Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:14 (GMT +7)
Vượt qua chính mình - Cách của Ba Chẽ
Thứ 4, 12/06/2013 | 05:16:46 [GMT +7] A A
Nhắc đến mảnh đất căn cứ địa Hải Chi anh hùng (Ba Chẽ ngày nay), nhiều người nghĩ ngay đến đây là “huyện nghèo nhất tỉnh”, bởi lẽ đây là huyện miền núi với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội có xuất phát điểm rất thấp và còn rất nhiều khó khăn. Thế nhưng với quyết tâm phấn đấu thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh vào năm 2015, Ba Chẽ đang từng bước tập trung đột phá bằng chính thế mạnh của địa phương mình với những ý tưởng hay cách làm mới.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mô hình “trang trại khép kín” mà huyện Ba Chẽ đang triển khai, ông Nguyễn Hữu Giang, Bí thư Huyện uỷ mời tham gia đoàn công tác của Huyện uỷ đi thăm mô hình trồng cây ba kích tím của HTX Toàn Dân đang triển khai ở xã Thanh Lâm. Trên đường đi ông Giang cho biết: “Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, huyện đã có định hướng phát triển nhanh mạnh và xã hội hoá trong sản xuất kinh doanh nghề rừng, từng bước đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo. Huyện đã tập trung chuyển đổi đa dạng hoá giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đưa một số giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phù hợp với điều kiện lập địa và thổ nhưỡng của từng vùng”.
Qua đó Ba Chẽ, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng “trang trại khép kín” trồng rừng, trồng cây đặc sản ba kích tím của địa phương và chăn nuôi. Một trong những chính sách ưu tiên dành cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư là tại mỗi xã, huyện quy hoạch quỹ đất sạch từ 100-200 ha, cùng với đó ra Nghị quyết thưởng 100 triệu đồng cho doanh nghiệp, hộ gia đình trồng trên 10ha ba kích tím. Đến nay đã có 3 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư mô hình tại 3 xã Thanh Lâm, Thanh Sơn và Nam Sơn. Từ hiệu quả mô hình “trang trại khép kín” này sẽ được huyện nhân rộng ra.
Ba kích tím - cây xoá nghèo ở Ba Chẽ. (Ảnh minh họa) |
Ông Lê Công Tiềm, Chủ nhiệm HTX Toàn Dân, cho biết: “Tham gia đầu tư xây dựng mô hình “trang trại khép kín” của huyện, tôi đang trồng hơn 7ha ba kích tím cũng như nuôi được hơn 1 vạn con gà Hồ với số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng và trong năm nay sẽ dành 100 triệu đồng tiền thưởng của huyện về trồng cây ba kích. Theo tính toán, 1ha rừng có thể trồng xen được 700 khóm ba kích tím, sau 2 đến 3 năm phát triển, mỗi khóm cho thu khoảng trên dưới 2kg củ. Tính theo giá thị trường hiện nay mỗi ha đạt giá trị khoảng 3 tỷ đồng, cao gấp 7 đến 10 lần tổng chi phí đầu tư. Sau quá trình triển khai trồng hiệu quả cây ba kích tím bằng phương pháp cấy mô, tôi sẵn sàng ứng trước các ca máy móc làm đất và cây giống cho bà con có nhu cầu, sau khi có thu hoạch sẽ đứng ra thu mua và trừ phần tiền ứng công làm đất và cây giống”.
Cùng với việc xây dựng mô hình “trang trại khép kín”, huyện Ba Chẽ còn tập trung vào hoàn thành quy hoạch Cụm Công nghiệp chế biến lâm sản và cảng Nam Sơn, hiện nay Cụm công nghiệp cũng có doanh nghiệp tham ra đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ là Công ty CP Gỗ Thanh Lâm đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự kiến đầu tư nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Song song với việc “trải thảm đỏ” mời gọi doanh nghiệp vào làm “trang trại khép kín” hay chế biến lâm sản, thì việc chuyển đổi nhận thức, xoá bỏ tính trông chờ ỷ lại, quen với sự bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, ngại khó, ngại khổ; ý thức chưa đầy đủ về việc phải tự giải thoát mình khỏi cảnh nghèo khó, chưa lo tích góp vốn để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh luôn được lãnh đạo huyện quan tâm. Cụ thể đã tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Dao” nhằm đưa ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Dao để đáp ứng và phát huy vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng chương trình nông thôn mới, chương trình giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc Dao. Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm xoá đói, giảm nghèo cho hộ nghèo; quan tâm đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế cận; chủ động tiếp cận với các cách làm mới để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ra nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo bền vững trong đoàn viên thanh niên giai đoạn 2013-2015, với mục tiêu tận dụng tối đa các nguồn lực, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, giảm nhanh, bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong độ tuổi thanh niên; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho thanh niên…
Có thể thấy rằng, với những ý tưởng hay cách làm mới là một trong những bước đột phá mới tạo hăng say lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương cách mạng Ba Chẽ. Đồng thời góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công xây dựng huyện thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh vào năm 2015.
Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()