Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:48 (GMT +7)
Xây dựng mô hình xã, thôn thông minh
Thứ 4, 02/11/2022 | 09:51:17 [GMT +7] A A
Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hướng mạnh công tác này lan toả trong nhân dân. Nhiệm vụ này càng quan trọng hơn khi theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”, mỗi xã NTM kiểu mẫu phải có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.
Được công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2017, đạt xã NTM nâng cao năm 2020 và hiện đang được tỉnh xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Quảng Tân luôn được xem là “lá cờ đầu” trong phong trào thi đua xây dựng NTM tại huyện Đầm Hà. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, của huyện về chuyển đổi số toàn diện và quy định mới về xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, Quảng Tân đang tập trung triển khai những giải pháp rất cụ thể để hướng tới xây dựng mô hình xã, thôn thông minh. Ở đó, các thành tựu công nghệ số được ứng dụng ngày càng nhiều, hiệu quả hơn vào mọi lĩnh vực đời sống, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân.
Để đưa công nghệ thông tin vào cuộc sống, toàn bộ 10 thôn của xã Quảng Tân đều đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, do các bí thư chi bộ là tổ trưởng và tổ viên là bí thư chi đoàn, trưởng ban công tác mặt trận và chi hội trưởng các chi hội đoàn thể. Đây là đội ngũ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội trên nền tảng số, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tương tác với chính quyền qua các kênh trực tuyến, mở tài khoản thanh toán điện tử...
Trong tháng 10 vừa qua, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phối hợp với lực lượng Công an xã tiến hành đồng loạt việc thu thập thông tin phục vụ cho công tác gắn địa chỉ số; hướng dẫn người dân thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNEID; tích hợp các giấy tờ cá nhân như BHYT, giấy đăng ký và bằng điều khiển phương tiện giao thông... vào thẻ CCCD gắn chíp điện tử.
Chị Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thanh, xã Quảng Tân, cho biết: Thôn thông minh là khi mỗi công dân trên địa bàn đều phải trở thành một công dân số. Mục tiêu này đã được chi bộ đưa vào nghị quyết, cụ thể hóa vào công tác tuyên truyền, vận động trọng tâm của các tháng cuối năm 2022. Với sự vào cuộc của Tổ công nghệ số cộng đồng, nhận thức của người dân trong thôn đã chuyển biến đáng kể, việc sử dụng thanh toán điện tử khi mua sắm, trả phí y tế, giáo dục... đều quen thuộc hơn trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, trên địa bàn thôn đã bước đầu đưa vào khai thác nhiều hơn các thiết bị công nghệ mới, như hệ thống wifi miễn phí tại nhà văn hóa cộng đồng, mạng lưới camera giám sát ATGT dọc tuyến đường trục chính với 3 mắt camera của xã đầu tư và huy động tất cả các hộ bám mặt đường có sẵn camera gia đình...
Cũng như cách làm của xã Quảng Tân, các địa phương trong toàn tỉnh khi triển khai nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng NTM trong giai đoạn mới đều gắn liền với triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện. Trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số ngay từ giai đoạn đầu tiên. Để từ đó thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Ngày 6/10/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến hết giai đoạn sẽ có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 32 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã vạch truy xuất nguồn gốc... Những mục tiêu đều cần tới kết quả quan trọng của chuyển đổi số toàn diện. Trong đó có việc xây dựng thôn thông minh theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thương mại hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, mở rộng thị trường qua các trang thương mại điện tử...
Thanh toán không dùng tiền mặt được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên hành trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,89% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện thanh toán không dùng tiền mặt; 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 97,2%; 77,7% số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 87,44%; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt …
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()