4
18
/
949261
Bài 1: Trường Sa không xa đâu
longform
Bài 1: Trường Sa không xa đâu

 

Hải trình 9 ngày đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có lẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất không chỉ của riêng tôi mà tất cả các thành viên trên tàu. Đó là giờ phút chia tay đầy nghẹn ngào ở đảo Trường Sa, là những con ốc biển độc đáo trở thành món quà lưu niệm quý giá, là những câu chuyện kể, cái bắt tay ấm áp nghĩa tình, là giây phút xúc động khiến ai nấy đều rưng rưng trước lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... Tất cả đã trở thành trải nghiệm không thể quên đối với mỗi người. Và hơn hết, chính là tình yêu quê hương, là niềm tự hào về những người lính anh dũng, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi vẫn nhớ, ngày nhỏ, cứ những ngày gần Tết, lớp tôi lại cùng nhau viết thư gửi các chú chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Trong trí nhớ của tôi, Trường Sa hiện lên qua lời giảng của cô giáo, qua phóng sự tôi vẫn được xem trên truyền hình. Đó là những hòn đảo đối đầu với sóng gió, hiên ngang giữa biển khơi, là vườn rau xanh mướt được các chiến sĩ chắt chiu, là những con lợn ục ịch với một chế độ chăm sóc đặc biệt. Cứ mỗi dịp viết thư như vậy, lũ trẻ chúng tôi lại vô cùng háo hức, giống như viết thư cho người thân của mình, có đứa hỏi thăm sức khỏe các chú, về khó khăn vất vả nơi đảo xa, hỏi thăm vườn rau, thậm chí còn tò mò về đàn lợn có mấy con.

Những câu hỏi ngô nghê nhưng cuối thư, hầu như ai cũng mong muốn được một lần ra thăm đảo hoặc trở thành những người chiến sĩ hải quân, canh gác vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Với riêng cá nhân, tôi luôn muốn tận mắt được ngắm nhìn biển đảo quê hương từ quần đảo Trường Sa, được hiện thực hóa những hình ảnh qua lời kể của cô giáo. Và tôi tâm niệm một điểm đến nhất định phải thực hiện trong cuộc đời: chính là Trường Sa.

Trường Sa với tôi là những kỷ niệm thân thương như vậy. Cho đến sau này, khi trở thành phóng viên, tôi lại có cơ hội được tiếp xúc gần gũi hơn với các chiến sĩ hải quân. Có lẽ ấn tượng sâu đậm khắc ghi trong tâm thức của tôi về những người lính mang sắc phục màu xanh của biển bắt đầu từ lần đầu tiên được tham gia Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1, trong hành trình mang mùa Xuân từ đất liền đến với đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô năm 2017.

Trên chuyến tàu mang số hiệu 285, thuộc Lữ đoàn 170, tôi đã gặp những người lính với tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương và dũng mãnh. Là khi con tàu rẽ màn sương trong cái lạnh cắt da cắt thịt của đợt gió mùa đông bắc để tiến đến các vùng đảo; là khi các chiến sĩ quyết đoán, xử lý những tình huống nguy cấp trên biển hay ánh mắt cương nghị, chăm chú dõi theo hải trình, đảm bảo an toàn tối đa cho các thành viên trên tàu. Chúng tôi đã thăm, tặng quà, chúc Tết Đồn Biên phòng đảo Trần, Tiểu đoàn 1 bộ binh, Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn 513 công binh đảo Trần và Trạm Ra đa 480; cùng các anh gói bánh chưng, trang trí đào, chuẩn bị đón Tết sớm. Những tình cảm chân tình, ấm áp nghĩa quân dân có lẽ là kỷ niệm mà tôi không thể quên.

Sau chuyến đi ấy, tôi càng thêm khâm phục những người lính hải quân, và từ đó, ước mơ được một lần đến với Trường Sa càng thêm thôi thúc trong lòng. Tôi tin, được đi Trường Sa là mơ ước không chỉ của riêng tôi mà có lẽ của tất cả những người con đất Việt, những người dành tình yêu đặc biệt từ đất liền cho biển đảo quê hương. Tôi đã được nghe những chia sẻ, tâm sự của không ít người, trong suốt quá trình công tác vẫn thấp thỏm, chưa được một lần ra thăm Trường Sa. Nhưng tôi hiểu rằng, để đến Trường Sa không hề dễ dàng. Không chỉ đòi hỏi sức khỏe tốt mà mỗi cá nhân đến Trường Sa cũng phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng. Và cuối cùng, niềm mong ước bao lâu của tôi đã trở thành hiện thực. Quyết định được cử đi tác nghiệp ở Trường Sa khiến tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào. Tôi biết mình vẫn còn thiếu sót, xen lẫn giữa những lo lắng và hồi hộp, tôi cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi này.

Các thành viên đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh trước giờ lên tàu ra thăm Trường Sa.
Các thành viên đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh trước giờ lên tàu ra thăm Trường Sa.

 

 

Đoàn công tác của Quảng Ninh tham gia hải trình đến Trường Sa gồm 28 người. Hầu hết đó đều là lãnh đạo các sở, ban, ngành, những người tôi đã từng hoặc chưa có cơ hội tiếp xúc trong công việc. Sau chuyến đi, tôi nhận ra, đằng sau sự nghiêm túc, có phần hơi... lạnh lùng là những người đa tài, thân thiện, hài hước. Có lẽ nếu không có chuyến đi Trường Sa, tôi không biết anh Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long là một tay câu cá cừ khôi, sẵn sàng xuất khẩu thành thơ hay xung phong cầm mic cất cao tiếng hát giữa biển trời quê hương. Tôi cũng có cơ hội được chị Bùi Thị Bính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cẩm Phả kể những câu chuyện cảm động của chiến sĩ sau những lần gặp gỡ trên đảo. Hay như thấy Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng sẵn sàng hết mình chung vui cùng anh em trong đoàn. Thậm chí, tôi còn có thêm một gia đình mới mang tên C7- căn phòng của những người anh, người chị cùng nhau trò chuyện, ăn cơm, chăm sóc nhau suốt hải trình...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng trong buổi giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Trường Sa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng trong buổi giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Trường Sa.

Không chỉ trong đoàn, sự gắn kết qua chuyến đi dài 9 ngày đã mang những người “cùng chiến tuyến”- phóng viên, quay phim từ các địa phương, đơn vị khác trở thành một đội, hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó là “cây sào” Trần Huấn phóng viên Báo Văn hóa với chiều cao nổi bật, lúc nào cũng “hai súng”, đứng ở “góc khó” chụp ảnh cho các đoàn. Đó là anh Nguyễn Nam, đồng nghiệp của anh Huấn, tác giả của những bức ảnh nghệ thuật về Trường Sa đã hướng dẫn tôi các cách chụp ấn tượng. Hay như anh Tuấn Hoàn (Đài PTTH Lạng Sơn), anh Trần Mạnh (Đài Truyền hình Việt Nam)... những phóng viên quay phim đã chia sẻ với tôi nhiều kinh nghiệm quay phim, làm truyền hình.

Và bất ngờ nhất, chính là cuộc hội ngộ “cố nhân”, người anh đã đồng hành cùng chúng tôi trong hải trình của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 năm 2017: Thiếu tá Phạm Đức Cần - Trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải Quân. Trên bến cảng Cam Ranh, anh em tôi tay bắt mặt mừng, như những người bạn thân quen lâu năm. Gặp được anh khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào. Vì anh Cần là một trong những cán bộ hỗ trợ tích cực cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp, sẵn sàng hướng dẫn, chỉ bảo và cung cấp cho chúng tôi những tài liệu cần thiết. Câu chuyện chúng tôi thêm phần rôm rả khi nhắc đến những người bạn cũ trong chuyến đi năm ấy, về quá trình công tác sau này, về cuộc sống và quan trọng hơn hết, chính là ý nghĩa của hành trình chuẩn bị ra Trường Sa. Anh bảo: “Đây là lần đầu tiên anh được ra Trường Sa. Dù đi biển đảo rất nhiều, nhưng nhắc đến Trường Sa là đã thấy thiêng liêng và tự hào lắm rồi. Vinh dự của một đời người đấy. Vì thế, anh nghĩ không chỉ với anh mà với tất cả mọi người trong đoàn, chuyến đi này vô cùng đặc biệt”.

Sau khi chụp một bức hình làm kỷ niệm, anh em chúng tôi nhanh chóng theo đoàn di chuyển lên tàu. Chỉ còn vài phút nữa thôi, đất liền sẽ khuất sau những con sóng, con tàu mang số hiệu HQ 571 sẽ đưa chúng tôi đến với mảnh đất thiêng liêng nhất của Tổ quốc, để tận mắt chứng kiến cuộc sống của người lính đảo, chia sẻ những câu chuyện chỉ có ở Trường Sa, và để biến ước mơ tuổi nhỏ của tôi, trở thành hiện thực.

Bài 2: Nơi đảo là nhà

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh - Lý Cường

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu