4
18
/
957979
Bài 2: Lan tỏa ý chí thoát nghèo
longform
Bài 2: Lan tỏa ý chí thoát nghèo

 

 

Đến thời điểm này, những tác động tích cực từ chương trình 135 đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã, thôn, bản đặc ĐBKK trong tỉnh khá rõ nét. Hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; cuộc sống của người dân được nâng lên; quan trọng nhất, các hộ đã mạnh dạn, chủ động tìm cách thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 T hực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa (chương trình 135) tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua cho thấy, nếu chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách thì khó có thể đem lại thành công, mà đi cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là sự tham gia tích cực của người dân.

 

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 135, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn ĐBKK đạt 22,16 triệu đồng/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015; 100% xã ĐBKK có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác hằng năm. Trên 93% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% các xã ĐBKK có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS, trung tâm học cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập; có trên số 90% hộ dân được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất.

Dễ dàng nhận thấy, hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân vùng ĐBKK trong tỉnh đã có những thay đổi lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đơn cử như tại thôn Khe Bốc (xã Tình Húc, huyện Bình Liêu), cách đây 2 năm còn là "ốc đảo", bởi chỉ có con đường đất quanh co, khúc khuỷu vào thôn, những ngày mưa, thôn bị chia cắt hoàn toàn. Nhà ở của người dân thì tạm bợ, cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp và hỗ trợ từ Nhà nước.

Còn giờ đây, như chia sẻ của người dân, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, tất cả bắt đầu từ con đường mới. Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, con đường bê tông dài hơn 6km vào thôn Khe Bốc sau hơn 1 năm thi công đang dần hoàn thiện, hiện chỉ còn hơn 1km vào Pắc Liêng (thôn Khe Bốc) sẽ hoàn thành trong năm nay.

Từ khi có đường mới, diện mạo Khe Bốc đã hoàn toàn thay đổi. Dọc con đường bê tông từ trung tâm xã về thôn, chúng tôi thấy, đan xen bên những ngôi nhà mái lợp fibro xi măng là những ngôi nhà mái bằng 1 tầng, 2 tầng kiên cố. Giao thông thuận lợi, bà con mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, đăng ký các mô hình sản xuất, như nuôi dê, nuôi bò, trồng quế, hồi, thông; thương lái vào tận nơi thu mua, giảm bớt chi phí vận chuyển, nên thu nhập của bà con cao hơn.

Từ một hộ khó khăn, giờ đây gia đình anh Tằng Dảu Hồng (thôn Khe Bốc) đã có cuộc sống khá sung túc với ngôi nhà 2 tầng khang trang, thu nhập ổn định. Mô hình nuôi dê của gia đình cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm quế, hồi. Gia đình anh là một trong những hộ của thôn tình nguyện hiến đất làm con đường mới. “Con đường là lối thoát nghèo duy nhất của thôn, nên tất cả mọi người ai cũng phấn khởi khi biết Nhà nước sẽ bê tông hóa 100% tuyến đường liên thôn. Người dân chúng tôi không có tiền để góp, nhưng đều tích cực hiến đất, góp sức để có được con đường đẹp như thế này. Từ khi có đường, cuộc sống bà con khấm khá hẳn. Thu nhập như gia đình tôi hiện nay, trước đây tôi không dám nghĩ tới” - Anh Hồng phấn khởi nói.

Ông Chíu Văn Thìn, Bí thư, Trưởng thôn Khe Bốc, cho biết: "Thôn hiện có 49 hộ. Nhiều hộ đã biết tận dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, của địa phương để từng bước vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Khe Bốc chỉ còn 2 hộ nghèo, là những hộ có hoàn cảnh gia đình neo đơn, không có sức lao động".

Với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, sự nỗ lực của người dân, đến nay xã Tình Húc đã hoàn thành các tiêu chí trong chương trình 135, về đích sớm 1 năm theo kế hoạch đề ra. Đây cũng là cách làm mà nhiều xã, thôn, bản trong tỉnh đang thực hiện để thoát diện ĐBKK. 

 

Đến nay, ngày càng có nhiều hộ dân ở các thôn, xã ĐBKK thay đổi tư duy, nếp nghĩ trong phát triển sản xuất, xóa bỏ tư tưởng "muốn nghèo để có hỗ trợ", thay vào đó là "muốn thoát nghèo để làm giàu". Sự đổi thay tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh, tạo động lực để cùng quyết tâm thoát nghèo.

Hộ anh Dương Văn Sùng và chị Lý Thị Xuân (thôn Pha Lán, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ), trước đây cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, do cả 2 công việc không ổn định, thiếu kinh nghiệm sản xuất, đẻ dày...


Chị Xuân cho biết: "Tôi thấy nhiều hộ xung quanh trước đây cũng là hộ nghèo, thậm chí còn khó khăn hơn gia đình tôi, nhưng nhờ mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo, rồi được xã hỗ trợ thêm về vốn, hướng dẫn mô hình phát triển kinh tế..., nên chẳng mấy chốc các hộ này đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá lên từng ngày. Vì vậy, năm 2018, vợ chồng đã quyết định viết đơn xin thoát nghèo gửi chính quyền địa phương. Cùng với sự nỗ lực của 2 vợ chồng, cũng giống như những hộ  khác, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của xã để thực hiện thoát nghèo. Hiện nay, ngoài công việc làm thuê, với thu nhập 200.000 đồng/ngày, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng 5ha keo và chăn nuôi gia cầm. Mô hình hiện cho thu nhập ổn định. Cuối năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo".

Hộ chị Xuân là hộ cuối cùng của thôn Pha Lán thoát nghèo. Cũng từ những câu chuyện như gia đình chị Xuân, đã góp phần sớm đưa thôn Pha Lán nói riêng, xã Thanh Lâm nói chung ra khỏi diện ĐBKK. Năm 2018 vừa qua, xã đã hoàn thành 2 mục tiêu lớn là hoàn thành chương trình 135 và chương trình xây dựng nông thôn. Đây là xã ĐBKK đầu tiên của tỉnh đạt được 2 mục tiêu trên. Kết quả mà Thanh Lâm đạt được đã chứng minh muốn thoát nghèo bền vững cần phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm, nỗ lực của người dân.

Hộ anh Bàn Văn Vi (thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, huyện Hoành Bộ), nhà đông con, không có kinh nghiệm sản xuất, nên gia đình anh cứ chịu cảnh nghèo mãi. Anh tâm sự: “Thấy nhiều hộ làm ăn kinh tế tốt, xây được nhà ở khang trang, mà mình cứ nghèo mãi cũng thấy xấu hổ. Vì vậy, cuối năm 2017, tôi quyết tâm vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư mô hình chăn nuôi gà, trồng quế và nhận trồng 8ha keo. Được sự hướng dẫn tận tình của xã về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mô hình chăn nuôi của gia đình phát triển khá tốt, cuộc sống khấm khá dần lên, 4 đứa con được ăn học đàn hoàng”. Cuối năm 2018 gia đình anh chính thức thoát nghèo. Anh dự định trong năm nay sẽ xây lại căn nhà khang trang hơn, sạch đẹp hơn.

Hành trình về đích chương trình 135 của Quảng Ninh chỉ còn tính bằng tháng, trong khi những khó khăn trong thực hiện chương trình này vẫn còn rất nhiều. Do vậy, những giải pháp cấp bách để đẩy nhanh tiến độ là điều cần thiết lúc này.

Thu Chung - Phạm Tăng

Trình bày: Tất Đạt

Bài 3: Quyết liệt trong chặng đường nước rút

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu