Tất cả chuyên mục

Chương trình OCOP đã đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh dần trở thành hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã cải tiến, chủng loại đa dạng... Nhiều sản phẩm đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Tuy nhiên, để có hướng phát triển bền vững cho nông sản, tỉnh vẫn cần tập trung tháo gỡ một số khó khăn, bất cập.
[links()]
![]() |
Sản phẩm củ cải phên Đầm Hà đang được bán với 2 mức giá khác nhau trên cùng 1 trọng lượng. |
Quảng Ninh hiện có 210 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của 180 tổ chức kinh tế sản xuất. Trong đó, 30 sản phẩm OCOP đã được đăng ký bảo hộ. Từ con số trên cho thấy, số lượng các sản phẩm đã đăng ký bảo hộ còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 13,3% tổng số sản phẩm hiện có. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản địa phương dễ bị làm giả, làm nhái cũng như hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường.
Cuối tháng 11 vừa qua, huyện Bình Liêu đã đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” trong thời gian 1 năm đối với cơ sở sản xuất miến của ông Trần A Chiu, tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động, do vi phạm quy định bảo vệ uy tín và danh tiếng của sản phẩm. Đồng thời, thu hồi toàn bộ tem, nhãn mác, bao bì mang nhãn hiệu của cơ sở này. Trước đó, ngày 26/11/2017, Đội Quản lý thị trường số 10 đã phát hiện hộ ông Chiu thu mua 30,2 tấn củ dong từ huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để sản xuất "Miến dong Bình Liêu".
Theo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” của UBND huyện và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 218279 (được cấp theo Quyết định 2393/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN), hành vi này vi phạm về quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” đã được cấp cho huyện Bình Liêu, làm tổn hại uy tín, danh tiếng của sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ. Nếu tiếp diễn vi phạm, hộ sản xuất này sẽ bị thu hồi vĩnh viễn quyền sử dụng nhãn hiệu.
Từ câu chuyện nêu trên cho thấy, vấn đề quản lý, sử dụng nhãn hiệu sau khi được bảo hộ là một điều đáng bàn. Trong đó, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu bảo hộ của các đơn vị sản xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất tự ý thức trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát triển nhãn hiệu cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định.
![]() |
Khoai lang sấy Móng Cái - Một trong số các sản phẩm chưa tham gia cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP, nhưng vẫn in trên bao bì nhãn hiệu OCOP. |
Theo văn bản quy định của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh, các sản phẩm xếp hạng từ 3 sao trở lên tại Hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP Quảng Ninh được sử dụng nhãn hiệu OCOP trên bao bì sản phẩm. Như vậy, Quảng Ninh chỉ có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao được sử dụng nhãn hiệu OCOP. Trong khi đó, rất nhiều sản phẩm chưa được xếp hạng, mới đưa vào sản xuất hoặc đăng ký tham gia chương trình đã sử dụng nhãn hiệu OCOP. Trong đó, có thể kể đến một số sản phẩm như: Nước mắm Cái Rồng của Công ty CP Nước nắm Cựu chiến binh Vân Đồn, khoai lang sấy Móng Cái của HTX Nông Lâm Ngư nghiệp Thái An, tinh dầu hồi Tuệ Lâm…
Tại Hội chợ OCOP lần thứ V-2017, UBND tỉnh yêu cầu bố trí các khu vực riêng biệt với biển hiệu rõ ràng trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP và sản phẩm chưa tham gia. Tuy nhiên, hầu hết các gian hàng tham gia Hội chợ đều không thực hiện quy định. Tình trạng này không chỉ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu OCOP nói riêng và các sản phẩm OCOP nói chung.
Huyện Bình Liêu tổ chức công bố thu hồi nhãn hiệu "Miến dong Bình Liêu" đối với cơ sở vi phạm. Ảnh: Trúc Linh |
Bên cạnh đó, tình trạng không đồng nhất về giá bán hiện nay cũng có nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời thể hiện sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu minh bạch của sản phẩm. Đơn cử như củ cải phên Đầm Hà, tại Trung tâm OCOP Hạ Long (khu vực sân Siêu thị BigC Hạ Long) sản phẩm có giá là 45.000 đồng/gói loại 250 gram, song tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tháng 9/2017 lại được bán với giá 25.000 đồng/gói với cùng trọng lượng. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá cả sản phẩm, hướng dẫn các đơn vị tính toán chi phí hợp lý, hình thành giá bán thống nhất, nghiêm cấm việc tăng giá bán gây bức xúc cho người dân. Có như vậy, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh mới có được chỗ đứng vững chắc.
Bà Lê Thị Mai Linh, Đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc bán lẻ, chúng tôi đánh giá cao các sản phẩm OCOP Quảng Ninh về chất lượng tốt, chủng loại, đặc trưng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang thiếu các thủ tục pháp lý. Một số sản phẩm có chất lượng rất tốt như: Giò chả Quang Dần, bánh gật gù Tiên Yên… nhưng chưa quan tâm tới mẫu mã, bao bì, kiểu dáng. Để cạnh tranh được với thị trường hiện nay, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất phải chú trọng đến mẫu mã, bao bì, kiểu dáng cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến các sản phẩm.
Cao Quỳnh
Ý kiến ()