Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:46 (GMT +7)
Ý kiến tham gia của các văn nghệ sĩ
Chủ nhật, 16/08/2015 | 09:46:36 [GMT +7] A A
Ngay sau khi dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã có ý kiến đóng góp trên tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm. Dưới đây là một số ý kiến mà PV Báo Quảng Ninh đã ghi lại...
* Nhà văn Hoàng Tuấn Dương: “Cần xây dựng bản sắc văn hoá công nghiệp, văn hoá của người thợ mỏ”
Về thành tựu văn hoá, trong báo cáo đã nêu được những vấn đề chính, tuy nhiên tôi cảm thấy vẫn còn tương đối sơ lược, chưa đầy đủ. Bởi lực lượng văn hoá - văn nghệ ở Quảng Ninh rất đông đảo và mạnh mẽ; thành tựu VHNT là rất đáng ghi nhận. Thế nhưng những điều này được nhắc đến rất ít trong Dự thảo. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Chi hội VHNT chuyên ngành, đó là Chi hội VHNT Công ty Than Hòn Gai. Đây là một hoạt động sáng tạo của những người làm VHNT tỉnh nhà. Hay Quảng Ninh cũng là địa phương thường xuyên có những trại sáng tác VHNT dài ngày, những công trình lớn, những tác giả lớn có tiếng vang về văn hoá, về VHNT mà chưa được nhắc đến trong Dự thảo.
Thứ hai, văn hoá Quảng Ninh là sự hội tụ nhiều nét, nhiều đặc điểm của các nơi khác mang đến nên rất phong phú và đa dạng. Sự giao lưu kinh tế - xã hội và văn hoá với bên ngoài cùng với những chương trình lớn như xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, nâng trình độ văn hoá cho người dân Quảng Ninh. Quảng Ninh đang thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng, kinh tế thì dễ nhìn thấy, nhưng sự phát triển về văn hoá rất khó nhận diện. vậy nên cần lọc ra cái cốt lõi của Quảng Ninh để đưa vào trong Dự thảo. Theo tôi cái cốt lõi đó là văn hoá công nghiệp, văn hoá của người thợ mỏ. Phải nhấn mạnh đến lực lượng trực tiếp làm công tác sáng tác, bảo tồn bản sắc văn hoá này. Tỉnh cần quan tâm đầu tư nuôi dưỡng phong trào, phát triển lực lượng một cách có chọn lọc, có trọng tâm trọng điểm...
* Nhà thơ Trịnh Công Lộc: “Cần cụ thể hoá một số nội dung”
Về Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII, nhiệm kỳ 2010-2015, tôi xin góp thêm mấy ý kiến sau đây:
Thứ nhất: Một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa qua là: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã có bước chuyển biến đột phá trong tư duy quản lý kinh tế - xã hội từ phát triển “nâu” sang phát triển “xanh”, hạn chế tối đa việc khai thác những cái “hữu hạn”, như tài nguyên than, đất sét, đá, rừng v.v.. mà tập trung vào việc khơi dậy tiềm năng, khai thác những cái “vô hạn” của thiên nhiên, sinh thái, biển, đảo, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá hiện hữu của tỉnh. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch… gắn với bảo vệ sinh thái, môi trường, tạo ra tiền đề cho sự phát triển “sạch” bền vững! Kết quả nổi bật này cần được thể hiện rõ trong các nội dung tổng kết, bài học kinh nghiệm và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Báo cáo chính trị. Vì đây là xu hướng phát triển tất yếu, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, sự ổn định, phát triển bền vững của tỉnh hiện nay và tương lai.
Thứ hai: Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh được Chính phủ phê duyệt cả 3 quy hoạch di tích và công nhận cả 3 khu di tích (Yên Tử, Nhà Trần Đông Triều, Di tích Bạch Đằng) là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa. Cho nên phần nhiệm vụ và giải pháp cần nói rõ hơn: Các di tích lịch sử văn hoá, di tích danh thắng là một nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững của tỉnh. Vì đây được xem như nguồn tài nguyên luôn luôn tái tạo, khác hẳn với một số tài nguyên khác. Cũng cần xác định rõ hơn về ngành công nghiệp văn hoá của tỉnh sắp tới là ngành nào? Vì công nghiệp văn hoá chỉ có thể thực hiện ở một số lĩnh vực nào đó chứ không phải tất cả!
Thứ ba: Với vị thế của tỉnh Quảng Ninh, trong điều kiện toàn cầu về công nghệ thông tin như hiện nay cũng đã cần phải xây dựng một Trung tâm thông tin báo chí cho tất cả các cơ quan báo chí địa phương, trung ương trên địa bàn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, phối hợp đồng bộ cung cấp, định hướng thông tin vừa đáp ứng cho việc hiện đại hoá, công nghiệp hoá hệ thống thông tin phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của tỉnh.
Thứ tư: Nhân sự cố mưa lũ gây thiệt hại nặng nề dịp cuối tháng 7-2015 vừa qua, tỉnh có chủ trương rà soát, xem xét lại quy hoạch của các đơn vị sản xuất than, các hệ thống ao, hồ đường, suối nhân tạo, các bãi thải… để nếu cần thì phải điều chỉnh quy hoạch đảm bảo an sinh lâu dài. Theo tôi, đây một chủ trương rất đúng, rất kịp thời, có ý nghĩa thực tiễn cao cần phải đưa vào trong Báo cáo chính trị và trở thành một nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ tới!
* Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Quang Vinh: “Đánh giá lại các loại hình văn hoá của Quảng Ninh”
Tôi cho rằng, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng ở Quảng Ninh làm nghiêm túc đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá, thôn, xã cơ quan văn hoá. Từ đó bộ mặt nông thôn mới đã có nhiều thay đổi, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và không ngừng phát triển.
Công tác bảo tồn các di sản văn hoá truyền thống của dân tộc trên địa bàn tỉnh là hết sức chủ động, sáng tạo. Tỉnh đã đầu tư xây dựng những công trình có tầm cỡ như: Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Khu biểu tượng văn hoá dân tộc Sa Vỹ. Tỉnh đã làm hồ sơ để loại hình văn nghệ dân gian Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Các hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được đảm bảo dân chủ, công khai, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ngoài ra, theo tôi, Báo cáo chính trị cũng cần bổ sung thêm những vấn đề khác như: Khuynh hướng nhận thức chưa đầy đủ trong công tác lãnh đạo chỉ đạo giữa các tổ chức Hội, việc đầu tư cho các công trình nghiên cứu sưu tầm văn hoá phi vật thể có tính cơ bản chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Về phương hướng, cần có những nghiên cứu chuyên sâu đánh giá lại các loại hình văn hoá của Quảng Ninh bao gồm những gì, định hình theo vùng lãnh thổ để có cơ sở định ra các hoạt động đúng hướng không trùng chéo lãng phí; tỉnh cũng cần có chính sách động viên các tổ chức và cá nhân, nhất là những người có kinh nghiệm và tâm huyết, góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá.
* Nhà văn Vũ Thảo Ngọc: “Cần quan tâm đến phong trào văn hoá văn nghệ trong ngành Than”
Tôi nghĩ báo cáo cần đề cập sâu đến hoạt động văn hoá văn nghệ trong ngành Than, bởi hiếm có ngành kinh tế nào ở nước ta lại sản sinh ra nhiều tài năng văn học nghệ thuật, nhiều hạt nhân văn hoá văn nghệ như ngành Than. Họ đã trở thành các tác giả nổi tiếng, những người làm công tác văn hoá thành danh không chỉ ở Quảng Ninh mà còn trong cả nước. Rất nhiều tài năng văn chương, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh v.v.. đã được ngành Than tạo điều kiện để phát triển. Và những gì họ tạo lập, sáng tạo được đã vươn ra các lĩnh vực khác, trở thành những giá trị phổ biến trong đời sống xã hội, trong văn học nghệ thuật. Do đó cần có những chính sách quan tâm tạo điều kiện hơn nữa trong việc xây dựng phong trào văn hoá văn nghệ của ngành Than, xây dựng đội ngũ người làm văn hoá, văn nghệ xuất thân từ ngành Than...
Phạm Học (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()