Thông tin được PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Hội thảo khoa học Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai - Đại học Nagoya Nhật Bản lần thứ 8, ngày 14/10. Đây là dịp các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ống tiêu hóa mật tụy.
Đường tiêu hóa trên gồm khoang miệng, thực quản, dạ dày, tuyến tụy, gan, đường mật, ruột non. Những rối loạn như khó nuốt, đầy hơi, khó tiêu, trào ngược dạ dày, đau bụng, nôn khan và nôn ra máu kéo dài kèm mệt mỏi, sụt cân cảnh báo khả năng ung thư. Đường tiêu hóa dưới gồm đại trực tràng, hậu môn. Những hiện tượng như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đại tiện ra máu là dấu hiệu cảnh báo.
Ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày thực hiện khoảng 1.000 ca nội soi tiêu hóa, trong đó các tổn thương phát hiện nhiều nhất ở đại tràng, dạ dày, thực quản.
Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globacan 2020), tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày; 14.000 ca ung thư đại tràng; 3.200 ca ung thư thực quản. Song, số ca ung thư phát hiện sớm tại nước ta rất ít, đa phần vẫn phát hiện muộn.
"Như Nhật Bản một năm phát hiện khoảng 20.000 ca ung thư dạ dày sớm thì tại nước ta chỉ vài nghìn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, một tuần phát hiện được khoảng 20 ca ở giai đoạn sớm", PGS Long nói, thêm rằng ở giai đoạn sớm, bác sĩ chỉ cần cắt dưới niêm mạc qua nội soi, còn ở giai đoạn muộn hơn có thể phẫu thuật.
Các dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa dễ nhầm lẫn với các bệnh khác về đường tiêu hóa. Do vậy, khi có những bất ổn, người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay, hoặc tầm soát ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm như làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp XQ, nội soi, chụp PET/CT theo sự chỉ định của các bác sĩ.
Ý kiến ()