Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 19:13 (GMT +7)
Xây dựng công nghiệp văn hoá tại Quảng Ninh: Góc nhìn của các chuyên gia
Chủ nhật, 12/05/2024 | 08:10:14 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá, nhận diện rõ tiềm năng thế mạnh và xây dựng được những giải pháp căn cơ sẽ giúp Quảng Ninh khai thác và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá để gặt hái cho mình những thành tựu tương xứng.
Là một vùng đất giàu bản sắc văn hoá có đủ không gian văn hoá gồm núi đồi, đồng bằng và biển đảo, Quảng Ninh hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu riêng của mình. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững đóng góp vào sự tăng trưởng. Đối với những địa phương có mật độ đô thị nhiều như Quảng Ninh lại có những thành phố du lịch thì tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá là rất lớn.
Theo "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 thì công nghiệp văn hóa của Việt Nam được xác định gồm 12 lĩnh vực. Trong 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá, hiện nay Quảng Ninh đã hình thành, phát triển và thu được kết quả nhất định tập trung ở các lĩnh vực: Mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm; quảng cáo và thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn và đặc biệt là văn hóa du lịch.
Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Phát biểu tại lớp bồi dưỡng "Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo lý luận phê bình và quảng bá" tổ chức tại TP Hạ Long từ ngày 14/4-18/4/2024, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, cho biết: Theo đánh giá của chúng tôi, những người nghiên cứu về văn hoá, văn nghệ thì Quảng Ninh là một trong những trung tâm lớn, kể cả tiềm năng và những cơ hội, đương nhiên có cả những thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Những cơ hội rõ ràng là ít nơi đâu có danh lam thắng cảnh như Quảng Ninh, có văn hoá truyền thống, văn hoá các dân tộc, lại có được sự mở cửa đổi mới bứt phá trong tư duy và hành động. Đó là những tiền đề quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Quảng Ninh.
Hằng năm, Quảng Ninh có lễ hội Carnaval Hạ Long đặc sắc thu hút các đoàn nghệ thuật trên thế giới về, nơi quảng bá cho hình ảnh đất và người Quảng Ninh. "Quảng Ninh cũng có thể tổ chức nhiều hơn các liên hoan ca nhạc, gặp gỡ điện ảnh, làm sao tạo ra các sự kiện mang tính quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế sẽ thu hút khách du lịch, thu hút giới tinh hoa trong nước và thế giới về đây. Và đương nhiên phục vụ cho cả đại chúng, các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi nghĩ, nếu như có một chiến lược phát triển tốt, có những giải pháp cơ chế chính sách tạo được nguồn nhân lực thì những ngành công nghiệp văn hoá ở Quảng Ninh sẽ có nhiều sự phát triển hứa hẹn và đạt được những thành tựu rực rỡ hơn" - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đề xuất.
Năm 2024, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm là "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh" được cụ thể hoá từ Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, một trong ba khâu đột phá được xác định là "Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao".
Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, xuất phát từ thực tế về phát triển công nghiệp văn hoá của tỉnh, đồng thời theo sát Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Hạ Long đã xây dựng chiến lược thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long đang đào tạo, cung cấp lực lượng lao động tham gia vào ít nhất 1/3 số lĩnh vực của công nghiệp văn hoá. Đó là các ngành thiết kế đồ họa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, truyền thông, và đặc biệt là du lịch văn hóa. Để góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hoá của tỉnh và khu vực, Trường Đại học Hạ Long xác định sẽ tiếp tục tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực công nghiệp văn hoá như: Du lịch văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh - triển lãm, ẩm thực và truyền thông.
"Bên cạnh đó, chúng tôi tích cực nghiên cứu xây dựng giáo trình, tài liệu đào tạo; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp để tìm hiểu, đánh giá về thực trạng và đề xuất tham mưu các mô hình, giải pháp và sản phẩm cụ thể phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá của tỉnh và khu vực, nghiên cứu, khai thác giá trị văn hoá dân gian vào chương trình giáo dục địa phương và sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu tạo ra sản phẩm âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh... Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hướng đến mở rộng các ngành đào tạo khác gắn với công nghiệp văn hoá cho tỉnh Quảng Ninh và khu vực" - PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang chia sẻ.
Huỳnh Đăng
- Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
- Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hoá, thành phố học tập toàn cầu
- Bế mạc lớp bồi dưỡng "Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam"
- Khai mạc lớp bồi dưỡng "Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam"
- Xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hoá tại tỉnh Quảng Ninh
- Tương lai sáng cho ngành công nghiệp văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()