Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 10:35 (GMT +7)
Biến đổi khí hậu - bài toán với ngành Du lịch
Thứ 7, 17/06/2017 | 11:34:20 [GMT +7] A A
Hơn 20 tỷ đồng là con số mà ngành Du lịch Quảng Ninh chịu thiệt hại do tác động của đợt mưa lụt lịch sử năm 2015 gây ra. Đây là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến phát triển du lịch. Chính vì thế, ngành Du lịch cần có các giải pháp cụ thể để ngăn chặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững.
Hệ quả của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu từ lâu đã không còn là khái niệm xa lạ, nhất là đối với những người làm du lịch. Hơn ai hết, họ hiểu rằng khí hậu, thời tiết chính là một trong các yếu tố quyết định đến doanh thu du lịch. Giữa những ngày hè nắng oi ả đầu tháng 5, khi lượng khách tăng cao đúng đợt cao điểm du lịch, ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Vạn chài Con đò cổ tích vẫn không giấu nổi sự lo lắng: Được mấy hôm trời nắng đẹp, lại đúng dịp cuối tuần khách du lịch đổ về nhiều. Nhưng chắc chẳng được mấy hôm, mùa hè là mùa mưa bão mà, có bão chúng tôi lại phải nghỉ. Bàn bạc biến đổi khí hậu ở đâu xa, ngay trước mắt thôi, mưa gió thất thường khiến nhiều tuyến, tour du lịch bị huỷ. Chưa kể, bão lớn còn gây thiệt hại không nhỏ về cơ sở vật chất khiến chúng tôi phải liên tục đầu tư, sửa chữa, tiêu tốn từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm tát nước gàu dây tại Khu du lịch đồng quê Yên Đức (TX Đông Triều). Ảnh: Trần Minh |
Không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, biến đổi khí hậu còn hiện hữu, tác động trực tiếp đến du lịch miền núi. Những dòng thác, con suối ở Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu là điểm du lịch thu hút khách đến tham quan. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự biến đổi khí hậu cộng thêm sự thiếu ý thức của một bộ phận khách du lịch đã khiến nguồn nước tại các địa điểm này suy giảm. Ngay tại thác Sông Moóc, xã Đồng Văn (Bình Liêu) vào giữa tháng 5 vừa qua, mặc dù đã qua mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) nhưng nắng nóng kéo dài khiến thác thiếu nước, bị thu hẹp, cả con suối trơ đá, chỉ có lác đác vài người dân quanh vùng đến tắm. Nếu nguồn nước tại các thác không được duy trì, khó có thể phát triển du lịch, xa hơn là ổn định sinh kế bền vững cho người dân.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến du lịch, cụ thể là tài nguyên du lịch; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và hoạt động lữ hành. Tài nguyên du lịch được xem là yếu tố nền tảng cơ bản cho hoạt động phát triển du lịch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến môi trường cảnh quan du lịch, thay đổi hệ sinh thái cũng như gây hư hại cho các di tích lịch sử văn hoá. Không những thế, với đặc thù phát triển du lịch biển đảo hiện nay, biến đổi khí hậu còn gây ra mưa bão, giông lốc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Thực tế đã chứng minh, trận mưa lụt lịch sử năm 2015 khiến toàn ngành du lịch thiệt hại hơn 20 tỷ đồng, trong đó, nhiều công ty vận chuyển khách và đơn vị lưu trú bị hư hỏng về cơ sở vật chất. Đồng thời các tour, hợp đồng du lịch đều bị hoãn hoặc huỷ khiến doanh thu sụt giảm từ 50-70%.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT), trong 55 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Quảng Ninh đã tăng khoảng 0,7oC. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận là 38,8oC (năm 1983) và thấp nhất là 0,8oC (năm 1999). Trong khi đó, lượng mưa có xu hướng giảm, nhưng giảm không đều và có nhiều biểu hiện bất thường. Riêng khu vực Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, lượng mưa trung bình năm lại có xu hướng tăng; nơi tăng mạnh nhất là khu vực Cô Tô. Chính vì thế, để giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu, ngành Du lịch cần chú trọng đến công tác duy tu, bảo tồn tài nguyên du lịch, chủ động tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp và du khách.
Ngoài ra, việc đa dạng hoá hoạt động du lịch ngành cũng là một biện pháp thích ứng để tạo tính linh hoạt khi xảy ra hiện tượng thay đổi khí hậu đột ngột. Theo đó, hiện nay du lịch xanh, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được nhiều địa phương hướng tới. Du lịch xanh chú trọng phát huy những giá trị tự nhiên và văn hoá địa phương, giúp du khách có nhiều trải nghiệm độc đáo và thú vị. Trong đó có thể kể đến các tour “một ngày làm nông dân”, tour “ba cùng” với nông dân kết hợp giáo dục môi trường bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định, đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng chương trình, dự án khắc phục hạn chế của biến đổi khí hậu, hướng đến du lịch bền vững. Có thể kể đến Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh” do JICA tài trợ, đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ xây dựng cơ chế tài chính phục vụ dự án; thúc đẩy các chính sách quản lý và tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy du lịch bền vững tại Vịnh Hạ Long thông qua việc cải thiện thông tin du lịch, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, thiết kế và áp dụng nhãn hiệu “Cánh buồm xanh” cho tàu du lịch; xuất bản sách về tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long.
Sắp tới, một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững được tổ chức ở Quảng Ninh chính là sự chủ động của du lịch APEC với biến đổi khí hậu. Qua đó các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các chuyên gia du lịch, diễn giả của nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã cùng nhau thảo luận các nội dung liên quan đến: Tính dễ tổn thương của du lịch và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của du lịch đến biến đổi khí hậu và ngược lại; định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch biển APEC. Đây sẽ là cơ hội để Quảng Ninh học hỏi kinh nghiệm và các giải pháp chống biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng ngành Du lịch phát triển bền vững.
DƯƠNG HÀ
Liên kết website
Ý kiến ()