Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:09 (GMT +7)
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Chuyển đổi số trong ngành y tế: Tăng sự hài lòng cho người bệnh
Thứ 6, 24/06/2022 | 10:16:55 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030, ngành y tế Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng, tiếp cận các công nghệ số trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh (KCB). Qua đó, giúp cho mọi hoạt động của ngành và các đơn vị KCB được thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng người bệnh nhiều hơn.
Trong chẩn đoán và điều trị bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn tiên phong ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo, nhằm phục vụ hiệu quả cho người bệnh. Bệnh viện hiện là đơn vị y tế đầu tiên ở miền Bắc ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID để đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ, đã được FDA của Mỹ thông qua và đang được sử dụng tại nhiều bệnh viện lớn trên khắp thế giới. Hiện Việt Nam là quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng trí tuệ nhân tạo này.
Theo bác sĩ CKI Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phần mềm RAPID được cài đặt trực tiếp vào máy tính có tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu hình ảnh. Sau khi bệnh nhân đột quỵ được chụp CT hoặc MRI, phần mềm RAPID sẽ tính toán xử lý nhanh trong thời gian ngắn (30 giây đến 2 phút) và cho ra kết quả. Bác sĩ sẽ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác, kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng về sau cho người bệnh. Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ, hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, nhóm này hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Bên cạnh đó, phần mềm cũng hỗ trợ đo thể tích khối máu tụ với những trường hợp xuất huyết não, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác để có hướng điều trị phù hợp.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các đơn vị KCB từ tỉnh đến cơ sở cũng từng bước được đầu tư, xây dựng đồng bộ, khang trang; nhiều thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng với công nghệ tự động hóa, số hóa, ứng dụng các phần mềm tiện ích, tiên tiến... Những hình ảnh, chụp Xquang, CT scanner, hoặc siêu âm được gửi lên phần mềm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) giúp các bác sĩ đưa ra kết luận nhanh, chính xác trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Bên cạnh đó, quy trình khám bệnh cũng được các đơn vị KCB trong tỉnh thực hiện khép kín qua phần mềm ứng dụng CNTT. Người bệnh khi đến được tiếp đón và rút số tự động, liên kết với phần mềm gọi số bệnh nhân. Từ đó, quy trình khám bệnh được thực hiện nhanh chóng, đúng thứ tự. Đồng thời, phần mềm được liên kết với các khoa, phòng chuyên môn, để nhận được kết quả nhanh chóng, tạo thuận lợi cho các y, bác sĩ và bệnh nhân.
Hiện các đơn vị y tế được quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ bản các hạ tầng CNTT, với 100% đơn vị đã có phòng máy chủ và 100% máy tính được kết nối Internet để phục vụ công việc. Các phần mềm được ứng dụng trong quản lý, điều hành y tế như: Quản lý KCB (HIS, LIS, PACS); quản lý KCB thống nhất tại 177 trạm y tế tuyến xã; quản lý điều hành văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4); trang thông tin điện tử tổng hợp...
Đến nay, các văn bản phát hành, báo cáo thống kê của Sở Y tế được thực hiện trên môi trường điện tử; người đứng đầu của các đơn vị y tế đã triển khai sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định. 100% thủ tục hành chính y tế đều thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Triển khai bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi. Hiện tại 100% cơ sở KCB đều đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt quét mã QR, qua website, Mobile money và thẻ (POS); một số đơn vị đã có thẻ khám bệnh, đăng kí khám bệnh trực tuyến… từ đó cũng tiết giảm được thời gian chờ đợi của người bệnh.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, ngành y tế Quảng Ninh đi đầu cả nước trong triển khai xây dựng hệ thống Telemedicine (y tế từ xa) với 24 điểm cầu phục vụ công tác hội chẩn, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật qua mạng Internet. Hệ thống Telemedicine của tỉnh đã kết nối đến 18 bệnh viện tuyến Trung ương theo đề án KCB từ xa của Bộ Y tế (Telehealth). KCB từ xa đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đối số ngành y tế, nhất là trong giai đoạn chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Mạnh cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số, ngành y tế xác định, con người là yếu tố quan trọng nhất. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó và mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân. Do đó, chúng tôi tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên tế trong toàn ngành. Từ đó giúp cho ngành y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian KCB, giảm các thủ tục hành chính; ứng dụng nhiều tiện ích của công nghệ số phục vụ nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()