Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:51 (GMT +7)
Xuất khẩu tôm trước thách thức “lội ngược dòng”
Thứ 6, 09/08/2024 | 12:53:18 [GMT +7] A A
Xuất khẩu tôm đã vượt qua khó khăn, đạt được mức tăng trưởng gần hai tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm từ 4 đến 4,3 tỷ USD, chắc chắn các doanh nghiệp, người nuôi và cơ quan quản lý cần những chiến lược hợp lý, chính xác, thích ứng nhanh với tình hình thay đổi của thị trường, để có thể tạo ra những bước đi đột phá trong 5 tháng cuối năm.
Tính đến cuối tháng 7, lũy kế xuất khẩu tôm đạt gần hai tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4%; tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng gấp gần ba lần, đạt 145 triệu USD.
Khó khăn “níu chân” đà xuất khẩu
Đà phục hồi cho xuất khẩu tôm Việt Nam đã đối diện nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2024. Xuất khẩu tôm khởi đầu mạnh mẽ trong tháng 1/2024 bằng cú bật tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023, thu về 242 triệu USD.
Nhưng liên tiếp các tháng sau, xuất khẩu tôm gặp khó. So với cùng kỳ năm 2023, tháng 2 giảm 11% đạt 173 triệu USD (do trùng với Tết Nguyên đán); tháng 3 đạt gần 272 triệu USD, tăng 3% và tháng 4 đạt 287 triệu USD, tăng 0,2%.
Dù tháng 6 và tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng mạnh, đưa lũy kế sáu tháng và bảy tháng đầu năm lần lượt đạt 1,6 tỷ USD và gần hai tỷ USD, nhưng những con số thống kê chưa phản ánh hết những khó khăn trùng điệp.
Trong năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục gặp nhiều bất lợi, thách thức bởi tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính, rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu, cạnh tranh giá với Ấn Độ, Ecuador, giá cước vận tải biển tăng, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất tôm cao và nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu...
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, mặc dù ngành tôm đang có sự tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2024, song điều này chưa phản ánh đúng thực tế khó khăn cùng lúc tại tất cả thị trường chính như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…
Tại thị trường Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam năm 2023, với kim ngạch 682 triệu USD), ngày 2/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá. Như vậy, ngay tại thị trường trọng điểm Hoa Kỳ, con tôm Việt Nam đã gặp bất lợi.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/6, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 262 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi tăng trong các tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ lại bị giảm trong tháng 4 và 5 bởi tình trạng lạm phát tăng cao, người dân Mỹ có xu hướng thắt chặt chi tiêu; giá cước tàu biển tăng cao đột biến và cạnh tranh mạnh về giá với tôm của Ecuador, Ấn Độ.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc từ vị trí thứ hai của năm trước, đã bất ngờ vượt qua Hoa Kỳ, trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Dự báo tới cuối năm, Trung Quốc sẽ là nơi cạnh tranh mạnh mẽ về giá giữa tôm Việt Nam với tôm các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, nơi mà trong sáu tháng đầu năm, khi Trung Quốc nhập khẩu 436 nghìn tấn tôm, thì riêng tôm đến từ Ecuador đã lên tới 330 nghìn tấn, chiếm 75%.
Trong phân đoạn logistics, các công ty xuất khẩu cho biết, từ tháng 5, cước tàu biển tăng đột biến lên tới hơn 40%, do giá nhiên liệu tăng, hàng phải đi vòng để tránh các khu vực có chiến tranh, xung đột, và cũng bởi nhiều nước đang thu gom container rỗng để dự phòng xuất khẩu khiến giá thuê tăng vọt.
Đặc thù của ngành thủy sản cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác là cần có container lạnh và thời gian vận chuyển là rất quan trọng. Việc giá cước vận chuyển tăng cao sẽ đưa xuất khẩu tôm Việt Nam vào thế bất lợi khi cạnh tranh về giá ở những thị trường vượt đại dương.
Ở trong nước, dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp và chưa được khắc phục, điển hình là bệnh mờ đục trắng gan TPD. Tại nhiều vùng nuôi, người nuôi không mặn mà xuống giống khi dịch bệnh tăng, giá thấp, khả năng trúng mùa ít, khả năng thua lỗ nhiều, gây nên nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Ông Lê Tiến Luật, ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhà có 17 ao nuôi tôm trên diện tích gần 6 ha. Thời gian qua, giá tôm giảm mạnh, thời tiết lại không thuận lợi khiến tôm nuôi chậm lớn, chi phí tăng cao, hao hụt nhiều làm người nuôi thua lỗ.
Hiện ông quyết định “treo ao” ngừng nuôi, chờ đến khi giá ổn định sẽ sản xuất lại. Theo các hộ nuôi tôm ở huyện Đất Đỏ, giá bán tôm thương phẩm hiện nay khoảng 120 nghìn đồng/kg, thế nhưng chi phí mà người nuôi bỏ ra cũng gần 120 nghìn đồng/kg, với giá bán này, người nuôi phải “mát tay” lắm mới có lãi, nếu giá giảm nữa thì sẽ lỗ nặng.
Thay đổi sách lược, bứt tốc cuối năm
Tuy nhiên trong khó khăn chung, ngành tôm Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng. Theo VASEP, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tất cả sản phẩm thủy sản chủ lực đều khởi sắc hơn; trong đó, riêng xuất khẩu tôm tăng 11%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và EU tăng lần lượt 24% và 32%, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%, riêng xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 21%.
Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% đến 45% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Lãnh đạo VASEP dự báo, thị trường xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc và Mỹ tăng trở lại từ cuối quý III để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ, Tết cuối năm.
Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, Hoa Kỳ, EU, con tôm Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh với các nguồn cung khác từ Ấn Độ, Ecuador bởi lợi thế chế biến sâu, nhiều hàng giá trị gia tăng.
Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam, trong khi các nước xuất khẩu khác không chế biến được, hoặc chế biến được rất ít.
Để con tôm Việt Nam có thêm sức cạnh tranh, vượt qua những khó khăn được báo trước, ngành tôm cần phải nỗ lực nhiều hơn. Tôm Việt Nam thành công tiến thẳng vào các thị trường khó tính, một phần cũng nhờ vào các sản phẩm tôm lúa, tôm sinh thái, hữu cơ, vì vậy, trong chiến lược phát triển con tôm sinh thái vẫn chiếm một vai trò quan trọng.
Giảm dịch bệnh, tập trung đầu tư vùng nuôi, chủ động nguyên liệu, mở rộng những khách hàng mới là những giải pháp quan trọng giúp ngành tôm tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng cạnh tranh ở những thị trường lớn.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cũng chia sẻ, nhờ vào đầu tư công nghệ hiện đại, phát huy thế mạnh là chế biến sâu, cho nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh từ tôm giá rẻ của các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế.
Về “đối ngoại”, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để giảm thiểu các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Hoa Kỳ; quy định về hạn ngạch (quota) tại Hàn Quốc... đang tác động trực tiếp đến khả năng lớn mạnh của ngành xuất khẩu tôm.
Mặc dù ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức, khó khăn, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm, cùng với các chiến lược hợp lý, chính xác, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn có thể tận dụng những tháng cuối năm - “mùa vàng” của ngành thủy sản để lội ngược dòng, về đích thắng lợi bằng nước rút.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()