Chính quyền điện tử, công dân điện tử đến nay đã không còn là khái niệm xa vời với các cơ quan công quyền, người dân Quảng Ninh. Mọi công dân, nhà đầu tư, du khách đến tỉnh đã, đang được tiếp cận, sử dụng những dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt, tỷ lệ số hóa trong giải quyết các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh ngày càng chiếm ưu thế.
Năm 2012, khi Quảng Ninh bắt tay triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, định nghĩa “chính quyền điện tử” còn khá mới mẻ với người dân, thậm chí là với nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Vì vậy, song hành với đầu tư hạ tầng mạnh để chuyển đổi nền hành chính nặng về giấy tờ sang số hóa, thông qua môi trường mạng, yếu tố cốt lõi của 22 mục tiêu, 10 dự án thành phần, 2 chương trình trong Đề án Xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, đều gắn bó mật thiết với việc đào tạo cán bộ điện tử, công dân điện tử. Trên cơ sở này, tỉnh đã đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là ứng dụng CNTT trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước.
Đến nay bộ thủ tục hành chính (TTHC) của 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) của Quảng Ninh đã được hoàn thiện, chuẩn hóa. 100% TTHC cấp tỉnh, cấp huyện đủ điều kiện đưa vào thực hiện tại các trung tâm phục vụ hành chính công theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại nơi tiếp nhận), thuận tiện, công khai, minh bạch. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã cung cấp tại tất cả các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Hơn 200.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tính đến tháng 11/2019, Quảng Ninh có trên 7 triệu văn bản được trao đổi văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng trên 900 đơn vị trong tỉnh.
Năm 2016, Quảng Ninh tiếp tục triển khai xây dựng thành phố thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số giai đoạn 2019-2025. Theo đó, đã thực hiện số hóa 100% dữ liệu; triển khai mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi nhận tài liệu qua môi trường mạng; kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Một nền hành chính minh bạch đã giúp cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong giải quyết các TTHC. Thống kê sơ bộ, đến nay, sau hơn 7 năm áp dụng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã giảm hơn 40% thời gian làm TTHC, tiết kiệm chi phí xã hội 70 tỷ đồng/năm. Đồng thời, góp phần không nhỏ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện, không còn thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu với người dân, doanh nghiệp.
Ông Vương Văn Tùng, Quản lý Siêu thị Điện Máy xanh (TP Hạ Long), cho biết: "Trước đây, đơn vị mất rất nhiều thời gian gửi các hồ sơ, giấy tờ, chương trình khuyến mại tới cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh để chờ phê duyệt. Bây giờ, tôi chỉ việc thao tác trên máy tính hoặc điện thoại là có thể gửi đến các đơn vị này, không cần phải đến tận nơi như trước, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, tôi cảm thấy rất hài lòng. Không chỉ doanh nghiệp, người dân có thể thông qua website: dichvucong.quangninh.gov.vn để giải quyết nhiều TTHC".
Quảng Ninh đang từng bước triển khai xây dựng chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh, CNTT được ứng dụng để tăng cường minh bạch, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đề án mô hình thành phố thông minh của tỉnh đã bước đầu phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 46 trường học với 551 lớp học áp dụng công nghệ thông minh; 3 bệnh viện thông minh (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi) hướng tới tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng 86 trạm quan trắc, nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang phối hợp với Tập đoàn FPT tiếp tục xây dựng nhiều hệ thống hạ tầng nâng cấp từ hệ thống chính quyền điện tử, như: Trung tâm dữ liệu có chức năng lưu giữ, xử lý thông tin, dữ liệu của toàn tỉnh trong tất cả các lĩnh vực; hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh...
Đặc biệt, TP Hạ Long - thủ phủ của tỉnh, được xác định là trung tâm phát triển thành phố thông minh đã kết nối 1.300 camera thuộc 9 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực ATGT đã kết nối 30 camera đặt tại các điểm nút giao thông quan trọng; lắp đặt 3.500/9.000 bóng đèn thông minh tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm trên 2 tỷ đồng tiền điện chiếu sáng và chi phí quản lý/năm). Toàn thành phố được đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu khẳng định: Thành phố thông minh của Quảng Ninh sẽ lấy người dân, doanh nghiệp và du khách làm trung tâm; người dân vừa là người thụ hưởng, vừa là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Với những quyết tâm và nỗ lực rất cao, Quảng Ninh đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các năm 2017, 2018; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) các năm 2017, 2018; Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) 3 năm liền đứng thứ 4, năm 2019 vươn lên đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt năm 2018, Quảng Ninh được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số xuất sắc.
Mới đây, ngày 9/12/2019, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, Quảng Ninh vinh dự là một trong 3 tỉnh, thành đầu tiên của cả nước thực hiện kết nối giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh của Quảng Ninh, ông Stan Singh, nhà sáng lập, Chủ tịch Liên minh các tổ chức CNTT khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APICTA), đánh giá: Quảng Ninh đã có quãng thời gian dài để triển khai chính quyền điện tử và tôi thực sự ấn tượng với việc ứng dụng CNTT truyền thông trong triển khai chính quyền điện tử của tỉnh. Tôi cho rằng tương lai chính quyền điện tử của tỉnh rất tiềm năng, bởi tôi thấy được sự thay đổi ấn tượng về cơ sở hạ tầng, cảnh quan, nhận thức của người dân, những tín hiệu cho thấy sự tiến bộ, sự phát triển. Quảng Ninh là địa phương được Việt Nam đồng ý để đăng cai tổ chức Giải thưởng CNTT châu Á - Thái Bình Dương năm 2019; qua đó có thể thấy những ghi nhận của Việt Nam cũng như sự cầu thị, quyết tâm của Quảng Ninh đối với mục tiêu xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh.
Bài: Vân Du
Ảnh: PV
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()