Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 12/09/2024 19:24 (GMT +7)
“Yên Tử là một cảnh quan văn hóa tiến triển hữu cơ với kiến tạo địa chất hàng triệu năm”
Chủ nhật, 25/08/2024 | 05:22:40 [GMT +7] A A
PGS.TS Trần Tân Văn nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Ông có nhiều kinh nghiệm thực hiện các bộ hồ sơ di sản thế giới và công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gần đây nhất là hồ sơ Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông xoay quanh những giá trị của Yên Tử, đặc biệt là giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học của miền phúc địa này.
- Xin chào PGS.TS Trần Tân Văn. Xét về vị trí cảnh quan và điều kiện tự nhiên, Yên Tử được coi là "huyết mạch” của quốc gia Đại Việt. Ông có thể giải thích rõ hơn về nhận định này?
+ Dưới thời Trần, lãnh thổ của nước Đại Việt cơ bản gồm toàn bộ vùng phía Bắc hiện nay và phía Nam đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An bây giờ. Nếu như vẽ một vòng tròn với tâm là Hoàng Thành Thăng Long thì có một đường bán kính nối từ Thăng Long ra tới vùng Yên Tử - Móng Cái mà các nhà địa lý, địa chất gọi là vòng cung Đông Triều. Vòng cung này không chỉ có miền núi mà còn có cả những vùng thấp hơn như đồng bằng, sông nước, ven biển, hải đảo rất rộng lớn.
Dọc theo vòng cung ấy từ xưa đến nay đã có con đường bộ chạy theo chân núi, song song với dòng sông mà ở từng đoạn chúng ta gọi với một cái tên khác nhau như sông Đáy, sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng. Đây là con đường ngắn nhất từ biển vào Hoàng thành Thăng Long. Nơi đây còn diễn ra nhiều trận chiến vang danh lịch sử trên sông Bạch Đằng. Vì vậy, Yên Tử được coi là “huyết mạch, động mạch chủ, xương sống” của Đại Việt.
- Có phải vì vị trí đó mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu hành?
+ Sau chiến tranh chống quân Nguyên Mông, Phật Hoàng đã truyền ngôi cho con và xuất gia tu hành, lấy Yên Tử làm nơi tu tập. Ngoài lý do Yên Tử là một vùng phúc địa thì còn một lý do nữa theo chúng tôi là vì đây là một vùng chiến lược về an ninh quốc phòng. Tại đây có thể đặt nhiều trạm quan sát, quan trắc, trạm giao thông liên lạc, cảnh báo sớm để bảo vệ an ninh quốc gia. Mặt khác, các trung tâm tôn giáo trên dãy Yên Tử còn đóng vai trò thu hút dân cư ra đây định cư, sinh sống, làm cho vùng đất này phát triển mạnh mẽ hơn.
- Được biết, ông là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đặc điểm, giá trị địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học Yên Tử” phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ di sản thế giới cho quần thể di tích này. Trong quá trình nghiên cứu có những phát hiện gì mới, thưa ông?
+ Chúng tôi đã nghiên cứu trong suốt 2 năm 2021-2022 và hoàn thành các báo cáo nhằm xác định, đánh giá đặc điểm, giá trị nổi bật về địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học của Yên Tử. Qua đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng các loại bản đồ, bản vẽ, sơ đồ... Quá trình nghiên cứu những dấu vết địa chất còn tồn tại đã giúp chúng tôi khẳng định khu vực này có nhiều đặc điểm kiến tạo địa chất, địa mạo thể hiện đặc trưng của một vùng cảnh quan văn hóa tiến triển hữu cơ đến ngày nay, cho thấy sự tôn trọng của con người với tự nhiên.
Về mặt địa chất thì dãy núi Yên Tử hay nói rộng hơn là vòng cung Đông Triều có lịch sử tiến hóa địa chất lâu dài, phức tạp với quá trình phát triển gần 500 triệu năm, hình thành nhiều kiểu loại đất đá. Trong quá khứ, nơi đây cũng diễn ra các hoạt động phun trào núi lửa, quá trình biển tiến, biển thoái và những thay đổi lớn trên các dòng sông, đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, nét đặc biệt nhất của vùng Yên Tử là các hoạt động đứt gãy dạng vòng cung giúp xác định hình dạng của vòng cung Đông Triều và người tiền sử đã từng định cư từ rất sớm ở vùng này với 3 nền văn hóa nổi bật là văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long. Nó chứng tỏ rằng, mặc dù có quá trình địa chất đa dạng, phức tạp nhưng về cơ bản điều kiện địa lý cảnh quan, đa dạng sinh học ở đây rất thuận lợi cho con người đến sinh sống, phát triển.
- Ông vừa có nhắc Yên Tử là một cảnh quan văn hóa tiến triển hữu cơ, thể hiện sự tôn trọng của con người với tự nhiên. Cụ thể, điều này được thể hiện như thế nào?
+ Điều đó được thể hiện một cách độc đáo qua truyền thống sử dụng lãnh thổ, từ vùng núi cao xuống đồng bằng sông nước, biển đảo của con người trong khu vực này, biết cách sống hài hòa, bền vững với tự nhiên, tận dụng triệt để những đặc điểm của tự nhiên vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tâm linh, giao lưu và giao thoa văn hóa, giao thương, an ninh - quốc phòng... của đất nước. Có thể dễ dàng nhận thấy, các công trình am chùa, mộ tháp chính tại Yên Tử phân bố chủ yếu ở độ cao 400-600m, những nơi có bề mặt san bằng. Còn những vùng ở độ cao lớn hơn, dễ xảy ra trượt lở thì mật độ di tích không nhiều.
Thiên nhiên Yên Tử còn được bảo tồn khá tốt với Rừng quốc gia Yên Tử ở sườn phía Nam và Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) ở sườn phía Bắc. Cả hai khu bảo tồn này đều còn giữ được tính đa dạng sinh học với nhiều giống loài động, thực vật đặc hữu của miền núi Đông Bắc Việt Nam. Điều này chứng tỏ vùng Yên Tử vẫn giữ được thảm thực vật phong phú, thể hiện ý thức của con người ở vùng này sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ, tôn trọng tự nhiên.
- Khu di sản đề cử Yên Tử là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn gồm 20 di tích thành phần. Trong đó, nhiều người thắc mắc tại sao Khu di tích Bạch Đằng lại được đưa vào trong các cụm di tích thành phần của hồ sơ. Nó có vai trò và sự liên quan như thế nào đến Phật giáo Trúc Lâm và vùng Yên Tử?
+ Ngay từ đầu khi chúng tôi bắt tay vào làm hồ sơ này, chúng tôi đã nghĩ rằng, cụm di tích Bạch Đằng phải là một bộ phận của hồ sơ, mặc dù thời điểm đó cũng chưa hình dung ra thật sự rõ nét. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, càng ngày chúng tôi càng khẳng định, hướng đi này là đúng.
Có quan điểm cho rằng, chiến thắng Bạch Đằng xảy ra từ năm 1287-1288, trong khi đó, Phật giáo Trúc Lâm chỉ chính thức ra đời năm 1299, khó có thể khẳng định vai trò ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm với chiến thắng Bạch Đằng. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu thì chúng tôi mới biết Phật giáo Trúc Lâm đã “bén rễ, nảy mầm” từ năm 1225, thời vua Trần Thái Tông. Và giá trị tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm đã ảnh hưởng đến sự sống còn của quốc gia Đại Việt, dập tắt tham vọng mở rộng chiến tranh của đế chế Mông Cổ khi đó, góp phần vào gìn giữ hòa bình cho khu vực và thế giới. Đó chính là giá trị toàn cầu của Phật giáo Trúc Lâm.
- Trong quá trình thực hiện hồ sơ Yên Tử, chắc hẳn ông cũng như nhiều nhà khoa học khác đã có thêm cơ hội để hiểu sâu sắc hơn về những giá trị của di sản?
+ Đúng như vậy. Làm hồ sơ di sản không có nghĩa là chỉ tổng hợp tài liệu rồi viết mà còn phải điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm rất chi tiết, tổ chức hội thảo quốc tế, đón đoàn chuyên gia sang thẩm định, bảo vệ hồ sơ ở Hội đồng Di sản thế giới... Có thể nói, đó là một trận chiến tổng lực mà qua đó bản thân các nhà khoa học cũng tự vỡ vạc ra được rất nhiều điều.
Thực sự với hồ sơ Yên Tử đó là cả một thách thức, vì khi bắt tay vào thực hiện hồ sơ vẫn còn những ý kiến tranh luận giữa các nhà khoa học. Phạm vi di sản trải rộng, câu chuyện di sản khi đó cũng chưa thực sự rõ ràng. Tuy vậy, điều đáng mừng là chính quyền 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang quyết tâm rất cao và cuối cùng thì chúng ta đã tìm ra được sợi dây liên kết chung giữa các cụm di tích để kể một câu chuyện có giá trị toàn cầu, đầy sức thuyết phục về di sản Yên Tử.
- Vừa rồi, ông cùng các chuyên gia của Việt Nam đã đón chuyên gia Di chỉ và Di tích quốc tế (ICOMOS) của UNESCO sang thẩm định thực địa hồ sơ Yên Tử. Chuyến đi này có vai trò quan trọng như thế nào trong việc đánh giá hồ sơ di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản thế giới vào năm 2025, thưa ông?
+ Chuyến thẩm định thực địa này đóng vai trò hết sức quan trọng, vì trong số khoảng 50 chuyên gia xem xét, đánh giá hồ sơ thì chỉ có 1 người khảo sát thực địa. Họ kiểm tra rất nhiều chi tiết, khía cạnh của hồ sơ, đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, quản lý, khoanh vùng bảo vệ di tích, các kế hoạch quản lý trong ngắn hạn và tương lai. Chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho lần thẩm định này và mong là những nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ thu về “trái ngọt”.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()