4
18
/
928315
14 ngày trên nước Đức - Bài 5: Học người Đức làm du lịch
longform
14 ngày trên nước Đức - Bài 5: Học người Đức làm du lịch

 

Những miền đất tôi đi qua trên nước Đức đều để lại ấn tượng tốt đẹp. Tôi có cơ hội mở rộng tầm mắt, ngắm nhìn các công trình lịch sử, nghệ thuật, bồi dưỡng thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, con người nơi đây. Và hơn hết, dưới con mắt của một phóng viên, tôi muốn tìm hiểu cách người Đức làm du lịch, lý giải nguyên nhân mỗi năm, nước Đức đón trung bình trên 37 triệu du khách, học cách họ bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển đa dạng dịch vụ du lịch một cách bền vững... Đó là bài học, kinh nghiệm quý báu tôi muốn gửi gắm cho ngành du lịch trên chính quê hương mình.

 

Là một quốc gia phát triển nhưng người Đức lại có nền văn hóa truyền thống lâu đời và phong phú bậc nhất châu Âu. Nước Đức tự hào với Goethe, Schiller trong văn học, là một trung tâm nhạc cổ điển với nhiều nhạc sỹ lừng danh, được xem như cái nôi của văn hóa châu Âu. Không những thế, nước Đức còn sở hữu nhiều di tích, bảo tàng về chiến tranh cũng như nghệ thuật, được mở cửa rộng rãi cho công chúng tham quan.

Có lẽ bởi vậy, khi đến thăm bất cứ thành phố nào của Đức, xen lẫn các tòa nhà chọc trời hiện đại, du khách luôn cảm nhận được sự trầm mặc, cổ kính của những công trình sánh bước cùng thời gian. Tại đây, du khách được khám phá khoảng 40 di sản thế giới, hơn 6.000 bảo tàng, nhà hát và dàn nhạc. Gần 1/3 du khách châu Âu chọn điểm đến là các thành phố ở nước Đức bởi lối kiến trúc nổi bật, kho tàng văn hóa và lịch sử đồ sộ vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, như: thủ đô Berlin, khu vực ven sông Main (Frankfurt, Wiesbaden, Mainz, Darmstadt); khu vực sông Rhine-Ruhr (Cologne, Düsseldorf, Essen), hay Hamburg, Munich và Dresden.

Không chỉ sở hữu bề dày văn hóa sẵn có, người Đức còn biết cách truyền tải và lan tỏa những giá trị đó đến du khách. Khi đến thăm Nhà thờ lớn Berliner Dom, ngoài vẻ đẹp tráng lệ, tôi còn bị ấn tượng bởi quá trình xây dựng nhà thờ, về lịch sử của hình thành Giáo hội Tin Lành ở đây. Đặc biệt, tất cả được thể hiện dễ hiểu, cuốn hút, bằng câu chuyện được minh họa thông qua hình vẽ sinh động, gần gũi, phần chú thích bằng tiếng Anh dễ hiểu. Hay trong các thành phố lớn là những khu chợ truyền thống vẫn được bảo tồn và duy trì hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân địa phương và du khách. Tại đây, bày bán rất nhiều sản phẩm thủ công, các món ăn, vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người dân Đức. Đặc biệt vào dịp Giáng Sinh, chợ truyền thống bằng gỗ trang trí lộng lẫy được dựng lên ở các nhà ga lớn, quảng trường trung tâm thành phố.

Trong hành trình của mình, tôi có cơ hội đến chợ Viktualienmarkt, Munich để cảm nhận không khí Giáng sinh khác biệt ở đây. Được thành lập vào năm 1807, Viktualienmarkt giống như một chợ buôn lớn rộng khoảng 5,5ha. Với 140 quầy hàng và cửa hàng cung cấp đồ dùng gia đình, cây cảnh, nông sản đặc trưng của Đức như hoa quả, thảo mộc, gia vị, pho mát, rượu vang, đặc biệt là hàng trăm loại xúc xích khác nhau. Đây là một trong những điểm đến được ưa thích nhất khi du khách đến Đức. Ngoài ra, nước Đức cũng có rất nhiều lễ hội, lễ kỷ niệm, hòa nhạc lớn trong năm. Sự đa dạng các sự kiện, hoạt động giải trí chính là động lực để níu kéo du khách lưu trú lâu hơn.

Bên cạnh đó, giá trị văn hóa truyền thống còn được thể hiện rõ nét qua nền ẩm thực Đức. Trong đó, Sauerkraut (Giò heo om ăn cùng bắp cải muối chua), xúc xích và bia là 3 món truyền thống nổi tiếng, nhất định phải thử khi đến Đức. Chỉ nói riêng xúc xích. Tại đây có trên 200 loại khác nhau được làm từ thịt bê, thịt heo, óc heo. Mỗi một vùng sẽ có cách chế biến rất riêng mang màu sắc đặc trưng của nơi đó. Còn với bia, đây được coi như thương hiệu mỗi khi nhắc đến nước Đức. Để tôn vinh thức uống này, người ta còn tổ chức  lễ hội bia Oktoberfest hay Canstatter Volkfest thu hút hàng triệu người tham gia. Lễ hội bia Đức không chỉ gói gọn trong nước mà đã lan rộng khắp thế giới và trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất nước này. Sở dĩ bia Đức được ưa chuộng bởi chất lượng bia luôn phải đáp ứng những tiêu chuẩn gắt gao từ khâu nguyên liệu, chế biến đến lúc ra sản phẩm. Ở Đức, hiện có hơn 1.300 nhà máy bia và 5.000 nhãn hiệu bia khác nhau. Các loại bia này được chế tạo theo Reinheitsrideot, hay "Luật thuần khiết", một đạo luật của bang Bavaria thế kỷ 16. Nhà vua đã lệnh rằng bia chỉ được ủ từ lúa mạch, hoa bia và nước. Vì thế nó luôn đảm bảo độ tinh khiết, thơm mùi lúa mạch và mang hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn.

Có thể nói, nếu các tòa nhà chọc trời là biểu tượng của sự phát triển nước Đức trên mặt đất thì phía bên dưới, hệ thống tàu điện ngầm và hạ tầng giao thông chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự văn minh, tiến bộ của đất nước này. Cùng với Nhật Bản, Đức là quốc gia có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, tiện lợi và đúng giờ nhất thế giới. Nhờ đó, tôi đã có thể di chuyển đến các địa điểm du lịch một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí nhất có thể.

Ở Đức có mạng lưới đường sắt dài 33.000km thuộc sở hữu nhà nước, để chở khách và chở hàng. Mỗi ngày, hệ thống này vận chuyển khoảng 7 triệu hành khách và chuyên chở hơn 1 triệu tấn hàng hóa. Người dân và du khách đến đây đã quen thuộc với hệ thống tàu tàu nhanh và tàu chậm. Tàu nhanh gồm có ICE và ICE Sprinter có vận tốc lên tới 320km/h. Đây là một loại tàu khá phổ biến, chạy giữa các thành phố lớn trong nước Đức và nhiều thành phố khác ở châu Âu. Tàu chậm là loại tàu có vận tốc chậm hơn, tiết kiệm chi phí, chạy liên kết với tàu nhanh qua nhiều vùng và thành phố hoặc trong nội thành. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên không đều được chính phủ Đức quan tâm phát triển với mạng lưới dày đặc. Tại ga tàu, nhất là nhà ga trung tâm của các thành phố lớn luôn được trang trí đầy màu sắc, rực rỡ và độc đáo. Một điều đặc biệt ở Đức chính là không có cổng hay người soát vé. Người dân và du khách tự mua vé qua mạng hay tại các máy bán vé tự động phù hợp với lịch trình. Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức, tính tự giác của của cộng đồng.

Đối với tôi và nhiều du khách đến Đức, điểm ấn tượng và được yêu thích nhất chính là các loại vé giá rẻ, đi được tất cả phương tiện công cộng, phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày. Nhất là ở Berlin, tại các ga tàu, bến xe bus trung tâm đều có quầy thông tin du lịch hướng dẫn và bán vé. Có nhiều loại như Day Ticket (vé ngày) giá 6,9 euro, vé Seven-Day (7 ngày) giá 29,5 euro. Ngoài ra còn có loại vé Small Group, dành cho nhóm từ 2-5 người, giá 17,3 euro dùng trong ngày. Hay giống như Tourist Card (vé du lịch) ở các thành phố lớn của châu Âu, Berlin City Tour Card là loại vé khá phổ biến với khách du lịch, cho phép đi mọi phương tiện công cộng ở khu Zone AB (khu vực tập trung nhiều danh lam thắng cảnh). Có vé loại 48 giờ giá 17,4 euro; loại 72 giờ giá 24,5 euro; loại 5 ngày giá 31,9 euro.

Trong hành trình của mình khi đến Berlin, tôi chọn loại Berlin Welcome Card giá 28,9 euro trong 72 giờ. Đây vừa là loại vé đi lại không giới hạn các phương tiện giao thông công cộng, vừa có giá trị giảm giá đến 50% cho hơn 200 điểm du lịch, bảo tàng, nhà hàng trong thành phố. Hình thức giảm giá này không chỉ thu hút du khách, kích cầu du lịch, mà thông qua cuốn cẩm nang đi kèm còn giới thiệu thông tin về các công trình văn hóa, bảo tàng lịch sử. Qua đó, mang lại những trải nghiệm thú vị, phù hợp với nhu cầu tham quan của du khách. Bên cạnh loại vé 72 giờ, Berlin Welcome Card còn có loại đi trong 48 giờ, giá 19,9 euro đến loại 6 ngày giá 42,5 euro.

Nhờ sự tiện lợi và hiện đại của hệ thống giao thông Đức, tôi đến được tất cả các địa điểm mà mình mong muốn. Hành trình 14 ngày một mình trên nước Đức trôi qua nhanh chóng. Khác với nỗi sợ hãi ban đầu, ngày trở về trong tôi chỉ còn đọng lại cảm xúc hạnh phúc, mãn nguyện: Vẻ đẹp của các công trình nghệ thuật, lối sống văn minh, hiện đại, những kỷ niệm về nước Đức. Đó chính là miền ký ức đẹp nhất, cho tôi động lực để tiếp tục bước tiếp trên những hành trình tiếp theo.

Hoàng Quỳnh

Trình bày: Tất Đạt

Bài viết có tham khảo một số thông tin, số liệu từ fvw.de, gcb.de

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu