Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:16 (GMT +7)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng
Thứ 5, 12/09/2024 | 09:21:17 [GMT +7] A A
Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng kinh doanh hiện đại, xuyên biên giới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TMĐT còn bộc lộ một số bất cập bởi tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng trong TMĐT, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, với sự bùng nổ của công nghệ hiện nay, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ðặc biệt, có một số đối tượng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… đã cố tình dùng nhiều “chiêu trò” để đánh bóng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Khi có khách đặt hàng, các đối tượng yêu cầu họ để lại địa chỉ, số điện thoại, sau đó liên hệ tư vấn, chốt đơn hàng rồi sử dụng các dịch vụ vận tải, bưu chính để chuyển hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động mua, bán trên không gian mạng, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Điển hình như Cục QLTT tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT nhằm kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Gần đây nhất, thực hiện Văn bản số 1355/TCQLTT-CNV ngày 31/5/2024 của Tổng cục QLTT về việc kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến, sàn TMĐT, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra đối với 4 website có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, qua kiểm tra lực lượng QLTT xác định website: https://hangnhatnoidiahalong.com, đơn vị chủ quan đã vi phạm không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không đăng ký theo quy định khi thực hiện khuyến mại và kinh doanh thực phẩm nhập lậu có trị giá 17,6 triệu đồng. Lực lượng QLTT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 32,5 triệu đồng.
Đối với các website: https://sagi.vn và https://cayxanhquangninh.com, qua thẩm tra, xác minh, lực lượng QLTT xác định 2 website trên không có chức năng đặt hàng trực tuyến. Đơn vị chủ quản đã cam kết nếu thực hiện bán hàng trực tuyến sẽ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định. Đối với website https://halongfishing.com, qua thẩm tra, xác minh xác định website trên không có chức năng đặt hàng trực tuyến. Mặt khác, đơn vị chủ quản xác nhận website này không còn hoạt động do hộ kinh doanh không có nhu cầu sử dụng.
Theo báo cáo của lực lượng QLTT tỉnh, tính đến hết tháng 6/2024, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 41 vụ/ 49 hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Lực lượng QLTT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trên 668 triệu đồng, trị giá hàng hoá phát mại 597 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm 653,35 triệu đồng.
Sở Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các lực lượng chức năng triển khai tất cả các hoạt động có liên quan đến người tiêu dùng như: Các chương trình kích cầu tiêu dùng đặc biệt “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, ‟Ngày mua sắm trực tuyến Online - Friday”; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, phát hiện hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp… Sở Công Thương cũng đẩy mạnh việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Mới đây nhất, vào đầu tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là bộ luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Thông qua hội nghị, đã giúp cho các doanh nghiệp hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù; các hành vi bị cấm; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của MTTQ và các tổ chức xã hội trong tình hình mới.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND về thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, như: Kết nối, chia sẻ thông tin tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT (sàn giao dịch TMĐT, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử...). Song song đó, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thực thi pháp luật về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, như: Tổ chức các khoá tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; thường xuyên thực hiện công tác rà soát, đánh giá các quy định, cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT; trao đổi, tiếp nhận thông tin để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động TMĐT.
Mặc dù đã có nhiều động thái tích cực, song trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến vẫn chưa thể theo kịp được nhu cầu phát triển. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để tránh gặp phải những trường hợp không mong muốn khi mua hàng online, nhất là nên lựa chọn những sàn TMĐT uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời người tiêu dùng cần hiểu rõ và có thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng. Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng cần có ý kiến, liên hệ phản ánh đến các cơ quan chức năng, như: Sở Công Thương, Cục QLTT, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết. Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()