Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Đổi mới tư duy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Thứ 7, 18/12/2021 | 14:02:23 [GMT +7] A A
Cách đây hơn 10 năm trở về trước, việc người nông dân bỏ hoang đất, hoặc gặp cây gì trồng cây đấy dẫn tới thu nhập bấp bênh diễn ra khá phổ biến, thì nay từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, người nông dân đã thay đổi tư duy, có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần liên kết chuỗi và các khu sản xuất, canh tác tập trung mang lại thu nhập cao.
Dù có nhiều ưu thế vượt trội hơn hẳn về kiến thức canh tác, sản xuất nông nghiệp so với những người nông dân ở các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng hơn 10 năm về trước, việc phát triển sản xuất nông nghiệp của người nông dân TX Đông Triều cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ sản xuất, canh tác nông nghiệp loay hoay tìm cách chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nhưng vẫn không hiệu quả.
Nguyên nhân xác định là sản xuất theo lối tự phát, chưa tạo được chuỗi liên kết, chưa xác định được vật nuôi, cây trồng chủ lực… Để giúp người nông dân có bước chuyển rõ nét về tư duy trong sản xuất nông nghiệp, TX Đông Triều đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó lấy việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt.
Thực hiện phương châm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp là trụ đỡ dẫn dắt tạo sự gắn kết cùng người nông dân. Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin kiến thức cho người nông dân về thị trường, vùng nguyên liệu sạch, vấn đề kinh tế hợp tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tận dụng tối đa các thành tựu về công nghệ thông tin thông qua các chương trình ứng dụng, hoặc trang tin điện tử nhằm truyền tải các thông tin để người dân biết và dễ tiếp cận, từ đó chủ động hơn trong sản xuất, canh tác...
Gia đình ông Vũ Huy Cảnh, thôn Tân Thành, xã Việt Dân (TX Đông Triều), là một trong hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã sau khi được xã tuyên truyền, vận động đã quyết định chuyển đổi cây trồng từ cây vải sang cây na dai. Đến nay, nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP và áp dụng khoa học kỹ thuật trong thụ phấn hoa, vườn na dai trên 1ha nhà ông Cảnh không chỉ tăng về số vụ thu hoạch, mà chất lượng quả na cũng như số lượng ngày một tăng. Trung bình mỗi vụ chính trong năm đạt khoảng 10 tấn quả, số tiền thu hoạch gần 300 triệu đồng.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ ở các địa phương thuận lợi, mà ngay cả các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng đã có chuyển biến rõ nét về tư duy phát triển kinh tế.
Phong trào mỗi hộ gia đình đăng ký một mô hình kinh tế giờ đây đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến với người dân của bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà). Những khu đất rừng toàn đá và cả những cánh rừng thưa thớt ngày nào, nay đã phủ kín bằng màu xanh của cây quế, cây keo; các khu đồi cây có múi, cây ăn quả cho thu hoạch mỗi năm lên tới gần 100 triệu đồng.
Từ phong trào mỗi gia đình một mô hình trồng cây có múi, nhiều gia đình bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, đã cải tạo đất đồi để trồng cây cam, bưởi. Sau gần 3 năm, nhiều vườn cam, bưởi đã cho thu hoạch, bước đầu cho kết quả khả quan. Đây thực sự là bước tiến quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của người dân trên địa bàn xã Quảng Lâm.
Bà Trạng Thị Mai, bản Tài Lý Sáy, cho biết: “Người dân trong bản trước đây nghèo lắm, nhưng từ khi xây dựng NTM, được cán bộ tận tình hướng dẫn, bà con trong thôn bảo nhau cải tạo đất đồi trồng cây ăn quả, giờ bản tôi không còn hộ nghèo, tôi vui lắm và cố gắng làm để ngày càng giàu hơn”.
Có thể nói, với tư duy mới, cách làm mới, người nông dân đã biết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()