Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:02 (GMT +7)
Gắn chặt phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường
Thứ 3, 16/05/2023 | 08:26:22 [GMT +7] A A
Nhận thức rõ những nguy cơ, thách thức của tình trạng ô nhiễm môi trường đối với sự phát triển KT-XH, thời gian qua Quảng Ninh luôn xác định mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, bền vững, phải thường xuyên coi trọng và gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường hiện nay, tích cực chăm lo xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường ở các cấp, ngành, đơn vị, ở mỗi địa phương và các cơ sở sản xuất…
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng đang là mối đe dọa lớn đến cuộc sống của con người. Trong khi, thói quen của nhiều người hiện nay là tất cả các loại rác, bao gồm cả thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung lẫn vào nhau mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hằng ngày đó có những loại rác thải có thể tái chế, phục vụ hữu ích cho đời sống của con người.
Hiểu được điều đó, những năm qua, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền tích cực, các tổ chức, đoàn thể đã triển khai, vận động nhân dân tích cực phân loại rác thải sinh hoạt, nhằm giữ gìn môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để kêu gọi các hội viên và gia đình thực hiện hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại gia đình, Chi hội Phụ nữ khu 2 (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) đã triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại tuyến đường 23/3. Thực hiện mô hình này, 30 hộ gia đình sẽ sử dụng 2 thùng rác/hộ để phân loại là thùng rác hữu cơ và vô cơ. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã xuống hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hội viên và các gia đình thực hiện việc phân loại rác thải, cũng như áp dụng các quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón.
Chị Lê Thị Hải (khu 2, thị trấn Cô Tô) chia sẻ: Khi nhận được thông tin triển khai mô hình, chúng tôi rất hào hứng, bắt tay vào thực hiện ngay. Nhờ sự hướng dẫn kỹ lưỡng của cán bộ hội, tôi thấy đây là mô hình dễ làm, thân thiện với môi trường. Thay cho việc dùng chung 1 túi đựng rác thải như mọi khi, tôi phân loại thành các loại rác hữu cơ như lá cây, các loại thực phẩm bỏ đi cho vào thùng rác riêng. Các loại rác thải nhựa như chai nước, túi nilon… tôi phân loại ra để có thể tái chế.
Đến thời điểm này, mô hình đã bước đầu phát huy hiệu quả rõ nét và dần đi vào nền nếp. Hiện trong các khu dân cư, đã không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra lòng đường, vỉa hè. Chị Lương Thị Huyền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 2, cho biết: Mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã giúp giảm thiểu những tác hại đối với môi trường sống, tiết kiệm chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Mô hình cũng đã nâng cao ý thức tự giác cho người dân về phân loại rác thải tại nhà, giúp cảnh quan tại các khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh cũng đã cho thấy lối sống xanh, thân thiện với môi trường bằng những việc làm hết sức đơn giản như: Tham gia dọn vệ sinh môi trường biển thông qua chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, hay nhóm tình nguyện “Vì Hạ Long xanh” bao gồm các bạn trẻ, các gia đình, các em thiếu nhi tình nguyện tham gia thu gom chai nhựa, túi nilon, vỏ hộp nhựa… tại công viên Hạ Long và phân loại theo quy định vào mỗi chiều thứ 7 hằng tuần.
Không chỉ dừng lại ở đó, còn có những mô hình sáng tạo tại các cuộc thi về bảo vệ môi trường như sử dụng vỏ mì tôm làm các vật dụng trang trí của CLB Tái chế xanh (trường Đại học Hạ Long), ý tưởng “Làm vật liệu cách nhiệt, cách âm bằng tái chế rác thải phao, xốp” của cô giáo Đinh Thị Vân, Trường THCS Dực Yên (huyện Đầm Hà), dự án “Máy thu gom làm sạch rác ngoài biển” của CLB Khởi nghiệp sáng tạo (Đại học Công nghiệp Quảng Ninh), dự án “Tour du lịch phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn” ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên của CLB Đầu tư khởi nghiệp huyện Tiên Yên…
Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh doanh độc đáo cũng đang góp phần giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Nổi bật như mô hình “Ký gửi thời trang” của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc tại phường Hà Khẩu (TP Hạ Long). Tại đây, quần áo đã qua sử dụng nhưng còn mới đến 90% đã được gửi đến cửa hàng. Sau khi sản phẩm được giặt sạch sẽ, cửa hàng sẽ trực tiếp phân loại theo từng loại quần áo, theo mùa để hợp với thị hiếu của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Các sản phẩm “second hand” này có giá từ 100-200.000 đồng đã giúp những bộ quần áo có vòng đời tuần hoàn ý nghĩa, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của thời trang đến với môi trường sống.
Hay như mô hình tái chế rác thải nhựa của HTX Green Life Hạ Long tại phường Hà Khẩu (TP Hạ Long) sử dụng các sản phẩm bỏ đi như: Vỏ chai nhựa dùng 1 lần, vải vụn, pano, áp phích… trở thành những vật dụng hữu ích như sổ tay, túi xách, chậu hoa…
Những hành động nhỏ từ mỗi người sẽ tạo ra những ý nghĩa lớn góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường sống xung quanh chúng ta.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu".
Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Để giải quyết những vấn nạn về môi trường, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo rà soát, đánh giá, nhận định những tiêu cực, tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh đã phân định rõ nhiệm vụ trong quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước; quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đất đai; quản lý, cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, tỉnh triển khai hiệu quả 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương là Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh.
Từ đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về bảo vệ môi trường như tăng cường trồng cây xanh, phục hồi các dòng sông, suối bị ô nhiễm... Các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường ở Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long cũng như việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống vịnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay; 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thuỷ sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Theo thống kê của tỉnh, tỷ lệ rác thải nhựa dùng 1 lần phát sinh từ hoạt động du lịch đến nay đã giảm 90%; tỷ lệ thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững của các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long đạt trên 94%.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống xử lý chất thải Bio-Toilet trên các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long thuộc khuôn khổ dự án “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 11/7/2015 đã kiểm soát được tải lượng ô nhiễm trực tiếp xuống vịnh.
Tỉnh cũng tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển như: Phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo, phấn đấu trồng phục hồi thêm khoảng từ 30-50ha đến năm 2030; thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như triển khai 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và bãi sá sùng tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà)...
Nỗ lực, quyết tâm cao vì một mục tiêu chung bảo vệ môi trường, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả, phù hợp để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên; trong đó tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý chất thải, nhất là chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị tập trung, KCN; cải tạo phục hồi hệ sinh thái, môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường sống. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường, huy động các cơ quan, đoàn thể, người dân cùng chung sức bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường…
Vân Anh
- Phát động “Lực lượng vũ trang huyện Hải Hà chung tay bảo vệ môi trường”
- Chung tay bảo vệ môi trường biển bền vững
- Hải Hà: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về quy hoạch, tài nguyên, môi trường
- Bảo vệ môi trường nông thôn
- Xây dựng NTM gắn với bảo vệ môi trường
- Chung tay cùng hành động
- Nâng chất tiêu chí môi trường nông thôn mới
- Hạn chế ô nhiễm môi trường từ các đơn vị sản xuất công nghiệp
- Làm sạch môi trường biển
Liên kết website
Ý kiến ()