Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/09/2024 15:33 (GMT +7)
Chung tay giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Thứ 7, 03/08/2024 | 15:35:50 [GMT +7] A A
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và của tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Công an tỉnh đã tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần kéo giảm, hạn chế các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.
Công tác quản lý nhà nước về THNCĐ trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ. Có được kết quả đó, các đơn vị, địa phương liên quan đã kịp thời tuyên truyền, quán triệt, triển khai các quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác THNCĐ; tiếp nhận, quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, từ việc lập hồ sơ quản lý, theo dõi, phân công giáo dục, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để họ ổn định cuộc sống, THNCĐ, đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định pháp luật.
Công an tỉnh đang thực hiện các biện pháp để triển khai hiệu quả Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù"; trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng CSXH, đặc biệt là ký quy chế phối hợp với Ngân hàng CSXH để thực hiện có hiệu quả Quyết định này. Từ tháng 8/2023-7/2024 có 82 người được vay hơn 7,2 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ này.
4 năm trước, chỉ vì một phút nông nổi, chị Triệu Thị Dung (thôn 4, xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên) đã phải trả giá đắt - 3 năm tù, khi hành động đốt nhà vì muốn tự tử, vô tình làm chồng bị thương. Được đặc xá, trở về địa phương sau 22 tháng thi hành án, chị Dung quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị chia sẻ: "Chính hành động bộc phát trong lúc nóng giận, thiếu kiềm chế của bản thân đã gây hậu quả nặng nề, chồng bị thương, nhà cháy, mình đi tù, con cái thiếu hơi ấm của mẹ trong thời gian dài. Vì thế suốt những tháng ngày phải trả giá vì lỗi lầm của mình, tôi đã suy nghĩ rất kỹ và nhận ra nhiều điều".
Trở về cộng đồng với nhiều mặc cảm, nhưng sự yêu thương của gia đình, sự đùm bọc của bà con lối xóm, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, thôn, đã giúp chị Dung có cơ hội THNCĐ. Với 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH do Hội LHPN xã Hoàng Tân nhận ủy thác, chị Dung mở cửa hàng tạp hóa nhỏ ở xã. Có nguồn thu nhập mỗi ngày, cuộc sống của gia đình chị dần ổn định hơn, lo cho 3 con ăn học và người chồng vẫn bị ảnh hưởng sức khỏe sau sự cố 4 năm trước. Chị trở thành trụ cột gia đình và là một công dân có ích cho xã hội.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Trưởng Công an TX Quảng Yên, cho biết: Để làm tốt công tác THNCĐ, Công an thị xã phối hợp với chính quyền địa phương, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng; rà soát các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm Công an tỉnh tiếp nhận khoảng 1.000 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (gọi chung là người chấp hành xong án phạt tù) trở về địa phương. Tỷ lệ phạm tội mới, tái phạm tội ở đối tượng này hằng năm luôn ở mức thấp. Tuy nhiên số người chấp hành xong án phạt tù được dự báo ngày một tăng, đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, nhất là tạo việc làm, phòng ngừa tái phạm, phạm tội mới... Toàn tỉnh hiện có 3.193 người được tha tù, trong đó có 2.805 người đang sinh sống tại địa phương, nhưng một nửa trong số đó chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
Thượng tá Trần Thái Bình, Trưởng Phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), cho biết: Phần lớn người chấp hành xong án phạt tù có học vấn thấp; tâm lý mặc cảm, tự ti, đôi khi còn phải chịu sự kỳ thị của những người xung quanh, khiến việc THNCĐ, gặp gỡ, tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, giới thiệu việc làm cho họ khó khăn; doanh nghiệp còn e ngại tuyển dụng những người có tiền án, tiền sự. Vì vậy, việc tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cho người lầm lỗi đóng vai trò rất quan trọng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 mô hình, 24 điển hình trong công tác THNCĐ. Các mô hình đã phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, như: Tư vấn về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm... Tuy nhiên để các mô hình này phát huy hiệu quả tối đa, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, mục đích cuối cùng là giúp người THNCĐ ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()