4
18
/
924821
14 ngày trên nước Đức - Bài 3: Miền đất cổ tích
longform
14 ngày trên nước Đức - Bài 3: Miền đất cổ tích

 

Chưa bao giờ nước Đức trở nên gần gũi và mang lại cho tôi những cảm xúc mãnh liệt như trong chuyến đi này. Sự tráng lệ của Berliner Dom, một góc bình yên nơi tiếng đàn của người nghệ sỹ đường phố cất lên lúc chiều tà hay màu nắng vàng như mật ong..., tất cả không phải là những giấc mơ xa xôi mà khi tỉnh giấc sẽ biến mất. Đó là sự thật mà mỗi ngày trôi qua tôi lại thức dậy và đón chờ những điều tuyệt vời sẽ đến, để tiếp tục hành trình khám phá một miền đất khác: Miền đất cổ tích. Nơi ấy có tòa lâu đài Neuschswanstain trở thành cảm hứng cho hàng loạt bộ phim hoạt hình của Walt Disney hay khu rừng lá vàng rực rỡ đầy lãng mạn của mùa thu nước Đức.

Ngày bé, tôi vẫn háo hức chờ những ngày bố đi làm ca 1 và ca 3 để được nghe kể chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. Bố tôi là công nhân mỏ, dù bận đến mấy vẫn đáp ứng nguyện vọng ấy của tôi, chỉ trừ ca 2, khi bố đi làm về tôi đã ngủ. Những câu chuyện “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn”, “Lọ lem”, “Công chúa tóc mây”... tôi chỉ nghe đến nửa chừng đã say giấc. Như bao đứa trẻ khác, tôi ước mình là công chúa và tưởng tượng những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Thời gian dần trôi, ước mơ ấy cũng biến mất. Đến mãi sau này, khi có cơ hội đến lâu đài Neuschswanstain, miền ký ức tuổi thơ như sống lại một lần nữa, quãng thời gian tươi đẹp trở về cùng câu chuyện cổ tích bố tôi kể ngày ấy.

Lâu đài Neuschwanstein là hiện thân cho lối kiến trúc thần tiên và cách tân lãng mạn của Đức vào thế kỉ 19. Khi nhìn lâu đài này, không ai không nghĩ đến những câu chuyện cổ tích được nghe kể hồi thơ bé. Lâu đài Neuschwanstein nằm ở Schwangau, một ngôi làng hẻo lánh gần thị trấn Füssen, bang Bayern, miền Nam nước Đức do Vua Ludwig II xây dựng từ năm 1869. 17 năm sau, vào ngày mất của Vua Ludwig II tòa lâu đài vẫn chưa hoàn thành. Từ khi vua qua đời, tháp vuông và căn nhà hiệp sĩ được hoàn thành một cách đơn giản hơn, còn nhà cầu nguyện không được xây dựng như phác thảo thiết kế ban đầu.

Để tham quan tòa lâu đài tôi phải bắt tàu từ trung tâm thành phố Munich đến thị trấn Füssen mất 2 tiếng rưỡi, rồi đón xe buýt đến chân núi. Từ đây nhìn lên chỉ thấy một mặt của tòa lâu đài màu trắng muốt nổi bật giữa cánh rừng cuối thu đang trút lá. Quãng đường đi bộ lên lâu đài mang theo sự háo hức của tôi, mọi cảm giác mệt mỏi như tan biến.

Trước mắt tôi là khu rừng lá kim đặc trưng của khí hậu ôn đới. Nó khiến tôi nhớ đến bài giảng địa lý lớp 7, về đặc điểm của các vùng khí hậu. Tôi chợt mỉm cười vì liên tưởng “sách vở” của mình, điều ấy khiến tôi thêm phấn chấn để tận hưởng trọn vẹn không gian này, dưới bầu trời này, cơn gió này, và những rừng cây lá kim đang xào xạc rất nhẹ.

Đi khoảng 200m, trước mắt tôi hiện ra hồ Alpsee xanh ngắt, tĩnh lặng còn mờ sương sớm, tựa như thế giới thần tiên. Lúc này mặt trời vừa lên, một phần ngọn núi vẫn khuất mang gam màu xanh thẫm, phần còn lại chìm trong ánh sáng bạc của những tia nắng đầu tiên. Cảnh tượng hùng vĩ khiến con người trở nên thật nhỏ bé. Tôi tiếp tục đi theo con đường lớn bằng bê tông dẫn lên lâu đài. Dòng người đến đây mỗi lúc một đông. Nhưng càng đến gần, càng khó quan sát vì lâu đài Neuschwanstein quá cao, đỉnh chóp và thiết kế phía trên bị che bởi chính các dãy nhà đồ sộ bên dưới. Vì vậy, người ta đã làm một cây cầu mang tên Marie cách đó chừng 800m, vắt qua thung lũng để nhìn toàn cảnh tòa lâu đài tráng lệ này.

Đứng ở đây, tôi mới hiểu vì sao Vua Ludwig II được mệnh danh là “vị vua điên”, một nhân vật kỳ lạ hiếm có trong lịch sử vương hầu nước Đức. Có lẽ bởi một phần ông quá yêu sự lãng mạn, thích văn chương, hội họa và nghệ thuật, thậm chí không màng chính sự. Phần khác vì khi xây dựng lâu đài này, ông chọn một đỉnh núi xa xôi, hẻo lánh, đi lại vô cùng khó khăn nhưng khung cảnh nơi đây lại không khác gì “chốn bồng lai tiên cảnh”. Từ trên cầu phóng tầm mắt phía trước là tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, dưới chân là hẻm núi hiểm trở nước chảy uốn lượn. Còn khi nhìn sang hai bên là khu rừng rậm rạp kỳ vĩ đang thay màu lá.

Neuschwanstein có nghĩa là Thiên nga đá mới (New Swan Stone), bắt nguồn từ một nhân vật hiệp sĩ “Swan Knight” trong vở nhạc kịch nổi tiếng của tác giả kiêm nhạc trưởng Richard Wagner mà Vua Ludwig II rất yêu thích. Lâu đài là một kiệt tác nghệ thuật kết hợp hài hòa nhiều nền kiến trúc: Những cửa sổ hình vòm Roman, tháp nhọn Gothic, trang trí bằng vàng và đá hoa kiểu Byzantine tạo nên một nét đẹp thơ mộng, lộng lẫy khiến ai đã một lần chiêm ngưỡng cũng không thể quên. Không những thế, nội thất bên trong tòa nhà cũng được thiết kế tinh xảo kết hợp với các nét hội họa độc đáo, gam màu trang nhã.

Không chỉ là một người đam mê nghệ thuật, Vua Ludwig II còn nổi tiếng về tư tưởng thà phá hủy lâu đài chứ nhất định không để dân thường vào tham quan vì ông lo sợ mất đi tính huyền thoại của nó. Thế nhưng chỉ 6 tuần sau khi ông qua đời, lâu đài được mở cửa đón khách tham quan và trở thành một trong những điểm đông khách du lịch nhất nước Đức với hơn 1,4 triệu du khách/năm.

Neuschwanstein chính là định nghĩa hoàn hảo về lâu đài thần tiên, miền đất cổ tích. Nhưng rời khỏi nơi đây, tôi nhận ra mình vẫn đang bước đi trong câu chuyện cổ tích đẹp nhất ngoài đời thực. Những công trình hoành tráng, mỹ lệ vốn đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, kiến trúc của nhân loại cũng trở nên bé nhỏ trước bản tình ca của tạo hóa: mùa thu. Nếu không phải là tình cảm đặc biệt dành cho đội bóng Borussia Dortmund hay hoàn thành tâm nguyện đến nơi bố mẹ đã từng sống, thì mùa thu nước Đức chính là nguyên cớ để mang tôi đến đây. Trong thâm tâm, tôi luôn muốn được một lần chiêm ngưỡng sắc vàng, đỏ phủ kín những cánh rừng, muốn tận mắt ngắm nhìn và đắm mình trong không gian rất đỗi lãng mạn và mơ màng ấy. Tôi nghĩ, người ta thường cố gắng tìm kiếm một phép nhiệm màu trong cuộc đời, nhưng đôi khi, được sống, nỗ lực theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình đã là một câu chuyện cổ tích.  

Mỗi bước đi trên hành trình của mình tôi lại cảm nhận một vẻ đẹp khác nhau của mùa thu. Tôi vẫn nhớ cảm giác vỡ òa hạnh phúc khi nhìn từ cửa sổ máy bay, cả cánh rừng mùa thu đang vẫy chào. Đó là khi tôi nhận ra giấc mơ của mình thành hiện thực, rằng khoảng cách giữa tôi và nước Đức đã ở rất gần. Hai bên đường dẫn tôi từ sân bay Dusseldorf  (thành phố Dusseldorf, miền tây nước Đức) vào trung tâm thành phố vàng rực những hàng cây đang thay lá, là mặt trời đỏ au lấp lóa sau lớp kính tàu điện ngầm, thoát ẩn thoát hiện. Có khi là khoảnh khắc vô cùng bình yên, tôi dừng chân bên ngoài một khuôn viên nhỏ dẫn đến Nhà thờ lớn Berliner Dom, bắt gặp hình ảnh một cụ già thảnh thơi đọc sách dưới gốc cây đang trút lá. Hay đó là những con đường lát đá ở thành phố Leipzig phủ kín lá vàng rơi buồn thiu ngày tôi chuẩn bị về nước.

Tôi may mắn có cơ hội đến thăm khu vườn thực vật Bochum, nằm trong khuôn viên trường Đại học Ruhr (TP Bochum miền tây nước Đức). Đây được coi là một trong 10 khu vườn đẹp nhất nước Đức. Với diện tích khoảng 13ha, khu vườn được trồng và đầu tư chăm sóc vào năm 1968. Điều đặc biệt trong thiết kế hạ tầng của người Đức là vẫn còn giữ lại khá nhiều những vườn cây, công viên trong thành phố thay vì xây dựng hàng loạt các tòa nhà cao tầng. Nhờ vậy, người dân và du khách dễ dàng đi bộ, chiêm ngưỡng và tận hưởng sắc lá vàng xào xạc dưới chân trong không gian tĩnh mịch, hoàn toàn trái ngược với nhịp sống năng động ngoài kia.

Vườn thực vật Bochum được chia thành nhiều khu, gồm các loài cây thuộc vùng khí hậu từ xích đạo, nhiệt đới đến vùng hàn đới. Khu vườn không chỉ để tham quan mà còn phục vụ cho sinh viên Khoa Sinh học của Đại học Ruhr nghiên cứu, học tập. Nhờ không gian mở, cùng các loại thực vật đa dạng, nơi đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân vào mỗi dịp cuối tuần.

Khu vườn mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm mới lạ. Bởi lẽ những loài cây ở khí hậu ôn đới như cây phong, sồi, rẻ quạt,... tôi chỉ biết đến qua hình ảnh và phiên bản bằng nhựa của chúng. Vì vậy, khi cầm trên tay lá phong đỏ rực, lá rẻ quạt vàng ươm hay một nhành cây nhựa ruồi (thường được dùng để trang trí Giáng Sinh) tôi đã cảm nhận rõ nét mùa thu hiện hữu ngay trước mắt mình. Bỗng một cơn gió lướt qua, cả không gian nhuộm vàng với hàng trăm chiếc lá xoay tròn trong không trung, chẳng màng đến sự xuất hiện của tôi mà nhảy vũ điệu của riêng mình trước khi chạm đất. Cơn gió mang theo mùi ngai ngái của đất ẩm sau mưa, của mùi lá khô, đâu đó cả mùi thơm thảo mộc, hay hăng hắc của rừng thông già đằng xa. Mặt trời đã lên cao hơn nhưng những tia nắng vẫn còn yếu ớt, chỉ đủ phủ lên hàng cây lớp vàng bàng bạc khiến khung cảnh thêm mơ màng. 

Theo lối mòn, con đường dẫn vào khu rừng như đưa tôi lạc vào miền cổ tích. Tôi tiếp tục hành trình của mình, tận hưởng trọn vẹn bản tình ca đẹp nhất giữa lòng châu Âu. Đôi lúc tôi nhận ra mình thật may mắn khi được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất trên đất nước này. Nhưng nếu không có một “phép màu đặc biệt”, có lẽ, tôi sẽ không ở đây.

Bài 4: Phép màu thời 4.0

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu