4
18
/
1100219
Hoàn thành tiêm diện rộng an toàn, tiến độ - khẳng định năng lực của y tế Quảng Ninh
longform
Hoàn thành tiêm diện rộng an toàn, tiến độ - khẳng định năng lực của y tế Quảng Ninh

“Chiến lược vắc-xin” đã được Quảng Ninh triển khai sớm, đồng bộ, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Dự kiến đến hết ngày 20/9, tỉnh sẽ hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định tiêm, là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất trong cả nước về tiêm mũi 1 cho toàn dân. Ngay sau thời gian này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai tiêm mũi 2, hướng tới mục tiêu sớm miễn dịch cộng đồng.

Liên quan đến việc triển khai công tác tiêm chủng diện rộng trên địa bàn tỉnh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh.

- Ngành Y tế Quảng Ninh đã chuẩn bị như thế nào để triển khai việc tiêm chủng cho trên 1,1 triệu dân trong tỉnh, đảm bảo nhanh chóng, an toàn, thưa ông?

+ Quảng Ninh là một trong 12 địa phương trong cả nước đã được lựa chọn thí điểm triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, từ tháng 3/2021. Người được tiêm thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch; quân đội; công an; giáo viên; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội…

Bắt đầu từ tháng 8/2021, tỉnh đã thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Trên cơ sở tham mưu của ngành Y tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 4/8/2021 kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2021 hoặc chậm nhất quý I năm 2022 có trên 80% người dân Quảng Ninh đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Địa bàn tiêm chủng của Quảng Ninh khá rộng, nhiều đặc thù, trải dài từ vùng đô thị đến vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… Do đó, để tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 1,1 triệu dân trong tỉnh ở độ tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19, với thời gian càng nhanh càng tốt và phải đảm bảo an toàn tối đa sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế rà soát nhân lực, chuẩn bị trang thiết bị y tế, cũng như các kịch bản cụ thể để triển khai việc tiêm vắc-xin diện rộng. 

Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin toàn dân, toàn tỉnh đã thành lập 520 đội tiêm chủng (tương đương với 520 bàn tiêm); 195 điểm tiêm chủng ở 13 huyện, thị xã, thành phố; công tác chuẩn bị, triển khai tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngành Y tế cũng nhanh chóng tổ chức các lớp tập huấn, tập huấn lại về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 3.000 cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng. Với nguồn nhân lực này, năng lực tiêm chủng có thể đạt trung bình được 50.000 mũi/ngày và khi đủ nguồn vắc-xin có thể tổng huy động lực lượng để nâng công suất tiêm lên 80.000 – 100.000 mũi tiêm/ngày. Để đảm bảo công tác tiêm chủng nhanh chóng, thuận lợi hơn, ngành Y tế tăng cường mỗi bàn tiêm 2 bác sĩ khám sàng lọc (thay vì 1 người theo quy định của Bộ Y tế).

Tại mỗi điểm tiêm chủng đều được bố trí 1 đội cấp cứu lưu động thường trực 24/24 giờ, 1 ô tô vận chuyển cấp cứu các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm đến cơ sở điều trị. Đối với các trường hợp có bệnh lý nền nặng, người cao tuổi có sức khỏe yếu, đối tượng phải giãn, hoãn tiêm chủng, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị y tế địa phương tổng hợp danh sách chuyển đến tiêm tại cơ sở y tế có giường bệnh để đảm bảo an toàn cho người dân.

- Với sự chuẩn bị như vậy, kết quả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?

+ Đến nay tiến độ tiêm chủng tại Quảng Ninh cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình thực hiện tiêm chủng, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện tiêm chủng diện rộng. Tính đến ngày 20/9, qua 13 đợt tiêm, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm được trên 1.066.000 liều vắc-xin; đã tiêm được cho trên 895.000 người (trong đó trên 725.000 người được tiêm 1 mũi và trên 170.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi). Các đối tượng còn lại đang tiến hành tiêm vét, và thuộc đối tượng hoãn tiêm, thận trọng tiêm chủng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, bệnh nền... sẽ được tổ chức tiêm chủng khi có vắc-xin phù hợp.

Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và đánh giá rất cao của nhân dân. Quảng Ninh đang là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước hiện nay.

- Đương đầu với đại dịch chưa từng có, với những áp lực cũng chưa từng có, ngành Y tế Quảng Ninh đã ứng phó như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, thưa ông?

+ Diễn biến của dịch bệnh rất khó lường, tốc độ xuất hiện, lây lan của các biến thể virus phải nói là rất nhanh và nguy hiểm; Quảng Ninh lại là địa bàn từ sớm có nhiều nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Điều này luôn đặt ngành Y tế trong tâm thế chủ động ứng phó, không lúc nào được lơ là, mất cảnh giác.

Ngành Y tế đã xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm: Một là tham gia công tác phòng, chống dịch toàn diện; hai là tiếp tục duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; ba là chi viện hỗ trợ các địa phương trong cả nước chống dịch; bốn là thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân; năm là đào tạo cho người làm công tác phòng, chống dịch và nâng cao hiểu biết của người dân về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp tỉnh và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; dự phòng, chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và chiến lược “5K + Vắc xin + Truyền thông + Công nghệ”. Cùng với đó, ngành chủ động nắm chắc tình hình, chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thường xuyên kịch bản, phương án, quy trình, quy định, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng chống dịch; mục tiêu cao nhất là giữ được “vùng xanh” an toàn, địa bàn ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh do phải tăng cường nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất,... cho công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực duy trì và tăng cường triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt là đã thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, phân loại bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các cơ sở y tế. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, triển khai phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi xác định rõ, dù trong điều kiện, tình huống nào, ngành Y tế cũng dốc sức bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Góp sức cùng cả nước chống dịch, ngành Y tế Quảng Ninh đã 6 lần cử 535 cán bộ, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương và TP Hà Nội. Các đoàn tham gia công tác phòng chống Covid-19 ở các địa phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, được Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố ghi nhận, đánh giá cao.

- Ông có thể trao đổi thêm về năng lực y tế của Quảng Ninh, đặt trong bối cảnh thời gian đối phó với đại dịch Covid-19 qua từng giai đoạn?

+ Năng lực của ngành đã được minh chứng qua 4 làn sóng dịch. Ngay từ những ngày đầu, Quảng Ninh là địa bàn trọng điểm của cả nước thì ngành Y tế đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cho đến những đợt dịch lây lan nguy hiểm trong cộng đồng, nhưng chúng ta vẫn luôn chủ động “tự đứng trên đôi chân của mình”, kề vai sát cánh cùng đất nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Các bệnh viện thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 được thành lập; năng lực xét nghiệm cũng được quan tâm. Đến nay, ngoài 8 đơn vị y tế (7 đơn vị y tế công lập, 1 đơn vị y tế tư nhân) đã triển khai được kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR, tỉnh đã tiếp tục đầu tư và huy động các nguồn lực để thiết lập phòng xét nghiệm RT-PCR tại các địa phương trọng điểm, với mục tiêu đưa công suất xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR của tỉnh lên 10.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 50.000 mẫu gộp 5/ngày).

Công tác điều tra, truy vết những trường hợp liên quan đến các vùng dịch cũng được nhân viên y tế thực hiện nhanh gọn, khoa học. Hầu hết các ca mắc Covid-19 đều được điều trị ngay tại địa phương, chỉ có khoảng 3% có diễn biến nặng, không có trường hợp tử vong.

Năng lực của ngành Y tế đã được nhân dân thừa nhận khi cấp cứu, điều trị nhiều ca bệnh khó, giảm tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương chỉ còn 1%. Nhất là khi dịch bệnh phức tạp không thể di chuyển giữa các tỉnh, thành phố, người dân Quảng Ninh hơn lúc nào hết càng thấy yên tâm, tin tưởng khi được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, virus biến thể ngày càng nguy hiểm, mô hình bệnh tật thay đổi, đòi hỏi ngành Y tế phải liên tục đổi mới để đáp ứng được nhu cầu được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn của người dân. Do vậy ngành Y tế mong muốn được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, xây dựng để án tổ chức sắp xếp các đơn vị trong ngành phù hợp với điều kiện thực tế, vừa đảm bảo hiệu quả, vừa tiết kiệm các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Qua 13 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại tỉnh, ngành Y tế đã có những bài học kinh nghiệm nào, thưa ông?

+ Nhìn một cách tổng quát thì đến hôm nay, chiến dịch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh Quảng Ninh đang diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn.

Thành quả bước đầu trong tiêm vắc xin Covid-19 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức, trách nhiệm của các đối tượng tiêm chủng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao mọi công việc từ quá trình lên kế hoạch cho tới việc tổ chức tiêm; kiểm đếm tiến độ công việc thực hiện theo từng ngày.

Về phần mình, ngành Y tế đã thực hiện nghiêm túc các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế. Từ thực tiễn, ngành đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Trước tiên, đó là tinh thần làm việc nghiêm túc, hăng say của mỗi cán bộ y tế dù làm việc ở đơn vị y tế công lập hay tư nhân. Mỗi cán bộ y tế khi tham gia phục vụ công tác tiêm chủng đều nghiêm túc tập huấn về từng loại vắc-xin như cách thức tiêm, liều dùng, bảo quản, các phản ứng phụ sau tiêm…

Trong quy trình tiêm chủng, cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc việc rà soát, khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm cho đối tượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác hồi sức, cấp cứu phòng ngừa các phản ứng bất lợi trong và sau tiêm chủng phải luôn được sẵn sàng. Trong quá trình tiêm chủng, điều quan trọng là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép 6 loại vắc-xin phòng Covid-19. Với phương châm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất” nên khi có bất cứ loại vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ và thông qua các hoạt động ngoại giao, chúng tôi đều tiếp nhận để có đủ nguồn vắc-xin tiêm chủng diện rộng cho người dân toàn tỉnh.

Qua công tác tuyên truyền rất chủ động, kịp thời và đa dạng hình thức của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của các cơ quan truyền thông, sự tin tưởng của người dân vào hiệu quả phòng ngừa Covid-19 của vắc-xin ngày càng được nâng cao. Sự hợp tác của người dân Quảng Ninh trong việc tiêm vắc-xin được thể hiện rất rõ nét và hầu hết mọi người đều trông đợi được tiêm.

- Được biết, ngay sau khi hoàn tất tiêm vắc-xin mũi 1, Quảng Ninh sẽ nhanh chóng triển khai kế hoạch tiêm mũi 2 toàn dân, để sớm đạt đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Ông cho biết ngành Y tế đã xây dựng những phương án nào để thực hiện nhiệm vụ này?

+ Dự kiến, đầu tháng 10/2021, tỉnh sẽ triển khai tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Theo đó, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, khoa học để rút ngắn thời gian tiêm chủng; đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Với mục tiêu hoàn thành tiêm chủng toàn dân an toàn nhất, sớm nhất có thể, ngành Y tế cũng đã xây dựng cụ thể các phương án, các tình huống có thể xảy ra, để có phương án xử lý kịp thời, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, cũng như thực tiễn tại địa phương. Với trường hợp tỉnh Quảng Ninh không có địa phương nào phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ thì phương án triển khai tiêm mũi 2 về địa điểm ở các điểm đã triển khai mũi 1, thời gian sẽ được thông báo cụ thể.

Trường hợp khi có địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, ngành phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng phương án chi tiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế và an toàn tiêm chủng cho người dân tham gia.

  • Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Hồng Nhung - Nguyễn Hoa - Hùng Sơn

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn


“Nghị quyết vắc xin” - Quyết sách chống dịch riêng có Quảng Ninh

Chiến lược “phủ sóng” vắc xin toàn dân đã được triển khai bằng các quyết sách hành động mang thương hiệu riêng có Quảng Ninh.   

   
Vượt nắng, thắng mưa tạo “lá chắn” an toàn cho cộng đồng
Làm việc quên thời gian, bất chấp thời tiết mưa nắng, chạy đua từng ngày, từng giờ để mang đến những mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn.    
   
"Hậu phương" vững chắc của chiến dịch

Họ có mặt đầu tiên và ra về cuối cùng, góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.   

   
Trọn nghĩa, vẹn tình đất Mỏ
Không để ai bị bỏ lại phía sau, toàn bộ người dân tỉnh ngoài, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Quảng Ninh đều đã và đang được tiêm chủng đầy đủ.   
   
Để có được những niềm tin trọn vẹn
Đến ngày 20/9, Quảng Ninh đã hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định tiêm. Nhân lên niềm tin, tinh thần đoàn kết, truyền thống “kỷ luật - đồng tâm” của người dân vùng mỏ Anh hùng.    
   

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu