Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:21 (GMT +7)
Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
Thứ 5, 29/07/2021 | 06:11:00 [GMT +7] A A
Ngày 27/7/2016, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 12/2016/NQ-HĐND hỗ trợ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Sau gần 5 năm thực hiện, chính sách này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, khi chính sách hỗ trợ đã hết hiệu lực, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tập trung lại gặp khó khăn.
Cơ sở giết mổ tập trung Thái Hòa tại phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, được đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2005 với công suất giết mổ 500 con lợn/ngày đêm. Theo quy trình, tất cả lợn đầu vào tại đây đều kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và kiểm dịch. Trong quá trình giết mổ đều được cán bộ thú y của phường Cẩm Thạch theo dõi, giám sát đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó mới lăn dấu kiểm dịch và đưa ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, khi Nghị quyết 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hết hiệu lực thì hoạt động của cơ sở này lại gặp khó khăn. Việc đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở giết mổ Thái Hòa đã giảm đi 50%, từ 200 con xuống con khoảng 100 con/ngày. Từ đó việc làm của doanh nghiệp ít đi, doanh thu bị giảm sút.
Bà Vũ Thị Minh Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thái Hòa, cho biết: "Do được đầu tư từ lâu nên hiện nay một số hạng mục của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Công ty đã xuống cấp. Công ty cũng rất muốn đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các trang thiết bị. Tuy nhiên, nguồn khách hàng ít, tài chính hạn hẹp nên chưa thể thực hiện. Tôi rất mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh vượt qua được khó khăn, kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn".
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được cấp phép hoạt động ở 4 địa phương là TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và TX Đông Triều. Theo Nghị quyết trên, tỉnh hỗ trợ 100% phí kiểm soát giết mổ động vật theo quy định hiện hành. Đối với lợn là 33.500 đồng/con; trâu, bò, ngựa không quá 200.000 đồng/con; gà, vịt, ngan, ngỗng 2.800 đồng/con. Việc thực hiện chính sách đã khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình mang gia súc, gia cầm đến các cơ sở giết mổ tập trung. Từ đó khắc phục được những bất cập tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong các khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường.
Thực hiện chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh, từ tháng 7/2016 đến hết ngày 31/12/2020, các địa phương đã chi trả hỗ trợ các gia đình, tổ chức, cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung với tổng kinh phí là trên 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi chính sách hết hiệu lực, nhiều người dân, tiểu thương không đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở tập trung do không còn được hỗ trợ. Vì vậy, hầu hết các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay đều trong tình cảnh khó khăn, công suất hoạt động thấp. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở các địa phương, bởi đây là lĩnh vực đầu tư cần nguồn vốn lớn và phải đảm bảo quy hoạch, các tiêu chí về môi trường, khoảng cách với khu dân cư...
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu 100% địa phương xây dựng được cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngoài các chính sách hỗ trợ khuyến khích trực tiếp cho người dân mang gia súc, gia cầm vào các lò mổ, cũng cần có những ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có quy mô lớn và dây chuyền, thiết bị hiện đại. Cùng với đó, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trái phép trong khu dân cư. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tăng thêm nguồn khách hàng và kinh doanh bền vững.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()