Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:50 (GMT +7)
Cẩm nang sử dụng máy rửa bát: Cỗ máy giải phóng sức lao động nhưng không dành cho người lười!
Chủ nhật, 06/02/2022 | 17:05:50 [GMT +7] A A
Không ít người tin rằng, mua máy rửa bát nhàn đâu không thấy, cuối cùng lại tự biến mình thành nô lệ đi phục vụ ngược lại cho nó!
Giống với máy giặt, máy sấy hay các loại máy móc nói chung, máy rửa bát (hay máy rửa chén) cũng là một phát minh vĩ đại giúp giải phóng sức lao động của con người, đồng thời tăng năng suất và hiệu quả công việc. Ở các nước phát triển người ta đã bắt đầu dùng máy rửa bát từ thế kỷ 19, tuy nhiên, với người Việt Nam thì đến giờ vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.
Vì máy rửa bát có giá khá cao nên việc tìm hiểu và cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định mua một chiếc cũng là điều dễ hiểu. Sau khi đã sử dụng máy rửa bát liên tục trong nửa năm qua thì tôi có lời khuyên cho các bạn thế này: Nếu bạn là người lười thì đừng mua máy rửa bát – sẽ vừa tốn kém lại rước bực dọc vào người. Thật đấy!
Nghe thì có vẻ như rất mâu thuẫn, vì máy rửa bát sinh ra là để đỡ việc chân tay, và đối với người lười thì lại càng cần chứ?
1. Có máy rửa bát không có nghĩa là không cần phải rửa bát nữa
Có nhiều đồ không thể rửa bằng máy rửa bát, nếu không sẽ chóng hỏng hoặc biến dạng. Đồ dùng bằng nhôm có thể phản ứng với hóa chất tẩy rửa gây xỉn màu, nhựa không chịu nhiệt bị biến dạng do máy rửa bằng nước nóng, đồ chống dính hoặc các loại chén bát mạ vàng bị bong lớp chống dính, mất hoa văn... vì áp lực nước lớn.
Với những món đồ này chúng ta vẫn cần phải rửa bằng tay, vì vậy nếu như bạn nào đã lười lại còn muốn chế biến sinh tố bằng máy xay, hay nấu nướng bằng chảo chống dính thì chắc chắn sẽ phải xắn tay lên mà rửa theo cách truyền thống.
2. Mất thời gian học cách xếp đồ
Một số người cho rằng mua máy rửa bát là có thể tống cả mâm bát đũa vào máy và an tâm nghỉ ngơi. Đây là quan niệm sai lầm, bởi vì muốn máy rửa bát đạt hiệu quả cao thì chúng ta cần phải sắp xếp bát đũa, nồi chảo một cách tương đối khoa học để các tia nước có thể "bắn tới". Nếu chỉ quăng bừa đồ vào máy sẽ làm cho không gian bị lãng phí, và/hoặc gây cản trở tới hoạt động của các cánh tay phun.
Việc sắp xếp đồ trong máy rửa bát không có một quy tắc, quy định cụ thể nào cả mà chúng ta phải tự "học hỏi", thử nghiệm. Cùng một lượng bát đũa nhưng người A bố trí tốt thì sẽ đủ chỗ, trong khi người B lại để thừa vài món bên ngoài không nhét thêm vào được, hoặc để đồ nọ lấp đồ kia khiến chỗ sạch chỗ bẩn...
Quá trình học hỏi, loay hoay này sẽ khiến những người thiếu kiên nhẫn phải thấy phát bực, còn nếu bạn đã có máu lười trong người thì càng nhanh chán nản.
Xếp bát đĩa vào máy rửa bát như thế nào?
3. Phải nhớ để vệ sinh máy thường xuyên
Logic của những người lười là càng ít phải nhớ việc sẽ càng tốt. Tuy nhiên, trong máy rửa bát có một bộ phận gọi là... cái lọc rác. Đây là nơi giữ lại những mảnh thức ăn, xương xẩu (còn bám dính trên bát đĩa trước khi rửa) và ngăn không cho chúng lọt vào đường nước thải để tránh làm tắc ống. Do đặc thù công việc của nó nên chỗ này rất dễ bốc mùi khi thức ăn thừa bị vi khuẩn phân hủy, và là nguyên nhân khiến cho máy rửa bát bốc mùi khó chịu.
Trong rất nhiều hội nhóm máy rửa bát trên mạng xã hội từng có không ít người thắc mắc: vì sao máy rửa bát của họ phát ra mùi hôi kinh khủng. Đến khi được mọi người hỏi han, tư vấn sâu thêm thì mới biết là cả năm không bao giờ vệ sinh bộ lọc rác.
Các bạn ạ, mua máy rửa bát là phải nhớ thêm một chỗ cần phải thường xuyên cọ rửa đấy!
4. Thêm thao tác trước khi vận hành
Mua được máy rửa bát đã không phải đơn giản (vì tốn kém), nhưng sử dụng nó thì cũng khá "nhiêu khê". Muốn nó "sống lâu, hoạt động tốt" thì các bạn cần phải học thêm thói quen tráng bát đĩa, gạt thức ăn thừa trước khi xếp vào máy. Những mảnh thức ăn thừa nếu không được loại bỏ sẽ có thể làm tắc đường ống thoát nước thải, hoặc nhẹ hơn thì mắc lại ở bộ lọc rác và phân hủy, gây ra mùi hôi nếu không được vệ sinh thường xuyên.
Mình biết có những bà nội trợ còn cẩn thận đến mức tráng bát đũa tới mấy lần rồi mới cho rửa máy – nhưng số này không nhiều. Những người lười biếng thì chỉ nghe tới công đoạn "thêm việc" này là đã oải lắm rồi, thà rửa tay luôn cho xong – phải không nhỉ?
5. Máy rửa xong rồi, nhưng nào đã hết việc?
Giả sử các bạn đã mua máy, và vì tiếc số tiền bỏ ra nên "cố gắng hết công lực" khắc phục thói lười để định kỳ vệ sinh lọc rác, gạt đồ ăn thừa, sắp xếp bát đũa tỉ mẩn và gọn gàng để máy chạy tốt – thì vẫn chưa phải là đã xong. Khâu lấy bát đĩa (đã được rửa sạch) ra và cất đi cũng tốn thời gian.
Nói không ngoa chứ mỗi lần cất đồ là tôi mất cả chục phút đồng hồ vì bát đĩa khá nhiều do gom 2 ngày mới rửa một lần. Nào là cúi lên cúi xuống, bê cái này đặt sang chỗ kia... Có những lần phát hiện ra còn bị bám bẩn thì phải tự cọ rửa lại bằng tay.
Hãy hỏi những người lười xem họ có muốn vừa mất tiền mua máy rồi lại còn rước thêm việc vào người không?
6. Hỏng hóc thì có mà khóc
Việc đồ điện tử lăn đùng ra hỏng bất ngờ là khó tránh khỏi, và máy rửa bát còn là thiết bị gia dụng đắt tiền nữa kìa! Nếu một ngày xấu trời bạn bật máy lên và nó không hoạt động, báo lỗi tùm lum vì đủ thứ nguyên nhân như hỏng bơm, tắc đường nước hay thậm chí bị chuột bọ phá phách thì sẽ tốn khá tiền và thời gian gọi thợ - bởi chẳng mấy ai có thể và có gan tự tháo máy ra lọ mọ sửa chữa tại nhà. Và với người lười thì càng chẳng có nhu cầu "em yêu khoa học" luôn ý chứ!
Tổng kết
Nghe vô lý nhưng lại vô cùng thuyết phục – chắc chắn sẽ có người đồng tình với tôi rằng những người "đại lãn" thành thần thì đừng dại mà mua máy rửa bát về! Nhàn đâu không thấy, lại tự biến mình thành nô lệ đi phục vụ ngược lại cho nó! Còn nếu bạn không ngại những vấn đề tôi đã kể trên thì còn ngần ngại gì nữa mà không sở hữu lấy một chiếc máy rửa bát để được tiếp cận với văn minh nhân loại!!!
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()