Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ đưa 12 xã cuối cùng ra khỏi diện ĐBKK và hoàn thành Chương trình 135 trước kế hoạch 1 năm. Do vậy, từ nay đến cuối năm được xác định là giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn, bất cập cho hành trình về đích trong năm nay của các địa phương, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ cấp bách.
Là một trong 6 xã thuộc diện ĐBKK chưa đạt tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo theo bộ tiêu chí của Chương trình 135, xã Lục Hồn (Bình Liêu) xác định phải tập trung tất cả các nguồn lực của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn bản để thực hiện.
UBND xã đã phân công 5 tổ phụ trách giảm nghèo ở các thôn, bản. Mỗi tổ có 5 người, do một đồng chí trưởng đoàn thể làm tổ trưởng, phụ trách 3 đến 4 thôn để truyên truyền, vận động trong hội viên, đoàn viên và nhân dân là hộ nghèo ở thôn, bản phát triển kinh tế; cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách làm; lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình để thực hiện; đồng thời, tích cực vận động các hộ tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đến nay tỷ hộ nghèo, cận nghèo của xã Lục Hồn đã giảm đáng kể. Đầu năm 2018, xã có 361 hộ nghèo, 333 hộ cận nghèo, nhưng đến hết năm 2018 chỉ còn khoảng 173 hộ nghèo, 253 hộ cận nghèo.
Để hoàn thành Chương trình 135, năm 2019 xã Lục Hồn phấn đấu đưa 145 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,08%, cận nghèo còn 15,6%, trên cơ sở lựa chọn những hộ có điều kiện thoát nghèo để tập trung hỗ trợ. Cùng với đó, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên hoàn thành tiêu chí giao thông như: Đầu tư mới, nâng cấp 16 công trình giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ người dân xây dựng 345 nhà tiêu hợp vệ sinh, 187 chuồng trại chăn nuôi...
Còn ở xã Kỳ Thượng (Hoành Bồ), hiện nay còn 2 tiêu chí cứng là giao thông và trường học chưa đạt. Trong đó, tiêu chí đường giao thông cơ bản đã xong, chỉ còn gần 4km đường trục thôn, liên thôn; 3km đường ngõ, xóm đang được cứng hóa và sẽ hoàn thành trong năm 2019.
Khó khăn nhất hiện nay của xã là tiêu chí trường học, do sự thay đổi từ tiêu chí linh hoạt sang tiêu chí cứng. Theo đồng chí Bàn Sinh Hương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng: Hiện nay, xã cũng đã hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện tất cả các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư các hạng mục, công trình của trường học trên địa bàn, chỉ cần được bố trí nguồn vốn kịp thời, xã sẽ bắt tay vào thực hiện ngay. Ngoài việc tập trung cho hoàn thành các tiêu chí trường học, xã cũng giao trách nhiệm, phân công các thành viên Ban chỉ đạo xã tăng cường đi cơ sở, nắm bắt khó khăn trong phát triển mô hình sản xuất của bà con để lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn, nhất là mô hình chăn nuôi để nhân rộng, tái đàn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm (Ba Chẽ) Hoàng Văn Thắng về kinh nghiệm từ một xã về “kép” Chương trình 135 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiệu quả của Chương trình 135 phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của cộng đồng và cán bộ cơ sở. Do vậy, thời gian qua xã đã phân công lãnh đạo phụ trách cũng như đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để có thêm kinh nghiệm, năng lực quản lý cộng đồng và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền. Từ cách làm này, đội ngũ cán bộ thôn, bản, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế, chủ động thoát nghèo. Ngoài ra, xã cũng biểu dương khen thưởng kịp thời những hộ dân tự nguyện thoát nghèo, thôn thoát nghèo tiêu biểu để làm động lực phấn đấu cho các hộ nghèo khác, thôn khác tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bàn về giải pháp để thực hiện mục tiêu hết năm 2019 không còn xã, thôn ĐBKK, đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Giải pháp trọng tâm nhất vẫn là tạo được tinh thần, quyết tâm giảm nghèo từ cán bộ đến người dân ở các thôn, xã ĐBKK, cộng với việc bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính. Hiện từ tỉnh đến cơ sở đều đang vào cuộc quyết liệt cho nội dung này.
Đối với việc bố trí nguồn lực tài chính để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản xuất, hoàn thành các tiêu chí cứng và tiêu chí linh hoạt ở 12 xã ĐBKK còn lại, ngân sách tỉnh đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các xã, thôn này. Năm 2019, tỉnh quyết định bố trí 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, huy động nguồn vốn xã hội hóa và vốn tín dụng gần 600 tỷ đồng để hỗ trợ các xã, thôn ĐBKK phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến nay các địa phương đã bắt tay vào thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án phát triển sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Trở ngại lớn nhất của các địa phương là tiêu chí trường học, do có sự thay đổi từ tiêu chí linh hoạt sang tiêu chí cứng cũng đã được giải quyết. Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Ban Dân tộc, tỉnh đã quyết định bố trí bổ sung 75 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cho các hạng mục, công trình của 10 trường học của 6 xã thuộc các địa phương gồm Hải Hà, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên để hoàn thành các điều kiện, tiêu chí đưa các xã ĐBKK hoàn thành Chương trình 135.
Đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm: Để hỗ trợ sản xuất hiệu quả, bà con mặn mà với các mô hình, các địa phương cần rà soát lại toàn bộ vùng quy hoạch sản xuất ở địa phương; xác định cây, con chủ lực phù hợp với tập quán, trình độ sản xuất của đồng bào. Từ đó, lựa chọn mô hình sản xuất; đồng thời phải có bộ máy hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên, vướng mắc ở đâu gỡ ở đó; tiến tới xây dựng mô hình nhóm, hộ gia đình, tổ hợp tác phát triển sản xuất với các cơ chế hỗ trợ về kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Tại cuộc họp sơ kết quý I/2019 toàn tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Đề án 196, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã nhấn mạnh: Chương trình giảm nghèo không nên nặng về con số hằng năm giảm bao nhiêu, mà phải chú trọng cuộc sống người dân được nâng lên như thế nào. Các hộ gia đình trẻ, có sức khỏe phải tích cực lao động, tìm việc làm ổn định tại các khu công nghiệp. Đội ngũ cán bộ cấp xã cũng phải xóa bỏ tư tưởng không muốn thoát khỏi diện 135 để hưởng phụ cấp, thay vào đó là vào cuộc một cách sát sao đối với công tác giảm nghèo. Các địa phương cần khuyến khích người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất; vận động doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để tạo việc làm cho người dân; rà soát đất đai, đảm bảo mọi người dân đều có công cụ sản xuất.
Đồng thời, cần có hình thức động viên khen thưởng kịp thời các xã, thôn thực hiện tốt các chương trình, đặc biệt là các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo để lan tỏa trong cộng đồng, trở thành phong trào tại các xã, thôn thuộc diện 135. Từ sự động viên khích lệ kịp thời để mỗi người dân nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, tham gia phát triển sản xuất, có như vậy, mọi nguồn lực, sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mới thực sự hiệu quả.
Thu Chung - Phạm Tăng
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()