Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 12:26 (GMT +7)
Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững
Thứ 5, 28/03/2019 | 11:01:38 [GMT +7] A A
Với hơn 250km đường bờ biển, vùng vịnh có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, ngư trường đánh bắt rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều thế mạnh để phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm dần. Trước thực trạng này, để tái tạo, bảo vệ và phát triển NLTS, khai thác thủy sản bền vững, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm NLTS trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua là việc ngư dân sử dụng các hình thức khai thác mang tính tận diệt, như: Chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm (đăng đáy, lưới mắt nhỏ, cào, giã tôm, te xiệp, lồng bát quái…). Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Thả cá giống cỡ lớn tại khu vực nước sâu xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), tháng 4/2018. Ảnh: Việt Hoa |
Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đối với công tác quản lý khai thác, bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý NLTS. Đồng thời, ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại và các ngư cụ, nghề khai thác thủy sản có tính tận diệt trên địa bàn tỉnh.
Qua hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho hơn 67.500 lượt ngư dân. Song song với đó, từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử lý gần 3.700 vụ liên quan đến vi phạm trong hoạt động thủy sản. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo vệ, phát triển NLTS bền vững.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, các địa phương còn tích cực hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân. Đến hết năm 2018, Quảng Ninh có hơn 1.280 phương tiện với trên 3.500 ngư dân khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm, có tính tận diệt (chiếm 10% về số tàu, 18% về số lao động). Hiện toàn tỉnh đã đóng mới, nâng cấp 13 tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/NĐ-CP, đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 120 lao động. Tỉnh còn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 500 hộ ngư dân từ khai thác bằng ngư cụ cấm sang khai thác bằng lưới rê, câu, nuôi trồng, dịch vụ thủy sản. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm phù hợp không chỉ giảm các phương tiện khai thác ven bờ, mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho ngư dân.
Từ đánh bắt thủy sản bằng lồng bát quái, năm 2018 hộ bà Nguyễn Thị Màu (xã Liên Hòa, TX Quảng Yên) đã chuyển đổi sang hình thức đánh bắt phù hợp. |
Nhằm tái tạo NLTS, hằng năm các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp… trong tỉnh đều tiến hành thả hàng triệu con giống vào nguồn nước tự nhiên. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã thả được hơn 3,8 triệu con giống các loại. Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ khảo sát quy hoạch các bãi sinh sản giống thủy hải sản, vùng cấm khai thác có thời hạn trên vùng biển ven bờ. Tháng 5/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai Dự án phục hồi rạn san hô tại vùng biển huyện Cô Tô, qua đó làm phong phú NLTS, đa dạng sinh học biển, tạo nơi cư trú, sinh sản an toàn cho các loài thủy sản.
Phạm Tăng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()