Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 12:17 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Thứ 2, 27/11/2023 | 06:35:51 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những cơ sở quan trọng để các địa phương được công nhận về đích NTM. Vì vậy, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Chuyển biến trong tư duy, nhận thức
Việc thực hiện và đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM phụ thuộc nhiều vào yếu tố, như: Thói quen, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số (DTTS). Đối với những thôn, xã đã về đích xây dựng NTM cần chú trọng duy trì kết quả đạt được.
Các địa phương đã tích cực xây dựng các mô hình thôn đạt chuẩn NTM, vườn mẫu đạt chuẩn NTM, hộ gia đình NTM kiểu mẫu với phương châm “sạch nhà, sạch vườn, sạch đường” gắn với các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Tại huyện Bình Liêu, phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm được triển khai, duy trì tốt ở nhiều khu dân cư. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cơ bản có ý thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Huyện duy trì hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải…
Bà Lý Thị Phương (thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) thường xuyên thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Hằng ngày rác thải sinh hoạt được bà phân loại vào những thùng đựng khác nhau. Vỏ lon, chai lọ được bán phế liệu, các loại như rau củ bà dùng để ủ làm phân hữu cơ. Bà Phương chia sẻ: “Lúc đầu chưa quen thấy phân loại cũng mất thời gian, nhưng khi đã hình thành thói quen tôi thấy rất hữu ích, vừa có phân hữu cơ để phục vụ cho sản xuất, vừa có một khoản tiền từ bán phế liệu, đặc biệt hơn là bảo vệ môi trường sống quanh mình”.
Chị Giáp Thị Nghĩa (thôn Nà Làng, thị trấn Bình Liêu) thì chia sẻ: "Để giảm thiểu tình trạng rác thải thải ra môi trường, tôi được hội phụ nữ hướng dẫn thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình. Các loại rác hữu cơ như lá cây, thức ăn thừa, trái cây bị hỏng… tôi đem thu gom lại, trộn với chế phẩm vi sinh thành phân vi sinh, bón cho cây trồng. Sau khoảng 20 ngày lượng rác thải này đã cho thành sản phẩm phân hữu cơ rất an toàn cho cây trồng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM. Tỉnh đã đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thôn, bản, xã; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu xử lý chất thải cấp vùng đi vào hoạt động; 26 lò đốt rác hoạt động, đang thử nghiệm tại 9 địa phương với tổng công suất xử lý theo thiết kế là 31.983kg/h. Ngoài ra có 7 lò đốt đang đầu tư; một số địa phương đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp. Các địa phương hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Đến nay 72% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% được xử lý bằng phương pháp đốt; 2% được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost....
Một số địa phương như: Hạ Long, Ba Chẽ, Cô Tô… đã triển khai mô hình 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) phân loại rác tại nguồn, mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải. Nhiều phong trào vệ sinh môi trường được triển khai, duy trì ở các thôn, bản với sự tham gia tích cực của người dân.
Đến nay hơn 94% số hộ dân ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các địa phương tích cực vận động bà con di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; hướng dẫn các thôn xây dựng bể chứa bao gói thuốc, nhằm hạn chế tác động của thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường; số bao gói thuốc được các địa phương, cơ quan chức năng thu gom, tiêu hủy đúng quy định.
MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”, thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt; chỉnh trang cảnh quan môi trường, nhất là trồng và chăm sóc cây xanh, hoa tại các trục đường xã, thôn, ngõ xóm, khu đông dân cư, nhà văn hóa xã, thôn....; cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng vườn mẫu NTM. Đồng thời xây dựng các mô hình: Thu gom xử lý nước thải; hộ gia đình sử dụng công trình công nghệ, có sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt; phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, tái sử dụng, tái chế thành nguyên liệu đối với rác thải hữu cơ, rác thải nhựa...
Vân Anh
- Khắc phục triệt để việc phát tán khói bụi ra môi trường
- Chung tay cải thiện môi trường biển để phát triển bền vững
- Huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường
- Siết chặt việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
- Xung kích, tình nguyện chung tay bảo vệ môi trường
- Phụ nữ Đông Xá: Chung tay bảo vệ môi trường
- Chung tay bảo vệ môi trường
Liên kết website
Ý kiến ()