Đọc sách này ta sẽ được “ôn cố tri tân” như một động hướng tinh thần cần thiết cho con người hiện đại sống trong không gian xã hội tiêu dùng, kỹ trị và văn hoá nghe nhìn đang bành trướng. Trong tổng số 114 bài viết về chuyện cũ Hà Nội có 9 bài trực tiếp viết về mùa xuân, lễ hội, tết: Đón giao thừa, Những ngày áp tết, Đêm giao thừa, Hội làng, Pháo, Giỗ Tết, Khai bút, Chơi chùa, Tảo mộ.
Riêng tôi, thích thú nhất khi đọc bài “Chơi chùa”. Theo nhà văn Tô Hoài, “Chơi chùa” (hay đi chùa, lên chùa) cũng là một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa, nói chung, và người Hà Nội, nói riêng thanh lịch. Người ta đi chùa ngay sau khi đón giao thừa (thời điểm lúc không giờ, giao nhau giữa hai năm âm lịch), đó là thời khắc đầu tiên của một năm mới, tại đó tâm thế “tống cựu nghinh tân” được thực hành một cách chân thành nhất, trải nghiệm sớm nhất, mang ý nhĩa bái vọng đất trời - bà mẹ tự nhiên vĩ đại.
Đó là thời khắc tinh khôi đất trời, thanh sạch tâm hồn, tĩnh tại tâm thế, hòa hiếu ứng xử (mở lòng) nhất trong một vòng quay 365 ngày với mỗi người. Bài Chơi chùa của nhà văn Tô Hoài được viết theo sự trải nghiệm đời sống của một người có cái nhìn dân chủ trước mọi sự vật tồn tại trên thế gian này: “Nhưng đi chùa, lên chùa, chơi chùa, mặc dầu có lệ tuần rằm, mùng một và hội chùa, nhưng cửa từ bi thì quanh năm khách thập phương với người làng đến lễ bái ngày nào cũng được.
Tết nhất chùa chiền càng rộn ràng. Các vãi đã lên nhang đèn sớm tối cả năm, người sắp về cõi càng gần gũi Phật, cả ba ngày tết hầu như thay nhau túc trực đêm ngày trên chùa. Các bác, các cô thì ngày Tết đi chùa xóc thẻ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Trai thanh, gái lịch chơi chùa làng hay chùa xa suốt mấy ngày Tết. Nhưng thăm thú danh lam thắng cảnh cửa Phật thì lại nhiều nam giới, nhất là các cụ ông”. Đọc đến đây thì tôi chợt hiểu vì sao nhà văn Tô Hoài lại viết là “chơi chùa” (hoặc “đi chùa”, “lên chùa”) chứ không viết là “viếng chùa” hay “thăm chùa”.
Phải chăng chùa là một không gian dân chủ, khoáng đạt hơn so với đình, đền, miếu? Nhà văn Tô Hoài sau đó đã giải thích: “Cái đình và cái đền, miếu khác hẳn với chùa. Đình miếu tôn nghiêm, chỉ mở cửa khi có sự, các nhà chức việc, các ông từ, ông tự vào ngày sóc vọng thắp hương, ngày hội lễ tế rước xách. Có khi họp hội đồng hay có các quan phủ, quan tổng đốc về. Khách vãng cảnh thì chỉ dạo quanh ngoài”.
Bây giờ người ta đi rất nhiều chùa ở Hà Nội, nhưng với nhà văn Tô Hoài thì chỉ có những chùa xa, chùa gần sau nên đi trong dịp Tết: Chùa Hương, chùa Quán La, chùa Láng. Bây giờ Hà Nội mở rộng, bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ và một số xã của tỉnh Hoà Bình, có 170 chùa (một “con số biết nói”), có lẽ chỉ sau Huế, có hơn 300 chùa (nổi tiếng như chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc, chùa Hồng Ân,...).
Thế nên có họa sĩ vùng Cố đô đã ví von, nếu vẽ Huế chỉ cần dùng hai màu là vàng (biểu tượng không gian Phật) và xanh (biểu tượng không gian sông Hương). Người Hà Nội dịp Tết nếu đi lễ chùa (chơi chùa, vãng chùa) thì trực chỉ trước tiên là chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bà Đá, chùa Kim Liên.
2
Nếu ngày trước lễ chùa chỉ gói trọn trong hình ảnh thơ: “Hôm nay đi Chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao” (Nguyễn Nhược Pháp - Chùa Hương), thì ngày nay giao diện của lễ chùa được mở ra vô cùng vô tận. Hướng Đông Bắc có chùa Yên Tử (gắn với tên tuổi Phật Hoàng Trần Nhân Tông),... Hướng Nam có chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính,... đều là những địa điểm tín ngưỡng - tâm linh nổi tiếng cả nước, khách thập phương trảy lễ chùa thường xuyên bốn mùa, quanh năm tấp nập.
Ngày nay lễ chùa (đi chùa, vãng chùa, chơi chùa) ngoài sắc màu truyền thống còn mang hơi hướng thời đại khi có sự tham gia của các phương tiện hiện đại (xe máy, ôtô, xuồng máy); lễ lạt mâm cao cỗ đầy, chất xúc tác phong phú (rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá,...). Lễ chùa cũng là cơ hội ngàn năm có một để giới kinh doanh phát tài vì “khách hàng là thượng đế” không ngừng gia tăng, đúng là cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.
Nhưng dễ thấy sự lễ chùa (đi chùa, chơi chùa, vãng chùa) ngày nay cũng đã biến tướng... Những hình ảnh truyền thông Nhà nước cung cấp về khối người (khoảng 5 vạn) đi chùa Tam Chúc ngay sau lệnh giãn cách được dỡ bỏ, vào độ tháng chín năm ngoái, dã khiến không ít người quan tâm lo lắng,... Rồi, trước và sau dịp Tết Nhâm Dần 2022, số người thuộc diện F0 tăng nhanh đáng lo ngại vì sự di động khó kiểm soát đám đông có tâm lý “bình thường mới” nên sinh ra chủ quan, đôi khi liều mình.
Không còn là cá lẻ khi thấy đám đông học trò nam thanh nữ tú lớp 12 thắp hương cầu khấn thần linh phù hộ may mắn, đỗ đạt vào dịp thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tín ngưỡng tự do là quyền thiêng liêng của mỗi cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ. Nhưng nếu thiếu hẳn sự tự tại và tự tin, nếu quên lãng sự cố gắng phấn đấu của bản thân mình là căn cơ thì tình hình sẽ như thế nào? Câu trả lời rõ như dưới thanh thiên bạch nhật - trắng tay, nói theo phong cách tuổi teen là botay.com!
Lễ chùa (đi chùa, chơi chùa, vãng cảnh chùa) đầu năm là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt. Trong ý nghĩa sơ khởi của nó, lễ chùa chính là thời khắc con người tiếp xúc với tự nhiên, hòa mình vào tự nhiên. Khi hòa vào tự nhiên con người sẽ được tiếp thêm năng lượng sống chuyển hóa từ vũ trụ qua con đường (“kênh”) tâm linh.
Lễ chùa đầu năm, theo khoa học tâm linh, chính là một cách đi xa (rời khỏi bản thể) để sau đó trở về tìm lại chính mình. Lễ chùa đầu năm chính là một phương cách thăng hoa, phóng chiếu tinh thần của con người sau một năm tất bật lo toan mưu sinh, cần thiết như một liệu pháp điều hòa tâm lý để di dưỡng tinh thần, tiếp thêm năng lượng sống cho một vòng quay mới trong 365 ngày mới thuận theo tự nhiên.
Ý kiến ()