Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 19:50 (GMT +7)
Biến nguy cơ thành thời cơ
Chủ nhật, 19/04/2020 | 14:43:19 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lan ra toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhu cầu công việc, cuộc sống tưởng như có nguy cơ ngừng trệ nhưng đó chính là thời cơ để các ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối trực tuyến, không gian mạng phát huy vai trò hiệu quả.
Ngày 14/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Dư luận các nước có lãnh đạo tham dự đã đánh giá cao vai trò chủ tịch và sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID -19, ngày 14/4/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong suốt thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến, họp báo liên quan. Chính phủ. Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành”, nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã áp dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành. Ngay các cơ quan báo chí trong cả nước cũng đã áp dụng tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp như phỏng vấn qua mail, điện thoại, mạng xã hội zalo hay các phần mềm đối thoại trực tuyến.
Tại Quảng Ninh, nhiều cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã áp dụng hình thức họp trực tuyến. Các công việc trao đổi, giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch, phát triển sản xuất, thủ tục hành chính, giải quyết các nhu cầu chính đáng, đảm bảo cuộc sống cho người dân, dạy học, ôn tập cho học sinh đều được áp dụng qua ứng dụng công nghệ thông tin như trực tuyến, chính quyền điện tử, hộp thư điện tử, mạng xã hội zalo, facebook.v.v. Hầu hết các ngành, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày như ngân hàng, siêu thị đều đã sớm triển khai các dịch vụ bán hàng, thanh toán điện tử đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Các siêu thị, cửa hàng ở Hạ Long được phép mở cửa những ngày cách ly xã hội có nhiều dịch vụ bán hàng online cung cấp đến tận nhà người tiêu dùng. |
Trong bản tin thời sự phát tối 14/4/2020, VTV dẫn nguồn tin từ VNPT cho biết, trong tháng 3/2020, tổng dung lượng người dùng internet cả nước tăng 90% so với tháng trước. Điều ấy cho thấy nhu cầu sử dụng không gian mạng để trao đổi, phục vụ công việc của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, nhu cầu cuộc sống, học tập của người dân đã tăng cao như thế nào trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19. Cách làm này đã mang đến tác dụng kép khi vừa bảo đảm duy trì hiệu quả công việc thông suốt, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm và phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Đáng nói hơn, qua dịch bệnh, không chỉ người dân mà không ít từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đến người dân nâng cao nhận thức về vai trò và ứng dụng của công nghệ thông tin, về chính quyền điện tử, về sử dụng không gian mạng trong công việc, mọi lĩnh vực cuộc sống hàng ngày. Nhất là chúng ta đang trong thời đại công nghệ 4.0, đang vận hành chính quyền điện tử, ứng dụng không gian mạng và cuộc sống số. Ngay cả nhiều người nông dân, người nội trợ thì qua đợt dịch Covid-19 này, những khái niệm như ship hàng, mua bán qua mạng hẳn cũng quen, thành thạo rất nhiều.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()