Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:00 (GMT +7)
Hành trình không điểm cuối
Thứ 7, 03/09/2022 | 13:52:11 [GMT +7] A A
Sau nhiều năm xa cách, nhiều người khi trở lại nơi mình đã từng sinh sống đều không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của quê hương. Cả 98 xã của tỉnh, dù là vùng đồng bằng hay vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều như khoác lên mình tấm áo mới. Đáng mừng nhất là chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Trù phú những miền quê
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp xã Tân Lập (huyện Đầm Hà) “thay da, đổi thịt”. Tất cả các tuyến đường liên thôn của xã đều được nhựa hóa mở rộng giúp các phương tiện giao thông đi lại dễ dàng. Điện, trường, trạm, kết cấu hạ tầng ở cả 8 thôn của xã đều khang trang, cảnh quan xanh, sạch, đẹp với sự vào cuộc tích cực của mỗi người dân. Nhiều hộ dân ở Tân Lập đã đầu tư bài bản các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản để sản xuất hàng hóa cung cấp ra thị trường không chỉ trong huyện mà đến cả các tỉnh, thành khác trong nước.
Đặc biệt, trên địa bàn xã không còn tình trạng thất nghiệp, phần lớn lao động của xã đi làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn và các địa phương lân cận,... hay tự mở dịch vụ vận chuyển, buôn bán, nuôi trồng thủy sản. Bà Nguyễn Thị Sơn (thôn Tân Phú, xã Tân Lập) cho biết: “Giờ đây, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động của xã đều có việc làm, có thu nhập, nên đời sống của các gia đình ngày càng khá giả. Cơ sở hạ tầng của xã ngày càng khang trang, nên bà con rất phấn khởi”. Tân Lập đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022.
Người dân xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) hiện thực sự trở thành chủ thể trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở địa phương. Người dân đã chuyển đổi mô hình, áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, như: Chuyển nuôi tôm quản canh sang nuôi công nghiệp, thành lập HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến... Thu nhập bình quân của xã Đồng Rui năm 2021 đạt 75,1 triệu đồng/người.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến (xã Đồng Rui), cho biết: “Nhờ tham gia chương trình xây dựng NTM, đưa trứng vịt biển trở thành sản phẩm OCOP, hiện HTX tập hợp được 30 hộ tham gia mô hình nuôi vịt biển lấy trứng với tổng đàn khoảng 17.000 con; đưa ra thị trường khoảng 15.000 quả trứng/ngày. Trứng vịt biển Đồng Rui đã tạo dựng được thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương”.
Phong trào xây dựng NTM đã mang lại cho 98 xã của tỉnh những đổi thay tích cực, tạo diện mạo mới với hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn... khang trang, hiện đại.
Điều đáng mừng là tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dần được xóa bỏ. Bà con đã ý thức hơn trong đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trở thành hàng hóa; các mô hình sản ở vùng nông thôn ngày một phát triển. Các hoạt động văn hóa, hoạt động cộng đồng tổ chức ngày càng nhiều, tạo đời sống kinh tế, tinh thần phong phú, giúp người dân thêm gắn bó với quê hương, đóng góp công sức xây dựng miền quê mình ngày càng trù phú, xanh, sạch, đẹp, trở thành nơi đáng sống.
Hành trình không điểm cuối
Đến hết năm 2021, Quảng Ninh có 9/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM; 98/98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn đạt 52,5 triệu đồng .
Để NTM tiếp tục mang lại lợi ích to lớn cho bà con, nhân lên những nông dân năng động, tự tin, làm chủ trong kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nông thôn phát triển không ngừng trên tất cả các mặt, tỉnh và các địa phương đều xác định: Xây dựng NTM là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Quảng Ninh phấn đấu cán đích tỉnh đạt chuẩn NTM trong năm 2022. Theo đó, tỉnh cần đạt được 8 nội dung, trong đó có những thông số “cứng”: 100% xã, huyện đạt chuẩn NTM; 20% số huyện, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trên cơ sở này các huyện, các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao tập trung rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện để nâng câp các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Quảng Ninh đã linh hoạt các giải pháp trong thực hiện xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, trong đó lồng ghép chương trình xây dựng NTM với chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh phân bổ 950 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình năm 2022.
Đến nay, 15 công trình trong chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; 82 hạng mục công trình xây dựng NTM mà tỉnh đề ra trong năm 2022 đang được xây dựng (có 2 công trình đang chuẩn bị quy trình để đầu tư xây dựng)...
Phong trào xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao tiếp tục nhận được sự đồng thuận tham gia đầy tâm huyết của người dân; sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp. Từ đầu năm 2022 đến nay, ủy ban MTTQ các cấp, các hội, đoàn thể đã vận động và tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị cá nhân gần 20 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Toàn tỉnh hỗ trợ 322 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ 1.312 hộ các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...
Các địa phương chưa đạt chuẩn NTM là Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ đang nỗ lực các giải pháp để được công nhận đạt chuẩn trong năm 2022. Các huyện Tiên Yên, Đầm Hà tập trung chỉ đạo có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao trong tháng 10/2022. Phong trào phát triển sản xuất, xây dựng chương trình OCOP được các xã nỗ lực thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP, đã có 499 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP, trong đó 267 sản phẩm được cấp chứng nhận sao...
Với quan điểm xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, tỉnh và các địa phương tiếp tục xây dựng những mục tiêu, giải pháp cho lộ trình dài hơi, phấn đấu xây dựng NTM phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại tiệm cận với đô thị”; đời sống người dân nông thôn ngày càng khá giả, người dân có môi trường sống tốt đẹp, hạnh phúc.
Ông Làu Thủ Sáng, bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà: "Mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh"
Sống cả đời người nơi đây hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ sự quan tâm của tỉnh dành cho các xã vùng cao như Quảng Lâm. Sự quan tâm đó được thể hiện thông qua các cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ cụ thể của tỉnh.
Nhờ đó, đời sống người dân vùng miền núi của tỉnh đã có những biến chuyển tích cực với điều kiện thụ hưởng vật chất, văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng lên. Trong đó, 100% các thôn, bản đường giao thông được bê tông hóa, 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% người dân được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế…
Người dân các xã vùng cao nói riêng, toàn tỉnh nói chung, đã và đang thực sự thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Ông Tằng Quay Phúc, thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ: "Chương trình nông thôn mới thay đổi toàn diện huyện miền núi"
Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nền tảng quan trọng làm thay đổi diện mạo, kinh tế-xã hội của huyện miền núi Ba Chẽ. Từ một huyện nghèo với xuất phát điểm thấp, giờ đây Ba Chẽ đang từng bước về đích nông thôn mới trong năm nay.
Sự thay đổi rõ nét nhất ở huyện miền núi này đó là nhận thức của người dân. Chỉ vài năm về trước, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, ngại thoát nghèo vẫn còn in sâu trong ý thức của nhiều người. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đa dạng hình thức tuyên truyền, người dân đã từng bước loại bỏ tư tưởng ỷ lại.
Hy vọng tỉnh và huyện tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Ông Chìu Văn Hiếng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Bản Pạc Sủi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà: "Khai thác tốt các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển"
Quảng Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Hải Hà với 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, Quảng Sơn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao.
Một trong những thay đổi của Quảng Sơn khiến người dân không khỏi vui mừng bởi nó tác động trực tiếp tới đời sống là cơ sở hạ tầng của xã. Nhiều công trình từ giao thông, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư khang trang, như đường giao thông tại bản Mảy Nháu, Trường Mầm non Quảng Sơn…
Chúng tôi tin tưởng, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, sự nỗ lực của người dân, Quảng Sơn sẽ khai thác tốt tiềm năng, nhất là về du lịch để đẩy mạnh phát triển.
Ông Trần Văn Cấp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chợ, xã Thống Nhất, TP Hạ Long: "Tập trung khai thác du lịch nông thôn tăng sức hấp dẫn cho du lịch Quảng Ninh"
Thống Nhất có tài nguyên thiên nhiên phong phú, truyền thống văn hóa lâu đời, rừng phòng hộ ngập mặn được bảo vệ nghiêm ngặt. Những kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới là đòn bẩy quan trọng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nơi đây.
Tới đây, du khách không chỉ được thưởng thức thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, hữu tình của suối, núi, rừng, mà còn có thể tham quan các di tích đền Đá Trắng, chùa Thiên Quýt… Mong rằng, tỉnh và địa phương có định hướng cụ thể kết nối các điểm tham quan trên địa bàn trở thành tour khép kín, tăng sức hấp dẫn cho Quảng Ninh từ các vệ tinh, thúc đẩy phát triển du lịch.
Bà Trương Thị Kim Dung, giáo viên Trường Mầm non Đồng Chanh, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí: “Điều kiện giảng dạy, học tập được nâng cao rõ rệt từ chương trình xây dựng nông thôn mới”
Làm việc nhiều năm tại xã Thượng Yên Công, tôi được chứng kiến sự thay đổi toàn diện ở nơi vùng cao này. Công tác trong ngành Giáo dục nên điều mà tôi cảm nhận rõ nhất là điều kiện giảng dạy, học tập của thầy và trò ngày càng được cải thiện, nâng cao nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong từng lớp học đều được quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; con em trong xã có điều kiện học tập, vui chơi, phát triển toàn diện nhờ có các thiết thế văn hóa, thể thao phù hợp ngay tại trường học và nơi cư trú.
Hệ thống dịch vụ viễn thông, mạng internet, công nghệ thông tin phủ sóng rộng rãi đã hỗ trợ rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng bài giảng, tiết học. Sự phát triển này đã và đang tạo thêm động lực cho tôi và đồng nghiệp càng thêm yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.
Ông Phùn Văn Hải, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên: “Vai trò làm chủ của người dân được phát huy”
Tôi rất tự hào với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của vùng đất này, và càng phấn khởi hơn nữa khi được chứng kiến quê hương phát triển, đổi mới mạnh mẽ qua từng năm, thậm chí từng ngày. Đó là cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường... tất cả đều được nâng tầm nhờ những chủ trương, chính sách quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt phải kể đến sự ủng hộ của nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, cũng chính là khi vai trò làm chủ của người dân được phát huy. Hội viên phụ nữ là nòng cốt trong công tác vệ sinh môi trường. Hội viên CCB thì tiên phong “Thắp sáng đường quê”. Lực lượng thanh niên xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế, ứng dụng KHKT, chuyển đổi số...
Phong trào xây dựng nông thôn mới luôn được nhân dân hưởng ứng tích cực, sẵn sàng tham gia ý kiến, trí tuệ, công sức, tiền của... để mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Thu Nguyệt - Cao Quỳnh
- Xây dựng nông thôn mới: Chuyển động ở những tiêu chí “không mất tiền”
- Đẩy mạnh tiến độ đưa Quảng Ninh về đích nông thôn mới
- Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
- Quyết tâm về đích nông thôn mới năm 2022: Xây nền vững chắc
- Điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới
- Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh
Liên kết website
Ý kiến ()