Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:23 (GMT +7)
HĐND tỉnh đổi mới hoạt động, đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp Bài 3: Công nhân an cư - Doanh nghiệp phát triển
Thứ 7, 05/08/2023 | 23:01:48 [GMT +7] A A
Từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động. Để sớm hiện thực hóa giấc mơ "an cư, lạc nghiệp", tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, lao động (CNLĐ) trên địa bàn...
Từ nhu cầu thực tế
Quảng Ninh là địa bàn kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước; có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất, đặc biệt là ngành khai khoáng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 KCN và 19 CCN. Nhiều KCN được quy hoạch, hiện có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 43%. Các KCN, CCN thu hút hàng trăm dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, hàng nghìn lao động đến làm việc. Hiện Quảng Ninh có hơn 430.000 CNLĐ. Với lực lượng lao động lớn như vậy, nhu cầu về nhà ở cho người lao động của tỉnh là rất cao.
Thực tế hiện nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có khá nhiều CNLĐ đến từ tỉnh ngoài, chủ yếu là lực lượng trẻ, ở tuổi lập gia đình riêng, nhưng vì nơi ăn, chốn ở chưa đảm bảo, nên tâm lý của nhiều lao động chưa được ổn định, chưa xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Không chỉ người ngoài tỉnh có nhu cầu nhà ở, mà CNLĐ có hộ khẩu ở Quảng Ninh (nhà cách xa các KCN) cũng có nhu cầu thuê, hoặc mua nhà giá rẻ, phù hợp với thu nhập, gần KCN để thuận tiện cho công việc, cũng như gửi con cái học tập.
Anh Nguyễn Văn Chiến (người tỉnh Bắc Giang đang làm việc tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) chia sẻ: Do điều kiện làm việc xa nhà nên tôi phải thuê nhà trọ rộng gần 20m² để ở với chi phí hơn 2 triệu đồng/tháng. Phòng trọ nhỏ, nên sinh hoạt hằng ngày khá bất tiện. Tôi mong muốn KCN sớm có khu nhà ở tập thể để CNLĐ có điều kiện sinh hoạt và đảm bảo an ninh tốt hơn. Với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, tôi cũng như nhiều công nhân khác rất khó tiếp cận để mua được nhà ở. Vì vậy, chúng tôi có nguyện vọng được hỗ trợ vay vốn, trả góp mới có thể tiếp cận mua cho mình được một căn nhà ở xã hội, hoặc thuê với giá ưu đãi, tiết kiệm chi phí. Điều này, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, yên tâm gắn bó làm việc lâu dài với doanh nghiệp.
Câu chuyện ổn định chỗ ở không chỉ là nguyện vọng chính đáng của công nhân Nguyễn Văn Chiến, mà còn là mong muốn của hàng nghìn CNLĐ làm việc tại các KCN trên địa bàn Quảng Ninh. Theo khảo sát tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, mới có khoảng 18.200/33.600 người lao động có chỗ ở, đáp ứng được 54% so với nhu cầu thực tế về nhà ở, vẫn còn trên 15.400 CNLĐ chưa có chỗ ở ổn định.
Ngoài các KCN, nhiều công nhân ngành than cũng đang có nhu cầu về nhà ở xã hội. Hiện nay, số công nhân mỏ làm việc ở các doanh nghiệp đứng chân tại Quảng Ninh có trên 70.000 người. Đây cũng là đơn vị có số lượng công nhân xa nhà có nhu cầu nhà ở cao nhất. Nhằm giúp công nhân an cư, lạc nghiệp, thời gian gần đây, nhiều đơn vị trong ngành than đã đầu tư, nâng cấp nhà ở tập thể cho thợ mỏ. Trong 10 năm qua, riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên đã đầu tư 30 dự án nhà ở tập thể với hơn 2.700 căn hộ dành cho CNLĐ.
Tuy nhiên, đa số vẫn là căn hộ cho thợ mỏ độc thân, chưa có các khu nhà chung cư cho hộ gia đình. Để thu hút người lao động cống hiến, gắn bó với doanh nghiệp trên địa bàn, giải pháp đầu tư nhà ở cho các hộ gia đình là phương án tốt nhất mà ngành than đang nỗ lực thực hiện. Với nhu cầu nhà ở cho công nhân vẫn còn cao, từ nay đến năm 2025, TKV tiếp tục quy hoạch xây dựng 10 khu nhà ở tập thể, với diện tích đất khoảng 5,04ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.400 CNLĐ.
Theo tính toán, đến năm 2025 dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 821.000 người, con số này đến năm 2030 là khoảng 874.000 người. Như vậy, nhu về nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội là rất lớn.
Hiện thực giấc mơ "an cư" cho công nhân
Thấu hiểu vấn đề nhà ở là ước mong an cư lạc nghiệp chính đáng của CNLĐ, từ lâu tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đạt được những kết quả bước đầu. Để thực hiện mục tiêu an cư cho CNLĐ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo việc quy hoạch, lập các đề án, kế hoạch phát triển nhà ở cho công nhân. Năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Năm 2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân KCN giai đoạn 2017-2020.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nhà ở cho CNLĐ ngành than, KCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Đề án nêu rõ các giải pháp cụ thể về quy hoạch, đất đai, vốn, thu hút đầu tư, chính sách... Đáng chú ý, tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn từ ngân sách để hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án nhà ở xã hội; trưng mua căn hộ chung cư thương mại làm nhà ở công vụ, nhà ở xã hội cho CBCC, nguồn nhân lực chất lượng cao theo cơ chế, chính sách hiện hành...
Đặc biệt, Thường trực HĐND tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân, của doanh nghiệp, trong đó dành nhiều quan tâm cho CNLĐ trên địa bàn. Nhiều kiến nghị chính đáng đã được đại biểu HĐND tỉnh nắm bắt, từ đó thống nhất ban hành các quyết sách quan trọng.
Điển hình là Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND (ngày 7/12/2018) của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở để thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà đến năm 2020. Nghị quyết số 274/NQ-HĐND (ngày 9/7/2020) của HĐND tỉnh về việc thông qua chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Nghị quyết này đã đề cập nhiều nội dung quan trọng, như: Đa dạng hóa các loại hình nhà ở; đa dạng nguồn lực, phương thức đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở; đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn nhà ở; giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, nhất là nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, nhà ở cho công nhân.
Vấn đề an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhà ở để CNLĐ yên tâm lao động, cống hiến tại các doanh nghiệp, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, cũng như sự phát triển bền vững của tỉnh cũng là chủ đề được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm trong các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại một số kỳ họp của HĐND tỉnh khoá XIV. Theo đó, tỉnh luôn xác định để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, gắn với quy mô và chất lượng dân số thì một trong những giải pháp cốt lõi là giải quyết vấn đề nhà ở cho CNLĐ, nhất là lao động ngành than, công nhân đang làm việc trong KCN, KKT, đây là đối tượng đặc thù, có số lượng rất lớn tại Quảng Ninh.
Theo Quyết định số 388/QĐ-TTg (ngày 3/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội (đến năm 2025 là 8.200 căn; giai đoạn 2026-2030 hoàn thành 9.800 căn). Các chỉ tiêu trên cơ bản phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu đã được tỉnh Quảng Ninh xác định trong Đề án phát triển nhà ở cho CNLĐ ngành than, KCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh...
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đề xuất chủ trương đầu tư, hoàn thiện hồ sơ thủ tục; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Hiện đã có 3 dự án được khởi công và dự kiến năm 2023 hoàn thành khoảng 1.580 căn hộ, gồm: Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai; dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai (TX Quảng Yên); dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi ngân hàng (TP Hạ Long). Khi hoàn thành, các dự án sẽ đáp ứng nhu cầu khoảng 2.250 căn hộ cho người lao động. Giai đoạn 2023-2024, dự kiến có 6 dự án khởi công với tổng số 2.370 căn hộ. Các dự án này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở cho công nhân trong KCN hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long - chủ đầu tư KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) cho biết: Hiện giai đoạn I của KCN đã lấp đầy hơn 90%. KCN đang tập trung đầu tư hạ tầng cho giai đoạn II và III của dự án. Trong năm 2023, KCN Sông Khoai dự kiến đón trên 1 tỷ USD vốn đầu tư. Các dự án trong KCN sẽ thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh đến làm việc, kéo theo nhu cầu nhà ở cho công nhân tăng cao. Để từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở, thời gian gần đây tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Chính sách an cư cho người lao động là một trong những “chìa khóa”, thước đo quan trọng để doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Quảng Ninh. Không những vậy, việc tỉnh dành nhiều chính sách, nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân giúp họ ổn định công việc, gắn bó làm việc lâu dài với doanh nghiệp.
Mới đây, tại cuộc họp liên quan đến triển khai Đề án phát triển nhà ở cho CNLĐ ngành than, KCN, lao động thu nhập thấp, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2279/QĐ-UBND của UBND tỉnh; theo đó, phải có kế hoạch chi tiết, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, phải rà soát kỹ hơn nhu cầu thực tế, lộ trình thực hiện về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở CNLĐ trong ngành than, KCN, các doanh nghiệp và nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp.
Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và phân rõ những dự án đã triển khai, những dự án có chủ trương cho nghiên cứu vị trí quy hoạch, đầu tư, nhưng chưa triển khai và cả những vị trí quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, quỹ đất 5%... để công khai, mời gọi thu hút các nhà đầu tư. Ngành than bám sát yêu cầu chung của tỉnh để phát triển nhà ở cho công nhân nhằm cải thiện thực sự đời sống người thợ mỏ, nhất là người ngoài tỉnh; phát triển nhà ở cho công nhân KCN, trong đó địa bàn KKT Quảng Yên là trọng điểm; nhà ở CNLĐ và người thu nhập thấp tại Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều.
Những chính sách an cư cho người lao động mà tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai góp phần quan trọng giúp CNLĐ có nhiều cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp với mức thu nhập của họ, qua đó ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()