Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:56 (GMT +7)
Bình Liêu: Cơ cấu lại hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp
Thứ 4, 20/04/2022 | 13:51:02 [GMT +7] A A
Huyện Bình Liêu đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo người dân tổ chức lại hoạt động sản xuất bằng việc thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), liên kết phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, góp phần giảm nghèo ở địa phương.
Nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy lợi giai đoạn 2021-2025 và hằng năm. Đến nay, UBND huyện đã xây dựng Đề án phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung; đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; dự án phát triển trồng hoa chất lượng cao; dự án trồng rừng cây gỗ lớn..., làm cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư cũng như định hướng người dân thực hiện chuyển đổi các mô hình sản xuất.
Từ những định hướng chiến lược đó, huyện Bình Liêu đã lên danh mục 5 dự án ưu tiên hỗ trợ kêu gọi thu hút đầu tư, bao gồm: Dự án chăn nuôi gia súc (trâu, bò); dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; dự án trồng cây dược liệu; dự án trồng hoa chất lượng cao; dự án đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu hồi, sở và chế biến gỗ rừng trồng. Ngoài các dự án kêu gọi đầu tư, huyện phấn đấu hằng năm triển khai tối thiểu 1 mô hình khuyến nông; 3 mô hình trồng cây ăn quả, rau, củ các loại và chăn nuôi theo quy trình sản xuất VietGAP với diện tích gần 100ha.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Hiện đơn vị đang cùng với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đối với vùng sản xuất rau, củ và vùng trồng dong riềng của huyện gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ người dân thay thế, chuyển đổi trồng rừng cây gỗ lớn gắn với phát triển vùng trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ theo hướng hữu cơ.
Trong quý I/2022, toàn huyện gieo trồng cây vụ xuân được trên 1.100ha, đạt 63,1% kế hoạch năm, đạt 106% so với cùng kỳ năm 2021; trồng 109ha rừng tập trung, trong đó có 61ha cây giổi, lát, đạt 30,5% kế hoạch.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện nhanh chóng tái cơ cấu, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế thị trường, với mong muốn tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính cạnh tranh. Trước đây, mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu đầu vào là củ dong riềng từ hoạt động trồng trọt nhỏ lẻ, manh mún. Nay trước nhu cầu phát triển, tiêu thụ ngày càng nhiều của thị trường đối với sản phẩm miến dong Bình Liêu, doanh nghiệp đã liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng dong riềng và cam kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời đầu tư mở rộng thêm dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này sản xuất được 10 tấn miến dong mang thương hiệu OCOP Bình Liêu và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Với sự chủ động trong tổ chức lại hoạt động sản xuất, trên địa bàn huyện Bình Liêu đã có trên 2.000ha được đưa vào kế hoạch gieo trồng hằng năm, trong đó có gần 120ha tập trung trồng cây dong riềng; đồng thời từng bước hình thành nên khoảng 23.000ha rừng cây gỗ lớn, góp phần nâng cao chất lượng của rừng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 435 tỷ đồng, tăng trên 8% so với năm 2020. Trong quý I/2022, giá trị sản xuất các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 90 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch năm, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()