Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:58 (GMT +7)
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ: Những vấn đề cần quan tâm
Thứ 5, 08/06/2023 | 18:00:47 [GMT +7] A A
Chăm sóc dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Trang (ảnh), Phụ trách Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh).
- Xin bác sĩ cho biết về những hậu quả từ việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng?
+ Vi chất dinh dưỡng được hiểu là các loại vitamin (A, B, C, D, E, K…) và các loại khoáng chất (sắt, kẽm, đồng, canxi, phốt pho, iot...) thiết yếu đối với cơ thể. Theo thống kê, có đến 90 vi chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết đối với cơ thể, các đa vi chất này có trong hầu hết những thực phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật.
Hầu hết các loại vi chất dinh dưỡng đều tham gia vào quá trình hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, một số loại còn hoạt động với vai trò giống như chất chống oxy hóa để bảo vệ trước tình trạng tổn thương tế bào liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư, alzheimer...
Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng trong trường hợp cơ thể không nhận đủ lượng vi chất dinh dưỡng thì làm giảm hiệu quả trao đổi chất, chuyển hóa chất trong cơ thể, giảm sức đề kháng, trẻ có thể biếng ăn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, gây ra mệt mỏi kéo dài, suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư...
Việc thiếu hụt vitamin A sẽ làm cho trẻ chậm lớn, còi cọc, suy giảm miễn dịch, hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp... nếu thiếu nặng có thể gây khô loét giác mạc và mù lòa. Thiếu sắt thường gặp ở trẻ em và phụ nữ có thai, biểu hiện là da môi, lưỡi, niêm mạc mắt nhợt nhạt, trẻ ăn uống kém, thiếu tập trung. Thiếu hụt canxi và vitamin D gây nên còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người trưởng thành. Thiếu kẽm gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và phát triển, cũng như làm suy yếu chức năng của hệ miễn dịch...
- Lo lắng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, nhiều bậc phụ huynh đã tự ý mua các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, canxi, sắt, kẽm... điều này có gây ảnh hưởng gì không, thưa bác sĩ?
+ Tại phòng khám dinh dưỡng của Bệnh viện Sản Nhi, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp phụ huynh có con biếng ăn, chậm tăng cân đã tự ý mua các vi chất như kẽm, sắt, canxi… cho con uống vài đợt/năm, mỗi đợt 2-3 tháng. Qua vài năm không thấy cải thiện mới đưa trẻ đến khám dinh dưỡng. Chúng tôi cũng gặp cả những phụ huynh tự ý cho trẻ uống canxi từ lúc mới sinh ra, hoặc bổ sung canxi rất nhiều vào giai đoạn dậy thì, với mong muốn sau này con cao lớn hơn. Tuy nhiên, việc tự ý bổ sung các loại thực phẩm chức năng này là không nên, vì chưa xác định rõ loại vi chất nào đang thiếu hụt, mức độ thiếu hụt là bao nhiêu, cũng như mức bổ sung thế nào là đủ.
Bổ sung các vi chất dinh dưỡng quá liều cũng sẽ gây hại cho cơ thể; một số loại vi chất, đặc biệt là nhóm vitamin A, D, E, K, khi bị quá liều còn gây tác hại nhiều hơn. Quá liều vitamin A gây ngộ độc, tăng áp lực nội sọ, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí là hôn mê; quá liều vitamin D gây biếng ăn, tiêu chảy...
Đặc biệt do các vi chất trong cơ thể có tương tác lẫn nhau, nên việc bổ sung quá nhiều một loại vi chất có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu, cũng như hoạt động của các vi chất khác. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần đưa con em đi thăm khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ tư vấn việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết.
- Thừa cân - béo phì đang ngày càng gia tăng ở trẻ em, bác sĩ có thể tư vấn về tình trạng này?
+ Với trẻ em, cơ thể đang phát triển, do vậy điều trị béo phì ở trẻ em không đặt ra vấn đề giảm cân, mà là giảm tốc tăng cân, hoặc tránh tăng cân thêm để đảm bảo sự phát triển chiều cao của trẻ. Điều trị béo phì ở trẻ em gồm 3 vấn đề: Điều chỉnh chế độ ăn nhằm giảm năng lượng ăn vào; tăng cường hoạt động thể lực nhằm tăng năng lượng tiêu hao; đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi.
Trẻ cần có một kế hoạch can thiệp dinh dưỡng, được điều chỉnh và theo dõi bởi chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là xây dựng khẩu phần ăn cân đối hợp lý. Trẻ cần được ăn đều đặn các bữa, tránh bỏ bữa, đừng để quá đói. Hướng dẫn trẻ ăn chậm, nhai kỹ, giúp trẻ cảm nhận được no và ngừng ăn khi no. Nên cho trẻ uống sữa không đường, trẻ lớn có thể uống sữa gầy, vì đây là nguồn cung cấp dưỡng chất phát triển chiều cao tốt cho trẻ.
Gia đình nên ăn cùng nhau, tạo không gian ăn uống thoải mái, đây là động lực giúp trẻ duy trì cân nặng, cũng giúp các bậc phụ huynh quan sát thói quen ăn uống của con tốt hơn. Hạn chế tối đa thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Ngủ sớm, ngủ đêm đủ giấc. Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để có thể can thiệp kịp thời.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()