4
18
/
887140
Buồn, vui chuyện thưởng tết
longform
Buồn, vui chuyện thưởng tết

 

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Bên cạnh những doanh nghiệp dự kiến sẽ thưởng tết cao, cũng có nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm nguồn để chi.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2019, thưởng tết được chia ra ở hai khu vực: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) và doanh nghiệp ngoài KCN. Cụ thể, ở trong KCN, các doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng bình quân là 2,2 triệu đồng/người; các doanh nghiệp FDI có mức thưởng bình quân 5,1 triệu đồng/người. Trong đó, đơn vị có mức thưởng cao là: Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (đạt 38 triệu đồng/người); Công ty TNHH KHKT Texhong Việt Nam, Công ty TNHH Hóa công nghiệp Triển Bằng (đạt 35 triệu đồng/người); Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật CL (đạt 15 triệu đồng/người)... 

Hằng năm, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long đều lên kế hoạch lương thưởng Tết trước một tháng cho CNLĐ

Hằng năm, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long
đều lên kế hoạch lương thưởng tết trước một tháng cho CNLĐ.

 

Chị Đỗ Thị Thảo, Phân xưởng 2, Công ty TNHH Texhong Ngân Hà phấn khởi chia sẻ: Thông lệ hằng năm, Ban lãnh đạo công ty sẽ lên kế hoạch lo tết cho người lao động từ trước đó 1 tháng và cứ tháng 1 đầu năm tiến hành nâng lương, bố trí xe đưa đón hàng nghìn CNLĐ ở xa về quê ăn tết. Thưởng tết cho người lao động mức 6 triệu đồng/người trở lên cùng với 1 phần quà. Công ty thanh toán lương, thưởng đầy đủ trước tết. Vì thế, CNLĐ rất yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp ngoài KCN, thưởng tết cũng được chia ra 4 nhóm. Trong đó: Nhóm Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thưởng mức bình quân 5,7 triệu đồng/người; các doanh nghiệp dân doanh dự kiến mức thưởng bình quân 3,6 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI ngoài KCN mức thưởng bình quân là 6,572 triệu đồng/người.

Nhóm cuối cùng là khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước, chiếm đa phần là các đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Theo Công đoàn TKV, năm 2019 ngành đảm bảo tiền lương với mức trên 10 triệu đồng/người/tháng cho người lao động. Tiền thưởng tết phổ biến từ 5-10 triệu đồng/người. Nhiều đơn vị chi lương tháng thứ 13 khoảng 10 triệu đồng/người. Cao nhất là Công ty Than Dương Huy với mức thưởng và lương tháng thứ 13 khoảng 20 triệu đồng/người; thấp nhất là một số đơn vị cơ khí ở mức 3 triệu đồng/người.

Công ty than Dương Huy có mức thưởng và lương tháng thứ 13 khoảng 20 triệu đồng/người - mức cao nhất trong các đơn vị trực thuộc Tập đoàn TKV.

Công ty Than Dương Huy có mức thưởng và lương tháng thứ 13
khoảng 20 triệu đồng/người - mức cao nhất trong các đơn vị trực thuộc Tập đoàn TKV.

 

Bên cạnh thưởng, ngành Than cũng có những chế độ chăm lo tết cho người lao động. Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam dự kiến chi trên 2 tỷ đồng cho 2.008 CNLĐ (mức 1 triệu đồng/người), trong đó có 1,8 tỷ đồng thăm 1.800 CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chuyên môn của Tập đoàn dự kiến chi 1 tỷ đồng thăm 1.000 CNLĐ (mức 1 triệu đồng/suất) trong đó có 900 CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị hỗ trợ vé xe cho CNLĐ về quê ăn tết với mức tối thiểu 200.000 đồng/người. Một số đơn vị đã đặt mua trên 20.000kg miến dong, gà và một số sản phẩm OCOP của tỉnh cho người lao động đón Tết.

Bên cạnh các doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng tết cho công nhân, thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong quá trình lên phương án trả lương và thưởng tết. Bởi thực tế, không ít doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nợ lương nhiều tháng nay.

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, chúng tôi đã đến “xóm lâm nghiệp” ở thôn Miếu Bòng, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), đây là nơi cư ngụ của hàng chục công nhân đang làm việc tại Đội trồng rừng Than Thùng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí. Anh Nguyễn Văn Giáp (36 tuổi), Đội phó Đội trồng rừng Than Thùng, chia sẻ: Đã 6 tháng nay tôi chưa nhận được một đồng lương nào. Do công ty khó khăn quá vì không còn nguồn gì chi trả, nên mọi người đành phải thông cảm, nếu không thì cũng bỏ hết rồi. Trước đây đội có 4 người, gồm có 1 đội trưởng, 1 đội phó và 2 bảo vệ. Vì khó khăn nên 2 người đã nghỉ, chỉ còn tôi với 1 bảo vệ bám trụ. Ngay bản thân tôi cũng bị nợ lương từ tháng 7/2018 đến nay, khoảng 30 triệu đồng.

Chị Trần Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ trồng rừng (thuộc Đội Than Thùng) với thâm niên 15 năm công tác thì tâm sự: Đặc thù của nghề trồng rừng là giao khoán, thường 6 tháng mới được thanh toán một lần. Trước đây công ty ứng tiền cho mọi người vào mỗi tháng, nhưng giờ khó khăn quá, nên không còn ứng nữa. Tôi trụ lại để theo đóng BHXH nhưng công ty cũng đang nợ.

Tính đến thời điểm tháng 12/2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí có tổng số 45 lao động, trong đó có 17 người bị nợ lương từ 6 tháng trở lên, với tổng số tiền 468,9 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Văn Thành cho biết: Giai đoạn này công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn vị thiếu vốn sản xuất, các dự án không được ngân hàng cho vay, riêng tiền thuế đất đang nợ trên 4 tỷ đồng; nợ lương, BHXH gần 1 tỷ đồng. Tình trạng nói trên của công ty khiến người lao động gặp không ít khó khăn. Nhiều cán bộ từ lãnh đạo đến cấp quản lý đội đã viết đơn xin nghỉ để tìm việc mới, thậm chí tiền điện, nước hàng tháng lãnh đạo phải bỏ tiền túi ra chi trả. Vì thế, doanh nghiệp rất mong tỉnh sớm thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình 2 thành viên, tìm kiếm đối tác đủ tiềm lực đầu tư vực dậy, làm thay đổi đời sống cho người lao động.

Tương tự, tại Công ty CP Sửa chữa tàu biển Nosco - Vinaline (xã Tiền Phong, TX Quảng Yên) cũng có hàng chục CNLĐ chưa nhận được lương nhiều tháng qua. Anh Nguyễn Văn Dụng, làm việc tại Phân xưởng Cơ giới, cho biết: Đến thời điểm giữa tháng 1/2019 tôi vẫn bị công ty nợ lương với tổng số tiền khoảng 30 triệu đồng. Nhiều công nhân làm việc không được trả lương đã phải nghỉ, bản thân tôi cũng muốn bỏ việc, nhưng nghỉ rồi sợ mất trắng tiền lương nên vẫn cố làm. Giờ tôi chỉ mong công ty thanh toán lương để lo cho gia đình, còn thưởng tết thì không dám nghĩ đến.

Được biết, Công ty CP Sửa chữa tàu biển Nosco - Vinaline không chỉ nợ lương mà còn là đơn vị dẫn đầu tỉnh về nợ đọng BHXH, tính đến hết tháng 12/2018, công ty nợ trên 5 tỷ đồng. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo công ty, nhưng không nhận được sự hồi đáp.

Công việc nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn nguy hiểm nhưng CNLĐ Công ty CP Sửa chữa tàu biển Nosco-Vinalines vẫn bị nợ lương nhiều tháng qua.

Công việc nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn nguy hiểm nhưng CNLĐ Công ty
CP Sửa chữa tàu biển
Nosco-Vinalines vẫn bị nợ lương nhiều tháng qua.

 

Trên thực tế, đây chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp đang nợ lương người lao động. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh cần rà soát, quan tâm đôn đốc các doanh nghiệp khó khăn, nợ lương, để sớm bố trí nguồn chi trả cho người lao động. Các địa phương, tổ chức công đoàn cũng cần kịp thời quan tâm, động viên CNLĐ ở các doanh nghiệp khó khăn, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt.

Bài, ảnh: Trung Anh - Dương Trường

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu