Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:52 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng
Thứ 3, 21/05/2024 | 06:08:18 [GMT +7] A A
Công tác tái hòa nhập cộng đồng được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội.
Xác định rõ điều này, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện, phát huy hiệu quả sức mạnh của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng.
Công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn là nòng cốt tổ chức tiếp nhận, quản lý chặt chẽ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa bàn; đẩy mạnh thông tin về công tác tái hoà nhập cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, tọa đàm, các buổi sinh hoạt tại khu phố, treo băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi tuyên truyền...
Các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được chú trọng triển khai. Riêng năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 23 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trong 2 năm (2022, 2023) đã tổ chức 5 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh…
Hiện toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động đối với 18 mô hình về tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn, thông qua đó đã phát huy hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng. Điển hình như mô hình “Chung tay giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng”; mô hình “Mở lối về cho người lầm lỗi"; mô hình “Bạn giúp bạn”...
Từ năm 2019 đến 15/3/2024, tỉnh đã tiếp nhận 5.826 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, trong đó, 2.147 người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 152 người được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận. Các địa phương tiếp nhận, quản lý, tuyên truyền trực tiếp cho người chấp hành xong án phạt tù; đảm bảo tiếp nhận, nắm thông tin 100% người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 3.138 người, hướng dẫn thủ tục cư trú, xoá án tích, cấp lý lịch tư pháp cho 4.783 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù. Tổng số người chấp hành xong án phạt tù đang quản lý là 2.754 người, giảm 6.665 người, đa số do được xóa án tích.
Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để đào tạo nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm tội, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn, từ tháng 8/2023 đến 15/3/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay vốn 65 người, với tổng số tiền 5,65 tỷ đồng; đang làm thủ tục cho vay vốn đối với 12 người, với số tiền 1,2 tỷ đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, chưa có trường hợp có dấu hiệu khả năng bị thất thoát vốn vay, không trả nợ được.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng còn hạn chế nhất định. Từ năm 2019 đến 15/3/2024, số tái phạm tội và vi phạm pháp luật là 443 người, nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng không có việc làm ổn định, thiếu sự quan tâm phối hợp trong công tác giáo dục, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, gia đình. Phần lớn người chấp hành xong án phạt tù có trình độ học vấn thấp; tâm lý mặc cảm, tự ti, đôi khi còn phải chịu sự kỳ thị của những người xung quanh, khiến việc tái hòa nhập cộng đồng, việc gặp gỡ, tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, giới thiệu việc làm khó khăn; doanh nghiệp còn e ngại tuyển dụng những người có tiền án, tiền sự. Chính vì vậy, việc tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cho người lầm lỗi đóng vai trò rất quan trọng.
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác giáo dục, dạy nghề, tư vấn, định hướng việc làm, Quảng Ninh cũng đề xuất các bộ ngành nghiên cứu ban hành văn bản quy định cụ thể việc tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, đảm bảo thiết thực, phù hợp với đặc điểm địa bàn, đối tượng; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()