Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:13 (GMT +7)
Chốt đơn thành niềm vui, săn sale món rẻ rồi bỏ xó
Thứ 7, 11/05/2024 | 10:58:32 [GMT +7] A A
Thời buổi khó khăn, nhiều bạn trẻ than vãn thu nhập giảm sút nhưng vẫn chăm chỉ săn hàng giảm giá vì nhiều nguyên nhân, trong đó có chốt đơn làm niềm vui.
"A lô, chị Thảo có đơn hàng 369.000 đồng xuống nhận ạ", Minh Long - shipper "ruột" của nhiều nhân viên văn phòng có trụ sở công ty ở quận 1 (TP.HCM), liên tục gọi điện mời khách nhận hàng. Nhiều trong số đó là những món săn hàng giảm giá.
Săn sale, nhận hàng rồi hối hận nhưng vẫn mua tiếp
Khung giờ 9h30 - 10h sáng mỗi ngày, anh chàng shipper này "rã hàng" từ ba chiếc giỏ đầy, được ràng buộc cẩn thận trên chiếc xe máy xuống một đoạn vỉa hè để giao từ từ cho khách.
Long xếp ngăn nắp hàng chục món đồ xung quanh trước khi gọi điện cho khách. Nhìn cảnh này, nhiều người liên tưởng trò chơi đồ hàng thuở bé.
"Em ơi, có hàng của chị chưa?", một nữ nhân viên văn phòng hỏi. "Chưa biết chị ơi. Chị lên làm việc đi. Chừng nào em gọi điện thì chị xuống nhận", Long trả lời.
Anh cho biết tuyến đường giao hàng này có nhiều tòa nhà văn phòng. Lượng hàng phải giao mỗi ngày rất lớn.
Vừa lúc đó, Thảo (26 tuổi, nhân viên văn phòng) đi cùng nhóm bạn ba người ra nhận hàng do săn sale vài ngày trước.
Cô nàng rất hài lòng khi nhận hộp mỹ phẩm, giá 369.000 đồng, được tặng thêm 5 mặt nạ dưỡng da. Trong khi đó, các cô bạn đi cùng nhận đơn có giá dưới 50.000 đồng, là miếng lót chuột, ly nước hình thú ngộ nghĩnh, vỏ đựng tai nghe…
Cùng thời điểm, Thúy Anh (24 tuổi, nhân viên marketing) thắc mắc với người bạn đi cùng: "Bà mua ốp điện thoại chi mà nhiều dữ vậy, có xài hết không?".
Người bạn đang khui hàng ngắm nhìn chiếc ốp lưng bèn trả lời: "Săn sale có 15.000 đồng nên mua cho vui. Tui còn một đống ở nhà chưa xài hết nữa".
"Săn sale cho vui", "Rẻ mà, mua có sao", "Có vài chục ngàn, săn sale còn vài ngàn. Không dùng cũng đỡ tiếc tiền. Chủ yếu là tận hưởng niềm vui đi nhận hàng, khui hàng" là lời giải thích của Bích Phương (28 tuổi).
Phương cho hay công việc quá áp lực, hay gặp stress. Buổi tối cô hay lên app của một sàn thương mại điện tử.
Cô xem người bán nói chuyện qua livestream (phát trực tiếp), từ đó săn sale đặt hàng trong vô thức.
"Có ngày shipper gọi xuống nhận hàng nhưng mình không biết hàng gì, đặt lúc nào. Mình vẫn xuống nhận và thanh toán vì thấy cũng vui", cô chia sẻ.
Lãng phí tiền triệu mỗi tháng khi săn hàng giảm giá, món rẻ càng rẻ hơn
Mới đi làm, Nhã An (23 tuổi) đang đau đầu vì đống đồ online do săn sale chứa ở phòng trọ. Có món xài chỉ một lần. Có món khui hàng rồi để đó. Thậm chí có món còn chưa khui.
"Dù sàn thương mại cho phép trả hàng lên đến 15 ngày kể từ khi nhận, mình vẫn lười hoàn đơn.
Mấy chục ngàn đồng một đơn nên mình chưa thấy tiếc tiền lắm. Tuy nhiên khi xem lại chi tiêu mỗi tháng, mình thực sự giật mình", cô nói.
Trong khi đó, Anh Minh (25 tuổi) lại "sực tỉnh" vì số tiền mỗi tháng chi cho niềm vui săn sale 1,4 - 2 triệu đồng. Số này chiếm gần 15% thu nhập mỗi tháng.
"Cứ tưởng mỗi đơn trên dưới trăm ngàn đồng thì ít. Nhưng cộng lại không ngờ mình chi tiêu quá lố như vậy. Mà nhiều món mình không dùng đến, cũng không thanh lý được".
Anh dẫn chứng mình săn sale một con robot hút bụi giá chỉ 83.000 đồng. Xài được vài lần, anh bỏ xó. "Chẳng khác gì đồ chơi con nít", anh nói.
"Lúc lướt điện thoại, mình tình cờ thấy robot hút bụi được bán với giá đó. Không tin vào mắt, sẵn tò mò nên đặt mua thử xem nó thế nào. Không xài được cũng không sao", Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng như Nhã An, khi thấy số tiền săn sale nhiều cho những món đồ không thực sự cần thiết, anh thấy rất giận bản thân.
Bây giờ anh chỉ có nước quăng rác hoặc bán ve chai. Thanh lý vừa mất công vừa không gỡ vốn được bao nhiêu.
Còn Nhã An thở dài: "Khi cộng dồn lại thì chỉ riêng mua hàng online đã lên đến tiền triệu. Trong khi mỗi lần đi ăn trưa mình đắn đo đĩa cơm 40.000 đồng. Mình thực sự hối hận. Có lẽ phải xóa app để cai mua sắm online thôi".
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()