Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:10 (GMT +7)
Các công ty Trung Quốc chạy đua phát triển AI để 'giao tiếp' với người đã khuất
Thứ 7, 14/10/2023 | 07:38:55 [GMT +7] A A
Nhiều công ty Trung Quốc hiện nay đang tham gia cuộc đua phát triển griefbot đáp ứng nhu cầu kết nối với người thân đã mất. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo việc này có thể gây nên sự phụ thuộc quá mức, lạm dụng sai mục đích hoặc cả những vấn đề về đạo đức.
Trong bom tấn khoa học viễn tưởng The Wandering Earth 2 (Lưu lạc địa cầu 2) oanh tạc phòng vé Trung Quốc năm nay, có chi tiết một nhà khoa học cố gắng tạo ra bản sao kĩ thuật số của người con gái đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Những tưởng đó là điều chỉ có thể thực hiện trên màn ảnh, nhưng sự phát triển nhanh chóng của AI đã dần hiện thực hoá mong muốn lưu giữ ký ức một cách sống động nhất có thể của con người.
Tận dụng làn sóng phát triển của AI, các doanh nghiệp Trung Quốc đang mạo hiểm bước chân vào thế giới griefbot - công nghệ tái hiện hình ảnh người đã khuất, mô phỏng hành động và cách nói chuyện thông qua các đoạn ghi âm và video được cung cấp.
Zhang Zewei - người sáng lập công ty AI Super Brain cho biết: “Mọi chuyện bắt đầu từ yêu cầu của một người cha muốn sử dụng AI để kết nối với người con trai đã qua đời vì tai nạn xe hơi”. Cho đến nay, Super Brain đã hoàn thành hơn 400 đơn đặt hàng, chủ yếu phục vụ những khách hàng muốn tưởng nhớ thành viên đã mất trong gia đình. Trong khi một đoạn video có giá vài trăm nhân dân tệ thì chatbot (công cụ trò chuyện) tuỳ chỉnh có giá từ 50.000 - 100.000 nhân dân tệ (khoảng 167 - 340 triệu VNĐ), Zhang tin rằng chi phí phát triển này sẽ giảm trong tương lai.
Mặc dù các chuyên gia thừa nhận những hình ảnh AI như vậy mang lại sự an ủi nhất định nhưng cũng đi kèm một loạt thách thức khác. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhân vật kĩ thuật số có thể ảnh hưởng đến cảm xúc tiếc thương bình thường hoặc có thể bị lạm dụng sai mục đích.
Theo Tang Suqin - giáo sư tâm lý học tại Đại học Thâm Quyến chuyên về tư vấn những nỗi đau sau mất mát nói: “Sự thịnh hành của các chương trình do AI hỗ trợ phản ánh mong muốn tự nhiên của chúng ta, đó là vẫn giữ được mối liên hệ với những người đã ra đi”. Nhưng cô cũng cho rằng, một cá nhân chỉ có thể đương đầu với mất mát khi dũng cảm chấp nhận sự ra đi, vượt qua nỗi đau và thích nghi với cuộc sống mới.
Gần đây, một người dùng họ Wu gây chú ý trên mạng với những đoạn phim ghi lại cuộc trò chuyện hằng ngày của anh này và người bà đã qua đời nhưng được “hồi sinh” bằng griefbot. Mặc dù thu về 860.000 lượt xem, video vẫn gây ra những phản ứng trái chiều. Có nhiều người coi đây là cách tưởng nhớ một cách chân thành, những cũng không ít người cho rằng việc này thiếu tôn trọng đối với người đã khuất.
Trên khắp Trung Quốc, Super Brain của Zhang Zewei không phải là nơi duy nhất phát triển các sản phẩm ảnh kỹ thuật số bằng cách tận dụng công nghệ tiên tiến. Vào tháng 4/2023, Tân Hoa Xã đưa tin rằng Silicon Intelligence, một công ty có trụ sở tại Nam Kinh, có thể tái tạo chân thực lại hình ảnh của ai đó thành phiên bản kĩ thuật số chỉ bằng video clip dài 1 phút. Sau đó, người dùng có thể tương tác với các bản sao này trên nền tảng của công ty.
Cùng tháng đó, Tập đoàn quốc tế Fu Shou Yuan - nhà điều hành tang lễ hàng đầu ở Trung Quốc, cho biết họ đã bắt đầu xây dựng các đài tưởng niệm kỹ thuật số trên dịch vụ đám mây của mình. Đến tháng 6, công ty thậm chí còn cho trình làng griefbot của một bình luận viên truyền hình quá cố để minh họa khả năng mô phỏng các tương tác trong đời thực của công nghệ này.
Theo Zhong Ping - người sáng lập Iceberg Data, một công ty đang muốn dấn thân vào thế giới mới mẻ này, ngoại hình và giọng nói của hình ảnh mô phỏng sẽ được xây dựng bằng các công cụ nhân bản do AI hỗ trợ, các mô hình AI chuyên dụng hơn sẽ được phát triển để lồng ghép ký ức, tính cách và cảm xúc.
“Giờ đây, bạn có thể sao chép hoàn toàn giọng nói của ai đó bằng một mẫu âm thanh chỉ từ 5 - 10 giây. Thay vì cần đến 10 - 20 phút âm thanh như các công nghệ trước đó”, Zhong giải thích.
Một trong những cột mốc có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này là sự xuất hiện của ChatGPT, cung cấp khả năng suy luận phức tạp hơn. Zhong cho biết: “Không giống như các mô hình trước đây phụ thuộc nhiều vào các câu trả lời dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn, ChatGPT có thể suy ra các câu trả lời một cách tự nhiên hơn”. Anh nói thêm, bằng cách nhập đủ dữ liệu cá nhân, hình ảnh mô phỏng griefbot của một người đã qua đời có thể đạt được độ chân thực và chiều sâu vượt trội.
Trong những tháng gần đây, Zhong đã phát triển thêm một số chatbot ảo dựa trên nhật ký, sách và thông tin cá nhân khác, trong đó có một chatbot được mô phỏng theo chính người ông đã khuất và thậm chí có thể cùng Zhong thảo luận các vấn đề trong sách mà anh đọc.
Zhong Ping cho rằng, những gì mà các griefbot mang lại vượt xa sức mạnh công nghệ của chúng. Mặc dù người ông "AI" không có giọng nói hoàn toàn giống thật, nhưng khi tương tác vẫn khiến anh cảm thấy rất xúc động.
Đối với nhiều khách hàng của Super Brain, Zhang Zewei cho biết hình ảnh griefbot mang đến cơ hội hiếm có để nói lời từ biệt và xoa dịu nỗi đau mất mát của họ. Tuy nhiên, vì griefbot vẫn chưa hoàn thiện và không mang lại sự ấm áp thực tế, công ty của Zhang đã giới thiệu một dịch vụ tư vấn kết hợp giữa AI và con người để giải quyết hạn chế này. Trong khi bản sao AI mô phỏng hình dáng và giọng nói của người đã khuất, một nhà trị liệu tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp sẽ là người trực tiếp dẫn dắt cuộc trò chuyện. “Điều này đảm bảo các tương tác chân thực và được kiểm soát tốt hơn”, Zhang nói.
Ngoài ra, một thách thức đáng kể trong việc phát triển griefbot là phải làm sao để có thể truy cập dữ liệu cá nhân của người đã khuất một cách toàn diện để đào tạo các mô hình AI hiệu quả. Việc thu thập dữ liệu này không chỉ phức tạp mà còn liên quan đến các vấn đề về quyền riêng tư và tiêu tốn nhiều công sức cũng như chi phí.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()