Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:57 (GMT +7)
Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phổi ở trẻ nhỏ
Thứ 3, 06/12/2022 | 11:14:31 [GMT +7] A A
Trẻ có hệ miễn dịch yếu, suy dinh dưỡng, có bệnh nền như hen suyễn, sởi, vấn đề về phổi, đường thở, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và ước tính giết chết hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có 200.000 trẻ sơ sinh là những đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm trùng.
Nguyên nhân và triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi cấp tính đường hô hấp và có thể lây nhiễm. Bệnh này thường do virus, vi khuẩn và hiếm khi do nấm gây ra, phổ biến nhất là:
- Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ em.
- Haemophilus influenzae type b (Hib) là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm phổi do vi khuẩn.
- Virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân virus phổ biến nhất gây viêm phổi.
- Ở trẻ sơ sinh nhiễm HIV, Pneumocystis jiroveci là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi, chịu trách nhiệm cho ít nhất 1/4 số ca tử vong do viêm phổi ở trẻ sơ sinh nhiễm HIV.
Viêm phổi có thể lây lan theo nhiều cách. Virus và vi khuẩn thường được tìm thấy trong mũi hoặc cổ họng của trẻ có thể gây nhiễm trùng phổi nếu trẻ hít phải. Chúng cũng có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí do ho hoặc hắt hơi, hoặc qua tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm. Trong thời kỳ sơ sinh, em bé có thể mắc bệnh này khi tiếp xúc với dịch tiết của người mẹ bị nhiễm bệnh trước hoặc trong khi sinh.
Theo Hindustan Times, tiến sĩ Sushanth Shivaswamy, chuyên gia tư vấn cấp cao tại khoa Nhi và Sơ sinh thuộc Trung tâm Sinh sản và Bệnh viện Phụ nữ Kinder (Bengaluru, Ấn Độ), cho biết: "Trẻ bị nhiễm bệnh sẽ khó thở do phổi của trẻ chứa đầy dịch. Các triệu chứng phổ biến nhất phải coi chừng là ho, sốt và khó thở. Trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường hoặc co rút ở phần dưới ngực khi thở".
Trong những trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị khó thở nghiêm trọng và mặt hoặc thân đổi màu đỏ do lượng oxy thấp. Trẻ sơ sinh bị bệnh nặng có thể không ăn hoặc uống được và cũng có thể bị bất tỉnh, hạ thân nhiệt và co giật.
Các yếu tố rủi ro
Trong khi hầu hết trẻ em khỏe mạnh có thể chống lại nhiễm trùng bằng hệ thống phòng vệ tự nhiên của chúng, trẻ có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn. Hệ thống miễn dịch của trẻ có thể bị suy yếu do suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn.
Các bệnh đã có từ trước, chẳng hạn nhiễm HIV có triệu chứng, bệnh sởi, hen suyễn, vấn đề về phổi hoặc đường thở, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ.
Các yếu tố môi trường dưới đây cũng làm tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi của trẻ:
- Ô nhiễm không khí trong nhà do nấu nướng hoặc sưởi ấm bằng nhiên liệu sinh khối (gỗ hoặc phân).
- Sống trong môi trường đông đúc.
- Cha mẹ hút thuốc.
Điều trị và phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em
Tiến sĩ Sushanth Shivaswamy cho biết trẻ mắc viêm phổi có thể phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ đe dọa tính mạng bao gồm suy hô hấp và lây lan vi khuẩn trong máu (nhiễm trùng huyết).
"Thông thường, việc điều trị viêm phổi phụ thuộc vào loại rối loạn. Khi trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn, phương pháp điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh. Đối với viêm phổi do virus, thuốc kháng virus có thể được khuyến cáo. Ngoài những loại thuốc này, trẻ phải nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, kiểm tra sốt đều đặn", chuyên gia này cho hay.
Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, trẻ có thể cần bổ sung oxy hoặc hỗ trợ hô hấp nâng cao bao gồm hỗ trợ thở qua máy thở (ống thông mũi lưu lượng cao hoặc máy thở cơ học).
Mặc dù ước tính cứ 43 giây lại có một trẻ tử vong do viêm phổi, căn bệnh này có thể phòng ngừa được nếu thực hiện đúng biện pháp vào đúng thời điểm. Theo tiến sĩ Sushanth Shivaswamy, các biện pháp này bao gồm:
- Tiêm vaccine cho các nhóm tuổi khác nhau, tiêm phòng cúm kịp thời.
- Tuân thủ biện pháp vệ sinh tốt (che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, rửa tay bằng xà phòng).
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
- Giảm ô nhiễm không khí - yếu tố có thể làm cho phổi dễ bị nhiễm trùng.
Đối với trẻ sơ sinh, điều quan trọng là phải cho trẻ bú mẹ để tăng cường khả năng miễn dịch, tiêm phòng đúng lịch, thực hành vệ sinh tốt. Ở trẻ bị nhiễm HIV, thuốc kháng sinh cotrimoxazole được dùng hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()