Bóng đá không chỉ là môn thể thao vua, nó còn là niềm cảm hứng, là động lực đam mê và là “tôn giáo” của hàng triệu “tín đồ” trên thế giới. Nhắc đến bóng đá, người ta không thể không nhắc đến nước Đức, đến lối chơi như những “cỗ xe tăng” bền bỉ, lì lợm, về những “thánh địa” mà các cổ động viên phải đến ít nhất một lần trong đời.
Der Klassier là khái niệm dùng cho những trận đấu giữa các “đại kình địch”. Ở Đức, Borussia Dortmund và Bayern Munich chính là kình địch, luôn tranh giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Bundesliga (giải bóng đá quốc nội của Đức). Trận đấu được ví như “siêu kinh điển”, nơi mà hai đội thể hiện bản lĩnh, sức mạnh và lối chơi cống hiến đặc trưng. Bởi sự hấp dẫn của trận đấu mà chỉ sau 10 phút, vé của trận đấu đã bán hết. Để có được chiếc vé quý giá ấy, tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của một cổ động viên lâu năm, mới có thể mua được.
Trận đấu diễn ra tại Signal Iduna Park với sức chứa hơn 81.000 người, sân nhà của Borussia Dortmund. Đây được coi là một trong những sân vận động cuồng nhiệt nhất thế giới bởi lượng khán giả đến sân hàng năm gần như dẫn đầu so với các sân ở châu Âu, đạt tỷ lệ 97-100%. Đặc biệt, phần khán đài phía Nam có tới hơn 24,500 chỗ đứng, là nơi được báo chí châu Âu gọi là The Yellow Wall (Bức tường vàng). Khán giả ở đây thường khoác vai nhau nhảy và hát bài ca truyền thống của đội bóng hoặc hô vang các khẩu hiệu. Đó có lẽ là sức ép kinh khủng nhất với bất kỳ đội bóng nào tới đây.
Vì sức nóng của “siêu kinh điển”, 3 tiếng trước khi trận đấu, phía bên ngoài sân vận động đã chật kín cổ động viên hai đội với màu vàng-đen và đỏ đặc trưng. Dòng người đổ đến sân vận động mỗi lúc một đông. Họ đến đây gặp gỡ, bàn luận về trận đấu, uống bia, ăn xúc xích tại các ki-ốt. Hoặc đi mua sắm đồ lưu niệm, quần áo, khăn, cờ mang logo của đội bóng trước khi trận đấu bắt đầu. Lực lượng an ninh cũng được tăng cường để đảm bảo an toàn. Cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra dọc các con đường.
Sau khi qua 3 cửa kiểm soát, chúng tôi đã vào đến sân. Khi lên khán đài, bước chân tôi bỗng chốc lùi lại vì sự choáng ngợp của ánh sáng rực rỡ từ những cột đèn cao áp, sắc vàng đen cuồng nhiệt và tiếng hò reo không dứt. Một thế giới mới như mở ra. Cả khoảng không gian rộng lớn hút sâu trước mắt. Mọi âm thanh hiện lên thật rõ nét, chân thực. Dù không biết tiếng Đức nhưng bóng đá đã xóa nhòa khoảng cách, hòa những con người xa lạ làm một, cùng nhau hô vang tên đội bóng “Bê-pho-bê”, “Bê-pho-bê”, “Bê-pho-bê”.
Có lẽ, tôi đã quá may mắn khi được trải nghiệm 97 phút lội ngược dòng ngoạn mục của đội bóng, được tận hưởng trọn vẹn cảm xúc vui sướng, hụt hẫng, phẫn nộ, hồi hộp lo lắng và vỡ oà hạnh phúc. Những cái tên quen thuộc của các cầu thủ: Marco Reus, Paco Alcacer, Christian Pulisic... vang lên như khẳng định thực tại mà tôi vẫn nghĩ là giấc mơ. Tôi vẫn không thể quên khoảnh khắc khi đội nhà bị dẫn trước, cả sân vận động như chìm trong im lặng và rồi những tiếng vỗ tay vang rần khắp nơi. Giống như những bước chân dậm hào hùng trong các cuộc chiến trước kia, từng bàn tay giơ lên, chung một nhịp vỗ, đưa đội bóng dồn lên tấn công. Với chiến thắng 3-2 và cú “đúp” của cầu thủ yêu thích Marco Reus, có lẽ tôi đã hoàn thành một trong những giấc mơ lớn nhất của mình.
Bóng đá là thứ ngôn ngữ vô hình kết nối những con người xa lạ trở nên quen thuộc, đưa các nền văn hóa vượt ra khỏi biên giới của nó. Borussia Dortmund là ví dụ tiêu biểu cho khái niệm đó. Đội bóng được thành lập tại thành phố Dortmund nằm ở phía Tây nước Đức. Từng được biết đến như một thành phố công nghiệp nặng với ngành khai thác than đá, thép, Dortmund đã trở thành một trong những trung tâm công nghệ cao, nhưng bóng đá vẫn là yếu tố thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến đây. Nếu tìm kiếm trên TripAdvisor, một trong những ứng dụng du lịch phổ biến nhất thế giới, Dortmund không có nhiều tiềm năng du lịch, ngoại trừ sân vận động Signal Iduna Park, nơi các cổ động viên phải đến một lần trong đời.
Tham quan sân vận động Signal Iduna Park là một trong những cách để cổ động viên Borussia Dortmund trải nghiệm và hiểu hơn về đội bóng. |
Sắc vàng-đen, màu truyền thống của đội bóng cũng trở thành màu biểu tượng của thành phố. Trên khắp các con đường, không khó bắt gặp những lá cờ in logo của đội bóng. Thậm chí, người ta còn thành lập những bảo tàng riêng để lưu giữ truyền thống câu lạc bộ. Hay như phát triển các tuyến du lịch tham quan sân vận động Signal Iduna Park với mức giá 12euro/ người (Khoảng 350.000 đồng). Người ta dễ dàng tìm kiếm trong các khu trung tâm thương mại, quầy tập hóa hay cửa hàng lưu niệm các bộ trang phục thi đấu, quần áo, khung ảnh, sách, báo, thậm chí đồ dùng nhà bếp, nhà tắm, chăn, gối có biểu tượng của đội bóng. Nếu tính riêng số lượng áo thi đấu của câu lạc bộ bán ra mỗi mùa giải cũng xấp xỉ 700.000 áo. Tôi từng chứng kiến dòng người đổ về đông chặt khu mua sắm nằm ngay phía trước sân vận động của Borussia Dortmund. Khi ấy vào đợt cao điểm mùa Giáng Sinh, những món phụ kiện, quần áo, quà tặng được bán ra nhanh “chóng mặt”. Nhất là, các mặt hàng có in hình của cầu thủ Marco Reus, đội trưởng, người được coi như biểu tượng của lòng trung thành, bản lĩnh và sức mạnh của đội bóng. Chỉ sau 30 phút, nhân viên phải liên tục xếp thêm đồ mới.
Không chỉ ở Dortmund, bóng đá dường như đã trở thành thương hiệu của nhiều thành phố. Hầu hết các câu lạc bộ đang thi đấu tại giải quốc nội của Đức đều đại diện cho một thành phố. Trên hành trình của mình, tôi có cơ hội ghé qua sân vận động Allianz Arena của CLB Bayern Munich và TSV 1860 Munich nằm ở thành phố Munich, phía nam nước Đức. Khác với sân vân động của Borussia Dortmund được xây dựng trong trung tâm thành phố, gần với trạm tàu điện thì Allianz Arena nằm ở khu ngoại ô thành phố, là sân vận động hiện đại nhất châu Âu. Bên cạnh thiết kế đẳng cấp, sân vận động Allianz còn đặc biệt với khả năng đổi màu. Bởi sân có thể phát sáng màu đỏ khi đội chủ nhà là FC Bayern Munich, màu xanh khi đội chủ nhà là TSV 1860 Munich và màu trắng khi đội tuyển bóng đá quốc gia Đức chơi trên sân này. Do đó, người ta thường ví Allianz Arena giống như "chú tắc kè sặc sỡ" của châu Âu.
Cũng giống như Borussia Dortmund, Bayern Munich làm thương hiệu tốt đến mức, mọi vật dụng đều có thể in hình câu lạc bộ, thỏa mãn tình yêu của các cổ động viên. Theo thông tin từ câu lạc bộ, doanh thu bán sản phẩm luôn đạt mức 100 triệu euro/ mùa giải. Thực tế, bóng đá có một sức hút đặc biệt với người Đức không chỉ bởi lối chơi cống hiến mà còn bởi sự tôn trọng của các câu lạc bộ dành cho cổ động viên. Nếu so với các giải đấu khác tại châu Âu, Bundesliga luôn thu hút lượng khán giả đông nhất và có mức vé rẻ nhất. Ví dụ, giá vé xem cả mùa thấp nhất ở Đức chỉ khoảng 270 euro, cao nhất hơn 630 euro. Trong khi đó, so với mức trung bình ở Anh là 540 euro, còn ở Serie A (giải đấu xếp thứ 5 châu Âu về độ hấp dẫn) đã lên mức 1928 euro.
Có thể thấy, hành trình đến nước Đức, được trải nghiệm và sống trong bầu không khí của những trận cầu kinh điển khiến tôi vẫn rạo rực mỗi khi nhớ về. Nối tiếp chuyến đi, tôi có cơ hội khám phá thêm những miền đất mới, những công trình và nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Một nước Đức hiện đại, thân thiện và rất đỗi thân thương...
Bài 2: Trái tim của châu Âu
Bài, ảnh: Dương Hà
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()