Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:34 (GMT +7)
Xây dựng Luật Đặc khu
Thứ 4, 16/05/2018 | 07:49:03 [GMT +7] A A
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tới đây dự kiến sẽ xem xét, thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu). Như vậy, mong ước không chỉ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 3 địa phương là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) được thỏa nguyện mà động lực phát triển mới của đất nước sẽ được bắt đầu.
Thực hiện trách nhiệm của mình đối với mô hình phát triển mới của đất nước, mỗi người dân trên các địa bàn được dự kiến xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều đã rất tích cực tham gia ý kiến, đóng góp vào việc xây dựng Đề án, Luật, các cơ chế chính sách phát triển của Đặc khu. Trong phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật và các nhiệm vụ triển khai thi hành Luật, chuẩn bị báo cáo giải trình thêm với Quốc hội.
Được nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2014, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được kỳ vọng sẽ xây dựng nên những đặc khu kinh tế của Việt Nam, làm động lực cho nhiều nơi cùng cất cánh, với đóng góp tăng GRDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 - 13.000 USD/người/năm (vào năm 2030). Vì vậy, ngoài thể chế hóa đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ có những thể chế đột phá, vượt trội. Trong đó, tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cơ chế chính sách về đầu tư kinh doanh đảm bảo ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, nhất là các ưu đãi về thuế, đất đai; điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ có những quy định “mở”…
Sẵn sàng là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để thu hút đầu tư phát triển, từ năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn, sau là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Đến cuối năm 2017 đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập Đặc khu Vân Đồn, cử tri trên địa bàn huyện đều được phát phiếu lấy ý kiến, HĐND từ cấp xã đến cấp tỉnh đều đã thảo luận, biểu quyết về chủ trương thông qua Đề án thành lập Đặc khu Vân Đồn. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tiến hành lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về Đề án thành lập Đặc khu Vân Đồn và đa số các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao.
Khi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh được tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế tại Vân Đồn. Đặc khu sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý. Đồng thời sẽ thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới.
Trong việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để vận hành được đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn nhiều việc phải bàn, trong kỳ họp tới Quốc hội sẽ thảo luận, phân tích để đưa ra quyết định thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Với tinh thần thống nhất cao, bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị, các ý kiến tham gia xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều mong muốn tạo đột phá phát triển mới cho đất nước từ 3 đặc khu này.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()