Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 08:38 (GMT +7)
1 tỷ cây xanh
Thứ 2, 16/11/2020 | 15:02:16 [GMT +7] A A
Có thể nói, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan giờ đây đã hiện hữu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân trên mọi miền đất nước. Mưa bão ngày càng được dự báo là có xu hướng hoạt động muộn hơn, phức tạp, mạnh hơn. Cùng với đó là nguy cơ xuất hiện những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, nắng nóng kéo dài có chiều hướng gia tăng.
Những câu chuyện đau lòng, xót xa xảy ra với đồng bào ở khúc ruột miền Trung thời gian qua là một trong những minh chứng rõ nét nhất về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ảnh hưởng, tàn phá cuộc sống của người dân mạnh mẽ, tàn khốc như thế nào?
Từ đầu tháng 10 đến nay, mưa lũ, bão gió ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp. Lần đầu tiên trong nhiều năm, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nơi đây.
Trong tháng 10, thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích; trên 201 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng, tốc mái; trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở, gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã; hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở… Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ước tính sơ bộ khoảng 17 nghìn tỷ đồng.
Ra quân trồng 2.500 cây keo tai tượng tại mặt bằng +72, khai trường Hồng Thái, Công ty Than Uông Bí. |
Đặc biệt, nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì một trong những nguyên nhân gây ra thiên tai nặng nề, thảm khốc ở miền Trung là do ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi theo hướng ngày càng cực đoan, khó dự báo.
Và để chung tay chống biến đổi khí hậu thì sự vào cuộc của người dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung là vô cùng quan trọng. Trong đó, ngoài tăng cường, tích cực bảo vệ môi trường sống, sản xuất, kinh doanh thì hoạt động đẩy mạnh trồng thêm thật nhiều cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cũng cần thiết không kém.
Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan, chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng, hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn. Ngoài những thiệt hại về vật chất, chúng ta đau buồn khi thiên tai, bão lũ, các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt. Độ che phủ rừng hiện nay đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ.
Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phá rừng.
Có thể thấy, thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường. Chính vì vậy, ngoài chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, “Sẵn sàng chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối phó kịp thời, sẵn sàng khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” thì việc tích cực hơn nữa trong bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên chống biến đổi khí hậu cần được mỗi ngành, cấp, địa phương, mỗi người dân chủ động, vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Trong đó, hoạt động đơn giản nhất là tăng cường trồng thật nhiều cây xanh như đề xuất của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra biến cố thiên nhiên.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()