Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:05 (GMT +7)
Bệnh nhân Covid-19 tử vong tăng ở nhiều địa phương
Thứ 6, 26/11/2021 | 14:49:13 [GMT +7] A A
Số ca mắc Covid-19 cộng đồng liên tục tăng cao trên cả nước trong những ngày qua, đáng lo ngại, số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong có xu hướng tăng trở lại trong khoảng một tuần gần đây, đỉnh điểm là 190 ca ngày 22/11, còn hôm qua (25/11) là 164 ca.
Trung bình 133 ca tử vong/ngày
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.407 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn mức trung bình của thế giới là 0,1%.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 10/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trường hợp tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trên tổng số gần 3.500 ca mắc (khoảng 1%). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 133 ca.
Ngày hôm qua, Bộ Y tế công bố thêm 164 ca tử vong tại, riêng TP Hồ Chí Minh 59 ca tử vong, trong đó có 12 người từ các địa phương khác chuyển đến.
Tiền Giang cũng có số lượng F0 tử vong khá cao trong ngày (13 người, đứng sau TP Hồ Chí Minh). Tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 toàn tỉnh đến nay là 505 người.
Địa phương này đang nỗ lực thực hiện giải pháp "đánh chặn từ xa", thận trọng phân loại F0 theo độ tuổi và mức độ nguy cơ, tập trung theo dõi F0 nặng để từng bước kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, số ca tử vong chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%).
Nhiều bệnh nhân nặng, tử vong do chưa tiêm vaccine
Về nguyên nhân số tử vong cao tại TP Hồ Chí Minh, theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, phân tích các trường hợp tử vong cho thấy số lượng không nhỏ là bệnh nhân rất nặng từ các tỉnh khác chuyển về đây.
Ngoài ra, nguyên nhân thứ 2 là số lượng bệnh nhân tử vong do mắc nhiều bệnh nền, khi kèm thêm Covid-19 thì diễn biến suy đa cơ quan rất nhanh. Điều này khiến nhân viên y tế dù nỗ lực nhiều nhưng người bệnh không qua khỏi. Đặc biệt, một số trường hợp tử vong trên 65 tuổi chưa tiêm vaccine, khi nhiễm Covid-19, diễn biến bệnh rất nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Còn tại Hà Nội, tính từ khi xuất hiện dịch đến nay, toàn TP có 44 ca tử vong do Covid-19. Thời điểm này, TP đang điều trị cho 3.219 trường hợp F0. Trong đó BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương 55 ca; BV Đại học Y Hà Nội 109 ca; BV đa khoa Đức Giang 132 ca; Thanh Nhàn 94; BV Bắc Thăng Long 42; BV Hà Đông 102; BV Gia Lâm 97; BV Mê Linh 145; BV Tâm thần Hà Nội 4; BV Quốc Oai 56; BV Chương Mỹ 103: BV Vân Đình 33; BV Phú Xuyên 108; BV Sơn Tây 18; Cơ sở điều trị KTX Phenikaa 533; Cơ sở điều trị Đền Lừ III 753; Cơ sở điều trị Thượng Thanh 752; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp 85.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm này đang có tổng cộng 428 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được điều trị tại đây. Trong đó, 76 bệnh nhân đang có diễn biến nặng và nguy kịch. Cụ thể, 45 trường hợp phải thở oxy, 31 người phải thở máy, 4 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 3 F0 được can thiệp ECMO và 13 ca lọc máu liên tục.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu thời gian tới, cơ sở y tế này tiếp tục nhận thêm bệnh nhân từ các địa phương lân cận, số F0 diễn biến nặng và nguy kịch có thể sẽ vượt mức 100 ca sau khoảng 2 tuần.
“Gần đây, mỗi ngày chúng tôi lại tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có diễn biến nặng. Đến nay, với mức điều trị của khoa Hồi sức tích cực, con số này đã tương đương với thời điểm dịch căng thẳng nhất của làn sóng thứ 4 hồi tháng 5”, bác sĩ Phúc cho hay.
Theo Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây chủ yếu là người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một mũi từ các địa phương khác chuyển đến. Đây cũng là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của họ kém hơn, dẫn đến diễn biến nặng. “Một trong những trăn trở lớn nhất của chúng tôi trong thời gian qua là rất nhiều bệnh nhân từ chối tiêm vaccine. Nhiều trường hợp trong số này là phụ nữ có thai. Việc không chịu tiêm vaccine dẫn đến diễn biến bệnh của họ rất nặng, đa phần rơi vào trạng thái suy hô hấp” – bác sĩ Phúc nói.
Theo kế hoạch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể đáp ứng được tổng cộng khoảng 500 ca thở máy. Tuy nhiên, do nhân lực y bác sĩ có hạn, tình huống này cũng sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn.
Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực khuyến cáo người dân trong thời gian tới cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có cơ hội và tiếp tục đảm bảo thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Theo Kinh tế Đô thị
Liên kết website
Ý kiến ()