4
18
/
927900
14 ngày trên nước Đức - Bài 4: "Phép màu" thời 4.0
longform
14 ngày trên nước Đức - Bài 4: "Phép màu" thời 4.0

 

Từ Dortmund đến Berlin hay Munich, chưa bao giờ tôi nghĩ có thể đến được vùng đất cách quê hương 10.000km. Kể cả khi nhìn trên bản đồ, thấy mình đang bay qua các quốc gia Trung Đông để đến Châu Âu, tôi cũng không dám ngủ vì sợ rằng đó là giấc mơ, tỉnh dậy mọi thứ sẽ biến mất. Tôi chợt nhận ra, mình may mắn đến nhường nào khi sinh ra ở kỷ nguyên công nghệ số, nơi mạng internet chính là phép màu.

 

 

Trước khi sang Đức, tôi vô cùng ngưỡng mộ các tác giả trẻ của những chuyến đi thanh xuân, được in thành sách và mơ ước được 1 lần giống như họ. Tôi tự tưởng tượng mình là tác giả Phan Việt khi lạc lõng “Một mình ở châu Âu”, hay đi giống tác giả Nguyễn Văn Mỹ đi để thấy “Ngày đàng sàng khôn”, thế giới lạ mà quen. Có khi tôi muốn thênh thang cảm nhận vẻ đẹp ở những thành phố nơi đặt chân đến giống tác giả Ploy - một “Bánh bèo phiêu lưu ký” đích thực, hay đơn giản giống tác giả Huyền Chip chỉ cần “Xách ba lô lên và đi”.

Nhưng tôi biết rằng, những chuyến đi không bao giờ dễ dàng, nhất là một chuyến đi châu Âu. Kinh tế là một vấn đề nhưng an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trong suốt những năm tháng còn ấp ủ giấc mơ nước Đức, tôi đã tìm đọc hàng trăm bài viết chia sẻ về kinh nghiệm du lịch, các địa điểm tham quan, món ăn, văn hóa, con người trên đất nước này qua internet. Tôi đã tưởng tượng ra những cung đường mình sẽ đi qua, những thành phố, những công trình nhất định phải đến. Giống như ngọn lửa cháy âm ỉ, nước Đức luôn canh cánh trong lòng tôi.

Và giữa những năm tháng ấy, Facebook chính là cánh cửa kết nối tôi với nước Đức, một cách chân thực và gần gũi. Tôi tham gia vào nhóm du học sinh Đức như một cách quan sát và tìm hiểu về cuộc sống ở đất nước này. Hay “nằm vùng” trong những nhóm du lịch châu Âu để lắng nghe mọi người kể câu chuyện của họ, hành trình đã đi qua. Đôi khi các câu hỏi, cách giải quyết vấn đề liên quan đến thủ tục nhập cảnh, vé máy bay, di chuyển giữa các thành phố, hay xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm... cũng rất hữu ích.

Kể từ khi nhận được visa 2 tháng trước khi đi, tim tôi như nghẹn lại. Cảm giác háo hức, phấn khích khi mở hàng loạt ứng dụng đặt vé máy bay, nhà nghỉ, lên danh sách những địa điểm cần đến... khiến tôi như quên hết mệt mỏi và buồn phiền. Thông qua các trang web và ứng dụng tìm kiếm như Traveloka, Ebay, Skyscanner... tôi tìm kiếm chuyến bay khứ hồi rẻ nhất từ Việt Nam sang châu Âu, chỉ với mức giá 19 triệu khứ hồi của hãng hàng không Singapore Airline (Hãng hàng không quốc gia của Singapo đạt chuẩn 5 sao). Ở thời điểm đó, không dễ tìm được mức vé rẻ như vậy, thậm chí có hãng còn lên tới 30-40 triệu khứ hồi ở cùng hạng ghế.

Sau khi đã đặt xong vé máy bay, tôi bắt đầu tìm hiểu và sắp xếp các địa điểm tham quan tại Đức. Tôi hạ cánh tại sân bay Dusseldoft rồi đến hàng loạt các thành phố, thị trấn của Đức như Bochum, Dortmund, Berlin, Munich, Fussen, Leipzig, Colditz, Dresden. Tôi phải cân nhắc các vị trí để việc di chuyển thuận lợi và tiết kiệm tối đa thời gian cũng như tiền bạc. Và Google map, ứng dụng bản đồ của “ông lớn công nghệ” Google chính là “con mắt thần” cho phép tôi quan sát các địa điểm, thời gian di chuyển để có hành trình phù hợp nhất. Sau khi đã cố định lịch trình, tôi tiếp tục tnghiên cứu và biết đến hãng xe khách nội địa của châu Âu Flixbus, đi qua hầu hết các thành phố lớn. Bằng cách tra cứu giờ xe chạy, bến xe, tôi dễ dàng đặt vé qua mạng. Thực tế, việc đặt vé xe không khó như tôi tưởng tượng khi mọi thông tin cần thiết về cách di chuyển tại Đức đều được các Công ty du lịch, du khách hay du học sinh đăng tải, hướng dẫn đầy đủ trên mạng. 

 

Cũng trong thời gian này, tôi đặt nhà nghỉ tại ứng dụng Booking.com với hơn 28 triệu nhà nghỉ, khách sạn trên thế giới, thông tin chính xác, tin cậy. Giá tiền được niêm yết công khai, các tiện ích của nơi ở được giới thiệu chi tiết. Đặc biệt, lượng tương tác, đánh giá của du khách được lưu lại qua bình luận và xếp hạng sao cho phép tôi tìm kiếm chỗ ở an toàn nhất. Hơn nữa, với lợi thế là khách hàng thân thiết, tôi còn được giảm giá từ 10-15% phí đặt phòng. Tất cả các giao dịch từ đặt vé máy bay, vé xe bus đến nhà nghỉ đều được sử dụng thông qua một chiếc thẻ duy nhất: thẻ ngân hàng quốc tế.

Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm địa điểm bố mẹ đã chụp bức ảnh kỷ niệm thông qua kênh Youtube, Google. Dù không dễ dàng nhưng nhờ có công nghệ, tôi may mắn đến được nơi này. Thậm chí, tôi còn sử dụng phần mềm dựng phim Kinemaster được học ở các buổi đào tạo của cơ quan để dựng video gửi về cho gia đình. Hay liên lạc bằng Zalo, Facebook giúp mẹ yên tâm và tin tưởng vào tôi hơn.

Trên những cung đường tôi đi qua, Google map lại một lần nữa là bạn đồng hành. Khi muốn tìm địa điểm ăn uống, vui chơi, Google map sẵn sàng cung cấp thông tin và địa chỉ cụ thể. Ngoài ra, ứng dụng tàu điện ngầm nội địa của Đức cho phép tôi di chuyển trong các thành phố dễ dàng và an toàn nhất. Đó chính là lý do vì sao suốt 14 ngày ở Đức, tôi chưa bao giờ bị lạc.

 

Đôi lúc tôi tự hỏi sẽ thế nào nếu không có công nghệ, không có mạng internet và những ứng dụng tuyệt vời đang hỗ trợ tối đa cho con người, san bằng mọi không gian, khoảng cách. Đó chính là phép màu kỳ diệu mà khoa học mang lại. Nhưng còn tuyệt vời hơn cả công nghệ, khi nhờ đó tôi đã có những người bạn đích thực.

Qua mạng xã hội facebook, tôi biết đến Hội những người hâm mộ câu lạc bộ bóng đá Borussia Dortmund tại Việt Nam và trở thành thành viên quản trị của câu lạc bộ. Sau 6 năm tham gia, ngoài việc tổ chức các sự kiện cho Hội, đây là cách giúp tôi làm quen thêm nhiều người bạn mới, kể cả những thành viên đang du học và làm việc tại Đức, trong đó có anh Lê Thanh Hải và bạn Nguyễn Hồng Phong. Đối với Hội của chúng tôi, anh Lê Thanh Hải là một trong những cổ động viên lâu đời nhất của đội bóng, từ năm 1991, thường xuyên kết nối và tặng quà lưu niệm của câu lạc bộ cho người hâm mộ ở Việt Nam. Anh hiện đang làm việc và sinh sống tại thành phố Trier của Đức. Nhờ có anh, tôi mới may mắn có được tấm vé “vàng” trong trận đấu giữa Borussia Dortmund và “kình địch” Bayern Munich. Không những thế tôi còn có cơ hội tham quan sân vận động, đến quán rượu Wildschutz- nơi thành lập đội bóng, biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Cũng như anh Hải, Nguyễn Hồng Phong, quê ở Hà Nội, hiện đang là du học sinh ngành cơ điện ở Bochum. Thông qua mạng xã hội facebook, Phong thường kể cho tôi nghe về nước Đức, về cuộc sống nơi Phong ở, những địa điểm đã từng đến. Đôi lúc, Phong gửi ảnh phong cảnh, trường học, đường phố khiến ước mơ đến đất nước này của tôi càng trở nên mạnh mẽ. Ngày đầu đặt chân đến đây, Phong đón tôi khi vừa xuống sân bay, làm “hướng dẫn viên” trong những ngày tôi ở Bochum. Không những thế, Phong còn chỉ tôi cách sử dụng các phần mềm di chuyển, mua vé tàu, giới thiệu các món ăn đặc trưng của người Đức.

“Duyên” với nước Đức dường như không chỉ dừng lại ở những người có cùng niềm yêu thích với đội bóng Borussia Dortmund mà còn với các “tín đồ ưa dịch chuyển”. Tôi quen Phạm Quốc Dũng, quê ở Hà Nội, hiện đang là du học sinh ngành lâm nghiệp ở Dresden. Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Dũng còn có nhiều bài viết về du lịch châu Âu. Vì vậy, khi biết tôi sẽ đến Dresden, Dũng sẵn sàng đưa tôi khám phá và chiêm ngưỡng những công trình đẹp nhất nơi đây. Không những thế, tôi còn có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu một phần cuộc sống của người Việt Nam đang làm việc trong thành phố, nghe họ kể câu chuyện nơi đất khách quê người và cả nỗi nhớ nhà luôn thường trực... Mạng xã hội có thể "ảo" nhưng tôi tin với sự tìm hiểu kỹ càng và có chọn lựa, nơi ấy tôi có thể tìm thấy những người bạn đích thực.

Trong hành trình một mình đến nước Đức, ngoài những người bạn Việt Nam, bất cứ khi nào cần, tôi đều may mắn nhận được sự giúp đỡ của người dân nơi đây. Khác với vẻ lạnh lùng, tự tôn trong tính cách dân tộc Đức, tôi nhận thấy ở họ sự chân thành, thân thiện và chu đáo. Đó là người phụ nữ dễ mến ở quầy lễ tân khách sạn khi nhận ra tôi là cổ động viên đội Borussia Dortmund và nhất định cùng chụp một tấm ảnh chung để khoe với đồng nghiệp. Đó là bà lão tốt bụng ở ngoại ô đã bỏ lỡ tuyến xe buýt của mình để chỉ đường trên bản đồ khi tôi đi tìm cây cầu nơi bố mẹ đã từng đến. Đó là người đàn ông tốt bụng giúp tôi bê đồ khi xuống xe buýt và dẫn tôi đến tận nhà ga đi vào trung tâm...

Giống như “sứ giả du lịch”, họ đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp nhất về nước Đức, con người Đức, giúp tôi thêm vững bước và tự tin hơn trong hành trình của mình. Điều đó khiến tôi nhớ về quê hương mình, nơi có “Nụ cười Hạ Long” và những nỗ lực của lãnh đạo và chính quyền địa phương để đưa Quảng Ninh trở thành “nơi cần đến và nơi đáng sống”. Tôi nhận ra, những trải nghiệm của mình có thể là kinh nghiệm để đóng góp một phần nhỏ bé, phát triển du lịch quê hương.

Phần 5: Học người Đức làm du lịch

Hoàng Quỳnh

Trình bày: Tất Đạt

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu