiệu quả phòng, ngừa dịch bệnh Covid-19. Tất cả đều đang nỗ lực, tranh thủ từng giây, từng phút quý giá để nhanh chóng thiết lập được miễn dịch cộng đồng.

Tại mỗi điểm tiêm chủng luôn có một đội cấp cứu ứng trực đề phòng bất kì trường hợp bất ngờ nào có thể xảy ra.

“Chúng tôi được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị như một phòng cấp cứu lưu động ở các điểm tiêm chủng. Bất kỳ trường hợp phản ứng sau tiêm nào cũng sẽ được đội ngũ nhân viên phản ứng nhanh xử lý ngay lập tức. Tất cả vì mục tiêu an toàn cho mỗi người dân” - Bác sĩ Hoàng Anh, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng Anh ứng trực tại điểm tiêm chủng xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, suốt 3 ngày qua. Tất cả các dụng cụ y tế cần có cho một phòng cấp cứu như: Bình ô xy, máy thở, bóng ambu, máy truyền dịch, sốc điện, nhịp tim… đều được bố trí sẵn sàng ngay tại điểm tiêm, phòng khi có trường hợp cấp bách có thể xử lý tại chỗ. Trang thiết bị cho đội của bác sĩ Hoàng Anh còn có một chiếc xe cứu thương đỗ trước điểm tiêm chủng để ngay lập tức vận chuyển nạn nhân lên tuyến trên (nếu có).

Chị nói: Về cơ bản các loại vắc xin đều sẽ có những phản ứng nhất định và tùy vào thể trạng, tiền sử bệnh tật của mỗi người mà có người phản ứng nhẹ, có người phản ứng nặng hơn. Nhưng qua đợt tiêm chủng lần này, rất ít người dân xuất hiện phản ứng nặng ngay sau khi tiêm, nguyên nhân là do vắc xin Verocell là vắc xin bất hoạt nên chỉ khi nào gặp virut mới kích hoạt cơ chế phòng vệ. Dù vậy, chúng tôi cũng không chủ quan, lơ là. Tại mỗi điểm tiêm chủng, tôi phải luôn luôn quan sát, bao quát toàn bộ quy trình, từ khám sàng lọc đến tiêm chủng, nắm thông tin chi tiết từng người dân và giám sát sát sao mỗi người trong quá trình tiêm chủng, theo dõi sau tiêm, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày sau tiêm và 7 ngày sau tiêm.

Điểm tiêm vắc xin tại Nhà thi đấu Công ty Than Đèo Nai (TP Cẩm Phả).

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân bắt đầu cũng là lúc bác sĩ Hoàng Anh tham gia đội cấp cứu lưu động tại các địa phương trong tỉnh với tâm thế sẵn sàng ứng cứu, bảo đảm an toàn cho người dân. “Nhanh, bình tĩnh, đưa ra phán quyết sớm nhất chính là yêu cầu của mỗi nhân viên y tế cấp cứu. Tôi cũng vậy, phải luôn đặt mình ở trạng thái sẵn sàng, nhanh chóng, tỉnh táo nhất có thể. Đó là bản lĩnh đã được tôi rèn luyện trong gần 10 năm làm nghề” – bác sĩ Hoàng Anh tâm sự.

Hôm nay, bác sĩ Hoàng Anh và đồng đội của mình rời điểm tiêm chủng ở xã Đài Xuyên sớm hơn thường lệ bởi điểm tiêm này ít dân nên hoàn thành tiêm chủng sớm hơn. Nhưng mọi người cũng chỉ có một buổi tối để nghỉ ngơi và làm công tác chuẩn bị bởi sáng sớm hôm sau, tất cả lại lên đường ra xã đảo Quan Lạn, tiếp tục chiến dịch tiêm phòng.

Ngành Y tế Quảng Ninh đang dồn lực, dốc sức, tập trung cao độ để hoàn thành chiến dịch tiêm phòng lớn nhất từ trước tới nay. Ngày làm việc 10-12 tiếng và những chuyến công tác liên tiếp nhau từ điểm tiêm chủng này sang điểm tiêm chủng khác, những nhân viên y tế như bác sĩ Hoàng Anh gác lại công việc gia đình, giấu thật sâu nỗi nhớ chồng con, tất cả tập trung cho công việc. Với họ, mỗi người dân được tiêm chủng an toàn, trở về cộng đồng với “lá chắn” phòng dịch vững chắc chính là niềm vui, là động lực để mỗi ngày cố gắng nhiều hơn…

Thực hiện: Hoàng Quý - Nguyên Ngọc

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh


“Nghị quyết vắc xin” - Quyết sách chống dịch riêng có Quảng Ninh

Chiến lược “phủ sóng” vắc xin toàn dân đã được triển khai bằng các quyết sách hành động mang thương hiệu riêng có Quảng Ninh.   

   
Hoàn thành tiêm diện rộng an toàn, tiến độ - khẳng định năng lực của y tế Quảng Ninh
Là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất trong cả nước về tiêm mũi 1 cho toàn dân.   
   
"Hậu phương" vững chắc của chiến dịch

Họ có mặt đầu tiên và ra về cuối cùng, góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.   

   
Trọn nghĩa, vẹn tình đất Mỏ
Không để ai bị bỏ lại phía sau, toàn bộ người dân tỉnh ngoài, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Quảng Ninh đều đã và đang được tiêm chủng đầy đủ.   
   
Để có được những niềm tin trọn vẹn
Đến ngày 20/9, Quảng Ninh đã hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định tiêm. Nhân lên niềm tin, tinh thần đoàn kết, truyền thống “kỷ luật - đồng tâm” của người dân vùng mỏ Anh hùng.    
   

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu